07 tháng 7 2021

Trump kiện Facebook, Google và Twitter: Phải chăng tất cả để gạ tiền?

Các vụ kiện hầu như không được đệ nạp trước khi cựu tổng thống bắt đầu thu được quỹ từ chúng.


David Corn, Mother Jones

07/07/2021

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt

Vào sáng thứ Tư, cựu lãnh đạo của Thế giới Tự do đã tuyên bố với toàn cầu về ưu tiên mới nhất của mình: kiện Facebook, Google (công ty mẹ của YouTube) và Twitter vì đã cấm ông ta khỏi các trang mạng của họ sau khi ông ta sử dụng các mạng xã hội đó để lan truyền những lời đại bịp về cuộc bầu cử năm 2020. Theo kiểu điển hình trong thế giới Trump, các vụ kiện được tập hợp lại một cách a-ma-tơ, với những lập luận và yêu sách mà các chuyên gia pháp lý ngay lập tức chế giễu. Trong đơn kiện Facebook, các luật sư của Trump — một người trong số họ đã đưa cả địa chỉ nhà riêng của mình vào hồ sơ để rồi nhanh chóng bị đăng trên Internet — về cơ bản tuyên bố rằng công ty Facebook kia là trên thực tế một tổ chức chính phủ. (Nhưng nó không phải vậy.) Và họ thừa nhận Trump đã đồng ý với các ràng buộc của Facebook khi ông ta đăng ký với tư cách là người dùng. Úi chà. Nhưng họ hiểu rằng ông ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận các ràng buộc của công ty. Đáng buồn cười cho kiểu tôn thờ bảo thủ các đặc quyền của công ty trong một thị trường tư nhân.

Trump có một lịch sử lâu dài về những vụ đe dọa kiện tụng không bao giờ thành hiện thực lẫn những vụ kiện vớ vẩn mà chẳng đi đến đâu. Như Philip Bump trên tờ Washington Post đã đề cập:

Trong 30 năm qua, Trump, các chiến dịch chính trị của ông và Tổ chức Trump Org đã đệ nạp hơn 4.000 vụ kiện, hầu hết đều liên quan đến hoạt động kinh doanh của ông trước khi nhậm chức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng ta cũng thấy rằng ông ta thường chỉ muốn đe dọa kiện tụng, thường là với mục đích bịt miệng một người phê bình. Đôi khi, ngay cả lời đe dọa đó cũng đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nó thường chỉ đơn giản là tiếng ồn.

Trump chắc chắn sẽ không bịt miệng được Facebook, Google, hoặc Twitter bằng các hành động pháp lý của mình. Nhưng ông ta đang phục vụ cho sự hoang tưởng của căn cứ chính trị của mình, ở đó đã có một niềm tin rằng các đại công ty kỹ nghệ Big Tech mang nặng thành kiến ​​với những người bảo thủ. Thật ra không có bằng chứng về sự phân biệt đối xử đó. (Bài đăng của Ben Shapiro, Dan Bongino và những người cực hữu khác thường là tài liệu được phát tán rộng rãi nhất trên Facebook). Nhưng Trump và những người muốn hóa thành Trump - Trump wannabes) - như Ted Cruz, Josh Hawley và nhiều người khác đã biến Big Tech thành một con đội tiện dụng, quen thuộc với những cử tri Cộng hòa ảo não.

Vụ kiện của Trump chống lại Facebook là một món hàng mua một tặng một cho đám cuồng dân. Nó cho rằng Mark Zuckerberg đã ủng hộ - hãy chờ đợi xem - Bác sĩ Anthony Fauci. Nó cáo buộc, hai người này đã cùng nhau thực hiện một cái âm mưu gì đó nhằm bịt ​​miệng Trump trong vụ COVID-19. Trên thực tế, Zuckerberg và Fauci đã gửi email về việc đảm bảo Facebook sẽ không phải là nguồn cung cấp thông tin sai lệch về coronavirus. Thật không may cho Trump, nếu một công ty truyền thông xã hội muốn ngăn cản thông tin sai lệch về COVID, điều đó đồng nghĩa với việc ngăn cản các tuyên bố của ông ta. Nhưng trong vụ kiện này, Zuckerberg và Fauci được xem là thế lực đen tối còn mạnh hơn cả tổng thống Hoa Kỳ và có thể bịt miệng ông ta. Thật buồn cười là vụ kiện lại bỏ sót George Soros.

Ngoài việc thu hút những tín đồ của Đại Bịp, có một lý do mạnh mẽ khác để Trump tiếp tục vụ này: tiền. Rất nhiều tiền. Khi các luật sư của Trump chưa kịp đệ nạp đơn kiện thì cỗ máy gạ tiền của ông đã bắt đầu kích hoạt. Một tin nhắn văn bản đã được gửi đến những người ủng hộ Trump kêu gọi họ quyên góp. Nó tuyên bố: "Tổng thống Trump đang đệ trình VỤ KIỆN chống lại Facebook và Twitter vì KIỂM DUYỆT BẤT CÔNG!" (Ghi chú: theo mẫu tin nhắn tôi thấy được, Trump gọi là KIỂM DUYỆT BẤT HỢP HIẾN - UNCONSTITUTIONAL CENSORSHIP.) Nó khuyến khích người nhận gửi một khoản đóng góp “TRONG VÒNG MỘT GIỜ KẾ TIẾP” để đủ điều kiện được góp thêm 500%. (Những trò “góp thêm” đó, thường được khua chiêng gõ trống trong các email và tin nhắn gây quỹ, về cơ bản chỉ là một trò lừa bịp.) Và lời kêu gọi này hứa hẹn rằng các nhà tài trợ sẽ kết thúc với một danh sách mà “Tổng thống Trump sẽ nhìn đến.” Có thật không? Ai tin rằng Trump ngồi đó và chú ý đến tên của những người gửi cho ông những khoản quyên góp nhỏ năm hoặc mười đô la?

Nhưng những cống hiến nhỏ bé ấy lại sẽ chất chồng. Rất nhiều. Trong những tháng sau cuộc bầu cử tháng 11, Trump đã thu về khoảng 100 triệu đô la cho những khoản đóng góp như vậy. Màn chào hàng của ông ta sau đó rất cuồng loạn: Tôi đã bị cướp. Ông ta liên tục đưa ra cáo buộc sai lầm rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp từ ông ta. Và những người ủng hộ đã chấp nhận giọng điệu tuyên truyền của ông ta. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy rằng hai phần ba đảng viên Cộng hòa không chấp nhận chiến thắng của Joe Biden là chính đáng. Và từ những người này, Trump đã hút được hàng triệu đô la.

Làm sao mà bạn có thể khỏi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính chính trị được tổ chức bởi các đảng viên Dân chủ xấu xa, bọn Trung Quốc, Soros, Bill Gates, Antifa, BLM, giới truyền thông và bao thứ khác? Chà, bạn có thể nói rằng bạn đang bị các công ty công nghệ bất chính này kiểm duyệt và ngăn cản việc giành lại vị trí chính đáng của mình ở Bạch Cung. (Vụ kiện này đề cập rằng Trump là một ứng cử viên "tiềm năng" vào năm 2024.) Điều này chắc chắn sẽ mang lại - hảo lớ! - nhiều xèng (moolah) từ đám đông ủng hộ Trump. Nếu luật sư của ông ta thông minh, họ nên yêu cầu một tỷ lệ phần trăm của phần thu được.

Về mặt khách quan, các vụ kiện của Trump có vẻ yếu ớt. Nhưng vấn đề ở đây không phải là liệu ông ta thắng ở toà liên bang. Bằng cách thách thức Facebook, Google và Twitter theo cách này, ông ta đạt được hai mục tiêu chính: duy trì dòng chảy của sự mị dân xảo quyệt tiếp tục tuôn ra và ông ta duy trì dòng tiền tiếp tục chảy vào. Vụ kiện này không phải là về công lý. Nó là về nỗi sợ hãi và tiền bạc — hai thứ đang vận hành thế giới của Trump./.


Nguyên bản tiếng Anh:

Trump Sues Facebook, Google, and Twitter: Is It All About the Grift?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét