02 tháng 7 2022

TÔI ĐÃ DỰNG RA CHUYỆN XỨ GILEAD. TỐI CAO PHÁP VIỆN ĐANG LÀM NÓ THÀNH HIỆN THỰC.

Khi viết cuốn Chuyện các tỳ nữ (The Handmaid’s Tale), tôi tưởng tôi chỉ viết truyện giả tưởng.




Margaret Atwood, The Atlantic

13/05/2022


Giới thiệu tác giả: Bà Margaret Atwood là một nhà thơ, cây viết truyện ngắn người Canada và là tác giả của hơn một chục cuốn tiểu thuyết.

Vào những năm đầu của thập niên 1980, tôi đã múa bút với một cuốn tiểu thuyết giả tưởng về một tương lai khi mà nước Mỹ đã bị phân rã. Một phần của nó đã trở thành một chế độ độc tài thần quyền dựa trên các luật lệ và nguyên lý tôn giáo Thanh giáo (Puritan) ở New England vào thế kỷ 17. Tôi đặt bối cảnh cuốn tiểu thuyết này xung quanh Đại học Harvard — một học viện mà vào những năm 1980 nổi tiếng với chủ nghĩa tự do, nhưng lúc khởi thuỷ vào ba thế kỷ trước đó, nó chủ yếu là nơi đào tạo các giáo sĩ Thanh giáo.

Trong chế độ thần quyền hư cấu của Xứ Gilead, phụ nữ có rất ít quyền, như ở New England vào thế kỷ 17. Những điều trong Kinh thánh đã được nhặt chọn lọc để diễn giải theo nghĩa đen. Dựa trên sự sắp xếp sinh sản trong phần Genesis (Sáng thế ký) — cụ thể là của gia đình Jacob — những người vợ của các tộc trưởng cấp cao có thể có các nữ nô lệ, hoặc “tỳ nữ”, và có những người vợ có thể bảo chồng họ có con với những người tỳ nữ và sau đó nhìn nhận những đứa trẻ đó làm con của họ.

Mặc dù cuối cùng tôi đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết này và gọi nó là The Handmaid’s Tale (Chuyện những tỳ nữ), nhưng tôi đã bỏ dỡ nó vài lần, chỉ vì tôi cho rằng nó quá hoang đường. Tôi ngớ ngẩn quá. Các chế độ độc tài thần quyền không chỉ nằm trong quá khứ xa xôi: Ngày nay có rất nhiều chế độ độc tài trên hành tinh. Có gì để ngăn cản Hoa Kỳ trở thành một trong số đó?

Ví dụ: Bây giờ là giữa năm 2022, và chúng ta vừa được xem một tài liệu bị tiết lộ từ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ rằng họ sẽ lật đổ một luật có từ 50 năm qua với lý do phá thai không được đề cập trong Hiến pháp, và không "bắt rễ" từ "lịch sử và truyền thống" của chúng ta. Cũng đúng. Hiến pháp không nói gì về quyền sinh sản của phụ nữ. Nhưng tài liệu nguyên thuỷ đó hoàn toàn không đề cập đến phụ nữ.

Từ buổi đầu, họ đã chủ tâm không trao quyền công dân cho  phụ nữ. Mặc dù một trong những khẩu hiệu của thời Chiến tranh Cách mạng năm 1776 là "Không có sự đại diện thì không đóng thuế” (“No taxation without representation”), và người ta chấp nhận quan điểm sự cai quản của chính quyền phải được sự đồng ý của người dân, nhưng phụ nữ không có sự đại diện và họ cũng chẳng đồng ý việc họ được cai quản — mà chỉ có sự ủy quyền, thông qua cha hoặc chồng của họ. Phụ nữ không thể đồng ý hoặc không đồng ý, bởi vì họ không thể bỏ phiếu. Điều đó tồn tại cho đến năm 1920, khi Tu chính án thứ mười chín được phê chuẩn, một tu chính án bị nhiều người phản đối mạnh mẽ vì đi ngược lại với Hiến pháp ban đầu. Như nó đã từng bị phản đối.

Luật pháp Hoa Kỳ xem phụ nữ không phải là “con người” trong một thời gian lâu hơn rất nhiều so với giai đoạn họ đã được xem là “con người”. Nếu chúng ta bắt đầu lật đổ các đạo luật đã thiết lập bằng cách sử dụng những lời biện minh của Thẩm phán Samuel Alito, tại sao không bỏ luôn quyền bầu cử của phụ nữ?

Quyền sinh sản đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh cãi gần đây, nhưng chỉ có một mặt của đồng xu được nhìn thấy: quyền tránh sinh con. Mặt còn lại của đồng xu đó là quyền lực của nhà nước ngăn quyền sinh sản của bạn. Phán quyết năm 1927 của Tối cao Pháp viện trong vụ Buck v. Bell cho rằng tiểu bang có thể triệt sản mọi người mà không cần sự đồng ý của họ. Mặc dù phán quyết đó đã bị hủy bỏ bởi các vụ kiện sau đó, và các đạo luật tiểu bang cho phép triệt sản quy mô lớn đã bị bãi bỏ, phán quyết trong vụ Buck v. Bell vẫn còn trong sách sử. Loại tư duy chọn giống này từng được coi là “cấp tiến” và khoảng 70.000 ca triệt sản - cả nam và nữ, nhưng chủ yếu là nữ - đã diễn ra ở Hoa Kỳ. Do đó, một truyền thống “có nguồn gốc sâu xa” là các cơ quan sinh sản của phụ nữ không thuộc về những người phụ nữ sở hữu chúng. Chúng chỉ thuộc về tiểu bang.

Bạn hẳn sẽ nói: Gượm đã, đây không phải là chuyện về mấy cơ quan sinh sản; đó là chuyện về các em bé. Điều này đặt ra một số câu hỏi. Quả sồi có phải là cây sồi không? Trứng gà có phải là con gà không? Khi nào một quả trứng được thụ tinh trở thành một con người hoàn chỉnh? Truyền thống “của chúng ta” — xem như truyền thống của người Hy Lạp cổ đại, người La Mã cổ đại, những người Cơ đốc giáo xa xưa — đã bỏ trống chủ đề này. Lúc "thụ thai"? Lúc có "nhịp tim"? Khi "thai máy?" Quan điểm cứng rắn của các nhà hoạt động chống phá thai ngày nay là ở thời điểm “thụ thai”, giờ đây được cho là thời điểm mà tại đó một nhóm tế bào trở nên “có linh hồn”. Nhưng những kiểu sự phán xét nào như vậy đều dựa vào một niềm tin tôn giáo - cụ thể là niềm tin vào linh hồn. Không phải ai cũng có chung niềm tin như vậy. Nhưng dường như bây giờ, tất cả có nguy cơ phải tuân theo luật pháp được dựng ra bởi những người mang niềm tin đó. Tức là việc được xem là tội lỗi bởi một nhóm tín ngưỡng tôn giáo nọ sẽ bị xem như tội ác đối với tất cả mọi người.

Hãy xem lại Tu chính án Thứ nhất. Nó viết rằng: “Quốc hội sẽ không đưa ra luật nào nhằm thiết lập một tôn giáo, hoặc cấm cản quyền tự do tôn giáo; hoặc giảm thiểu quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; hoặc quyền của người dân được tụ họp ôn hòa, và quyền kiến ​​nghị Chính phủ giải quyết những bất bình." Những người viết bản Hiến pháp, nhận thức rõ về các cuộc chiến tranh tôn giáo chết chóc đã xé nát châu u kể từ khi đạo Tin lành trỗi dậy, đã mong muốn tránh được cái bẫy chết chóc đó. Không có quốc giáo. Cũng không ai bị nhà nước ngăn cản việc thực hành tôn giáo do họ chọn.

Nó đơn giản thế này: Nếu bạn tin vào "sự mang linh hồn" khi thụ thai, bạn không nên phá thai, bởi vì làm như vậy là một tội lỗi trong tôn giáo của bạn. Nhưng nếu bạn không tin như vậy, bạn không nên — theo Hiến pháp — bị ràng buộc bởi niềm tin tôn giáo của người khác. Tuy nhiên, nếu quan điểm của Alito trở thành luật mới thiết lập, Hoa Kỳ có vẻ đang trên con đường thành lập quốc giáo. Massachusetts có một tôn giáo chính thức vào thế kỷ 17. Để tuân theo nó, người theo phái Puritan (Thanh Giáo) đã treo cổ người thuộc phái Quaker (Nội Quang).

Ý kiến ​​của Alito có vẻ như dựa trên Hiến pháp Hoa Kỳ. Thật ra nó dựa trên luật pháp Anh từ thế kỷ 17, thời điểm mà niềm tin vào phép phù thủy đã gây ra cái chết của nhiều người vô tội. Các phiên tòa xét xử phù thủy Salem là những phiên tòa - họ có thẩm phán và bồi thẩm đoàn - nhưng họ chấp nhận “bằng chứng ma quỷ”, với niềm tin rằng một phù thủy có thể gửi nhân bản của nó, hay hồn ma của nó, ra ngoài để nghịch phá. Vì vậy, nếu bạn đang ngủ ngon trên giường, với nhiều người chứng kiến, nhưng ai đó báo cáo rằng bạn đang làm những điều độc ác với một con bò cách đó vài dặm, bạn đã phạm tội phù thủy. Bạn không có cách nào để chứng minh ngược lại.

Tương tự, sẽ rất khó để bác bỏ một cáo buộc sai sự thật về việc phá thai. Chỉ cần một sự kiện của vụ sẩy thai, hoặc một tuyên bố của một tình nhân cũ giận dỗi, bạn sẽ dễ dàng bị gán nhãn sát nhân. Những cáo trạng độc ác và sự thù hằn sẽ ngày càng lan rộng, cũng như sự chuyện ghép tội phù thủy cách đây 500 năm.

Nếu Thẩm phán Alito muốn bạn bị cai quản bởi luật pháp của thế kỷ 17, bạn nên xem xét kỹ lưỡng thế kỷ đó. Đó có phải là thời mà bạn muốn sống?


Nguồn: https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2022/05/supreme-court-roe-handmaids-tale-abortion-margaret-atwood/629833/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét