03 tháng 1 2021

Câu chuyện sâu sắc về chủ nghĩa Trump

Nghĩ về Đảng Cộng hòa theo cách của một bác sĩ tâm lý chính trị.

Derek Thompson, The Atlantic

29/12/2020

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt

Chuyện làm cư dân nhà trắng của Tổng thống Donald Trump sẽ sớm thành chuyện đã qua. Nhưng cái thòng lọng của ông đối với đảng Cộng hòa dường như vẫn được siết chặt hơn bao giờ hết: ba phần tư đảng viên Cộng hòa nói rằng họ tin rằng người đàn ông của họ đã thắng cuộc bầu cử năm 2020. Liệu đảng Cộng hòa có thể tiếp thêm năng lượng cho những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông ta và thúc đẩy một loại chủ nghĩa Trump mà không có Trump không? Câu trả lời phụ thuộc vào chủ nghĩa Trump là gì — một nguyên mẫu của chủ nghĩa dân túy, một sự sùng bái cá tính hay một thứ gì đó xa lạ hơn.

Đối với một số người, chủ nghĩa Trump đánh dấu sự khởi đầu của một Đảng Cộng hòa mới. Bốn năm trước, Trump đã tạo ra một liên minh cử tri Cộng hòa thiên về dân lao động chân tay (cổ cồn xanh) và ít dân lao động trí thức (cổ cồn trắng) hơn so với các cuộc bầu cử trước đó bằng cách kết hợp thông điệp chống nhập cư và bảo hộ với lời kêu gọi xóa bỏ bộ máy quan liêu xơ cứng và tham nhũng. Năm 2020, ông mở rộng cơ sở dân lao động của mình bằng cách giành được nhiều người gốc Latinh hơn một cách đáng kể, đặc biệt là ở nam Texas và Florida. Nhà báo Ross Douthat viết trên tờ New York Times: “Bạn có thể thấy nền tảng của đa số bảo thủ thời hậu Trump có thể là đa sắc tộc, tầng lớp trung lưu và dân túy.”

Nhưng nhà xã hội học tại Đại học UC Berkeley, bà Arlie Russell Hochschild tin rằng chủ nghĩa Trump gắn bó mật thiết - ít nhất là bây giờ - với tên gọi của nó, vì nó tồn tại ngoài logic của sự sáng suốt chính trị. Nó tồn tại trong lĩnh vực cảm giác của chính trị mộng mơ (dreampolitik). Hochschild nói với tôi: “Nếu có một điều tôi nghĩ rằng báo chí chính thống vẫn sai về Trump, đó là họ cảm thấy thoải mái khi nói về kinh tế và tính cách, nhưng họ không coi trọng cảm xúc. Để hiểu được tương lai của Đảng Cộng hòa, chúng ta phải hành động như những bác sĩ tâm lý chính trị”.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2016 có tựa Những kẻ lạ trên chính quê hương của họ (Strangers in their Own Land), bà Hochschild đã đi xuống vùng Deep South để nghiên cứu bản sắc bảo thủ đang nổi lên và tìm ra một thứ giống như một bản thảo trên viên đá Rosetta về sự nổi lên của Donald Trump. Bà ấy đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn tâm lý cho thế giới quan của cánh hữu, mà bà gọi là “câu chuyện sâu sắc.” (Deep South là vùng phía đông nam nước Mỹ, vốn là vùng đồn điền và ủng hộ chế độ nô lệ từ thời Nội chiến. Tên gọi này về sau thường được dùng để chỉ khu vực khá thiên về bảo thủ gồm Georgiia, Alabama, South Carolina, Mississippi và Louisiana. Đôi khi nó còn ám chỉ cả bang Arkansas, vùng đông Texas, và bắc Florida. - ND)

Câu chuyện sâu sắc diễn ra như sau: Bạn là một người đàn ông da trắng lớn tuổi không có bằng đại học đứng giữa hàng đợi với hàng trăm triệu người Mỹ. Hàng đợi (The Line) dẫn lên một ngọn đồi, hướng tới một nơi cư trú ngay trên sườn đồi, đó là giấc mơ Mỹ. Phía sau bạn xếp hàng, bạn có thể thấy một chuỗi dài của những linh hồn khốn khổ — nhiều người nghèo, hầu hết là da trắng, sinh ra ở Mỹ hoặc nước ngoài, già và trẻ. Bà Hochschild viết: “Thật đáng sợ khi nhìn ra sau. Có rất nhiều người phía sau bạn, và về nguyên tắc, bạn chúc điều tốt lành đến họ. Bạn cũng đã đợi trong hàng trong một thời gian dài.” Bây giờ bạn đang mắc kẹt trong hàng đợi, vì nền kinh tế không hoạt động. Và tệ hơn cả chuyện mắc kẹt trong hàng, bạn còn bị chê bai; những người theo chủ nghĩa tự do trên các phương tiện truyền thông nói rằng mọi điều truyền thống mà bạn tin là phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Và đây là cái gì? Mọi người đang chen vào hàng ngay trước mặt bạn! Có cái gì đó không đúng. Hàng đợi cũ không hoàn hảo, nhưng ít nhất đó là một lời hứa. Có trật tự trong thực tế của một hàng đợi. Và nếu trật tự đó bị phá vỡ, thì nước Mỹ cũng vậy.

Bà Hochschild đã thử nghiệm kể câu chuyện biểu tượng này với những người quen Cộng hòa ở đó của bà và được bảo rằng chuyện đó nghe lọt tai với họ. Vâng, họ nói, điều này ghi lại cảm giác của tôi. Trong vài năm qua, bà đã giữ liên lạc với một số mối quan hệ của mình từ vùng Deep South và theo dõi sát sao quá trình phát triển triết học của họ. Bà đã theo dõi tâm điểm của sự lo lắng của họ chuyển từ ngân sách (bà ấy nói với tôi “Họ không bao giờ nói về thâm hụt nữa,”) sang tầng lớp chính trị cố thủ và “lầy lội”. Bà cũng đã chứng kiến sự hoán chuyển theo Trump của mọi thứ. Bà nói: “Đã từng có Đảng Trà. Bây giờ tất cả là chủ nghĩa Trump."

Bà Hochschild nói với tôi, nếu chúng ta muốn hiểu phong trào này, chúng ta phải hiểu những gì đã xảy ra trong năm năm qua đối với những người trong hàng đợi. Bà nói, “Bây giờ tôi thấy rằng ẩn dụ hàng đợi trong cuốn sách của tôi chỉ là Chương 1 của câu chuyện sâu sắc. Những gì tôi thấy bây giờ là có nhiều chương hơn."

Nếu Chương 1 là “Hàng đợi”, thì Chương 2 là “Người mới đến” (The Arrival). Khi Trump xuất hiện trước các thành viên của hàng đợi bị phá vỡ, Hochschild thấy rằng ông ấy thể hiện những khía cạnh khó nói nhất của câu chuyện sâu sắc. Trump có thể là một kẻ nhảm nhí suốt đời, nhưng có một điều mà ông chưa bao giờ phải nói nhảm nhí là sự bất bình của ông đối với giới tinh hoa theo chủ nghĩa tự do và sự ác cảm của ông đối với những nhóm mà Đảng Trà của Cộng hòa đã biết rằng họ căm ghét. Ông đã khiến họ không tin tưởng vào Barack Obama bằng những tuyên bố về thuyết âm mưu về sinh quán do chính ông đưa ra. Ông ta đã thành hình được sự căm ghét của họ đối với Hillary Clinton bằng cách dẫn đầu lời tụng "Hãy nhốt bà ấy lại!". Bà Hochschild nói: “Từ những cuộc biểu tình đầu tiên, thông điệp cơ bản của Trump luôn là ‘Tôi yêu bạn, bạn yêu tôi, và tất cả chúng ta đều cùng ghét những người giống nhau’.”

Nếu bạn nghĩ rằng đó là một cách giải thích phiến diện từ một người vùng ven biển, hãy xem xét phân tích gần đây hơn từ nhà tư vấn chính trị Cộng hoà Liam Donovan: “Một trong những điều ấn tượng nhất [và]  có ích về mặt chính trị mà Trump đã làm ngay từ đầu là khiến người hâm mộ của ông ấy khắc ghi sự ủng hộ của họ và để rồi coi bất cứ sự quở trách nhẹ nào đối với ông ta [và] hành động của ông ta như là một cuộc tấn công cá nhân đối với họ." Sự đón nhận không chút ngần ngại một kiểu chính trị đầy phẫn uất của Trump đã khiến ông trở thành sứ giả của hàng đợi bị phá vỡ.

Sau chương “Người mới đến”, Chương 3 là “Kẻ gánh chịu” (The Suffering): Nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Hochschild nói: “Rất nhiều người theo chủ nghĩa tự do phi tôn giáo không thể điều chỉnh vào tần số mà Donald Trump đang nói với cánh hữu. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, tổng thống đã tập trung cao độ, chẳng phải vào các nhiệm vụ hàng ngày của vai trò tổng thống, mà thay vào đó là tấn công những kẻ thù chính trị của mình — báo chí, bộ máy quan liêu, phe cực tả, những người luận tội, phần mềm kiểm phiếu. Mặc dù những người theo chủ nghĩa tự do có thể nhìn thấy sự tức giận bệnh hoạn ở đây, nhưng các đối tượng của Hochschild đã nói với bà ấy rằng họ cảm nhận được điều gì đó sâu sắc hơn cơn thịnh nộ. Họ thấy sự gánh chịu. Bà nói: " ’Tôi đang gánh chịu đau khổ vì bạn,’ là một thông điệp sâu sắc. Đau khổ đúc kết và củng cố niềm tin. Nó đặt một cái đuôi ism (chủ nghĩa) cho chữ Trump và mang lại cho dự án chính trị một hình dạng của một phong trào tôn giáo." Có lẽ một phần bởi vì Trump tự coi mình là thần thánh, ông ta đang hấp thụ mô hình tôn giáo cơ bản của những cử tri đang tìm kiếm một số tín điều mới để giải thích chuyện hàng đợi bị hỏng và sửa chữa nó.

Bây giờ chúng ta đang ở Chương 4, "Thế giới bên kia" (The Afterlife). Kể từ thất bại chính trị của Trump, ông và các phụ tá của mình đã yêu cầu những người đi theo tin vào phép màu của sự tưởng tượng leo thang. Những gì bắt đầu chỉ như một thông điệp điện tín đơn giản - rằng Trump sẽ không bao giờ chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử mà ông ấy thua - đã trở thành một chuyện hoang đường cuồng ngông, với những cái tên và nhân vật mới: một Dominion, một Hugo Chavez, một âm mưu cộng sản quốc tế, một vụ loại bỏ phiếu bầu bất hợp pháp, một sự gian lận cử tri bầu qua thư, bất thường trong cuộc bỏ phiếu ở các đô thị, và cả quỷ Kraken! Phản ứng âm mưu của Trump đối với thất bại trong cuộc bầu cử của ông đang khiến đảng Cộng hòa rạn nứt. Một bên là phong trào “Ngừng ăn cắp” (“Stop the Steal") và phần lớn cử tri Đảng Cộng hòa nói rằng họ không tin vào kết quả. Phía bên kia là một nhóm phần lớn  ủng hộ tổng thống nhưng coi phong trào Stop the Steal hoặc khá thì là màn kịch, hoặc tệ thì là sâu mọt trong não. Hochschild nói trong tương lai, nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa sẽ phải chọn nơi họ đặt sự cân bằng cho lòng trung thành của mình: một Chủ nghĩa Trump xếp vào hàng hoặc Chủ nghĩa Trump tan rã.

Câu chuyện sâu sắc luôn phảng phất một chút thuyết âm mưu: Những người Đảng Trà nghĩ rằng việc Obama lên nắm quyền là điều khó hiểu, và họ đã nghi ngờ về khả năng tiến tới của những kẻ đứng cuối hàng đợi. Nhưng trong bốn năm qua, chủ nghĩa âm mưu đã nở rộ bên dưới một tổng thống, người luôn hoan nghênh bất kỳ chuyện hoang tưởng nào giúp ông trở thành nhân vật chính đang gánh chịu đau khổ.

Hochschild nói: “Thuyết âm mưu xuất phát từ chỗ muốn hiểu và làm chủ những thế lực bên ngoài bạn,” người vẫn nói chuyện với những người từng theo Đảng Trà, những người đã rơi vào vòng vây của QAnon và phong trào Stop the Steal. Bà nói, “Tôi nghe họ biện minh cho những thuyết âm mưu được ưa thích của họ. Họ nói, ‘Chà, tôi không tin rằng các vạch khói máy bay đang theo dõi tôi. Tôi không tin điều đó, nhưng tôi tin những điều này ở đây.’ Họ nói, “Tôi không điên như vậy, nhưng tôi tin điều này.’ ” Họ định vị mình trong lĩnh vực âm mưu. Và ở Trump, họ đã tìm thấy người lãnh đạo hoang tưởng (paranoiac-in-chief) trong lĩnh vực âm mưu.

Bà Hochschild đang nói với chúng ta rằng chủ nghĩa Trump không chỉ là một vòng hoa của các đề xuất chính sách công mà bất kỳ đảng viên Cộng hòa nào khác có thể quấn quanh cổ mình. Và nó phức tạp hơn một đặc điểm tính cách hay tài nói những điều ác ý trên Twitter. Thay vào đó, chủ nghĩa Trump là một hành tinh cảm xúc quay quanh ngôi sao Trump. Việc phá vỡ mối liên hệ giữa Trump và phần lớn hơn của đảng Cộng hòa sẽ đòi hỏi hoặc Trump biến mất (một đề xuất khó xảy ra) hoặc một ngôi sao lớn hơn xuất hiện từ lực lượng hậu thuẫn của Đảng Cộng hòa (cũng là chuyện khó xảy ra).

Vào cuối cuộc trò chuyện của chúng tôi, tôi hỏi Hochschild rằng bà ấy đã học được gì trong bốn năm qua. Bà nói “Tôi từng nghĩ về bản sắc chính trị như một thứ gì đó vững chắc hơn. Bây giờ tôi nghĩ về bản sắc chính trị giống như nước luôn chảy đến một nơi nào đó, cần phải đến một nơi nào đó, nhưng nó đi đến đâu phụ thuộc vào vị trí của đất, các cấu tạo đá cản đường nó.”  Bà vẫn đang chờ xem Trump dời núi đi đâu./.



Nguyên bản tiếng Anh:

The Deep Story of Trumpism


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét