08 tháng 6 2021

Sự trỗi dậy của 'Rush Limbaugh Việt nam'

YouTuber Ngụy Vũ nổi tiếng trong giới người Mỹ gốc Việt theo Cộng hòa, nhưng các nhà phê bình lo lắng về những gì anh ta nói trên mạng.

Ashley Lampard, Vice News

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt

30/05/2021


Ngụy Vũ, một gã có mái tóc đen dài ngang vai và đeo kính gọng đen màu, là một Youtuber có kênh phát trực tiếp từ Virginia Studio của mình. Trong một lần xuất hiện gần đây, anh ta đã đưa hình ảnh những người biểu tình chống tội phạm căm thù châu Á lên màn hình.

"Tại sao họ không phản đối ngày hôm nay khi họ giết mười người da trắng?" Vũ nói bằng tiếng Việt, ám chỉ vụ xả súng hàng loạt ở siêu thị Boulder King Soopers (Colorado) hồi tháng Ba. Vũ nói, "Tất cả chỉ là tuyên truyền cho đảng Dân chủ!"

Từng là người dẫn chương trình phát thanh, Ngụy Vũ - còn được biết như là KingRadio - đã tham gia YouTube từ năm 2019. Trong một cuộc trao đổi qua email với VICE World News, Vũ cho biết người hâm mộ của anh ta thích gọi anh ta là Rush Limbaugh Việt Nam, dựa theo tên người dẫn chương trình phát thanh gây sốc đã chết, một kẻ dẫn đầu luận điệu cánh hữu trên mạng truyền thông. Nhưng với giọng nói trầm trầm và kịch tính, phù hợp cho các thuyết âm mưu, và các quảng cáo cho loại kem thần kỳ mang thương hiệu riêng của mình, Vũ có lẽ giống một Alex Jones của Việt Nam hơn.


Mặc dù không nổi tiếng là nhà lý thuyết âm mưu cực hữu, nhưng Vũ là một tên tuổi lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt Cộng hòa, nhóm sắc tộc gốc Á lớn duy nhất có xếp hạng ủng hộ thực sự đối với Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020, theo Khảo sát Cử tri người Mỹ gốc Á.

Qua email, Vũ tỏ ra thân thiện và lịch sự, khác xa với vai phản diện mà anh ta đóng trên mạng. Anh ta giải thích rằng, với tư cách là một người tị nạn Việt Nam đến Mỹ bằng thuyền và chạy trốn khỏi chế độ Cộng sản, anh ta muốn cho thế giới thấy khao khát tự do là như thế nào. Kể từ khi đến Hoa Kỳ, Vũ đã thử sức mình với vai trò là một nhạc sĩ, một nhà văn, và trong 25 năm qua, một người dẫn chương trình phát thanh, từng làm việc cho Little Saigon Radio ở California trước khi một mình ra khơi ở Virginia. Nhưng không có nghề nghiệp nào trong số này đạt được những điều sau đây mà Vũ đã tìm thấy trên mạng.

Kể từ khi thành lập kênh YouTube của mình, Ngụy trở nên nổi tiếng trong số những người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất và thứ hai, những người xem với sự lo lắng khi cha mẹ của họ tiếp nhận các video chứa thông tin sai lệch và thuyết âm mưu. Các video trên kênh YouTube của Vũ đã bị anh ta xóa đi, sau khi bị YouTube cảnh cáo, đã được một nhà nghiên cứu thông tin sai lệch trong tiếng Việt tải lại để cho thấy tác hại bởi những luận điệu của Vũ.

Chúng đưa ra các thuyết âm mưu như Mel Gibson vạch trần một ổ nhóm ấu dâm ngầm ở Hollywood, hay Bill Gates tạo ra vắc-xin COVID-19 để kiểm soát Hoa Kỳ và cả thế giới. Khi một trong những nhà phê bình của anh, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tố cáo Vũ trên mạng vì đã phát tán thông tin sai lệch, anh ta đã kêu gọi những người theo dõi của mình “lấy chày đập mấy cái răng hô của cô ấy.”

Khi được hỏi về cái video đó, Vũ từ chối bình luận về việc liệu anh ta có quảng bá thuyết âm mưu hay không, hay liệu anh ta có phát tán thông tin sai lệch hay không. Anh ta nói rằng anh ta cũng không nhớ là đã cổ vũ bạo lực đối với cô Nguyễn, nhưng nói thêm, "Công việc của tôi là loan tải tin tức và loại bỏ những kẻ ký sinh như cô ấy."

Với gần 100.000 người đăng ký, mỗi chương trình kéo dài một giờ của anh ta có thể thu về hàng chục nghìn lượt xem, nhưng số lượt theo dõi không dừng lại ở đó. Vũ đã tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ Trump, nơi anh ta khuyến khích những người theo dõi lớn tuổi của mình bỏ khẩu trang, bằng không sẽ bị bỏ lại trên xe buýt, như kiểu người ta phạt mấy đứa học trò ương ngạnh. Các cuộc biểu tình của Vũ đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 5 tháng 1, một ngày trước cuộc bạo động ở Điện Capitol, khi anh ta cầm loa cổ võ những người hâm mộ về cái được gọi là "Đội King vì Trump ngày 9". Mặc dù những người theo dõi của anh ta đã được nhìn thấy cùng với Jake Angeli, nhân vật "QAnon Shaman", tại Điện Capitol, Vũ tuyên bố rằng anh ta không ở DC vào ngày xảy ra bạo loạn.

Vài năm gần đây, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng chuyển dần sang YouTube, Facebook và các ứng dụng nhắn tin để thu nhận tin tức, vì các phương tiện truyền thông chính thống của Hoa Kỳ không phù hợp với khuynh hướng chính trị của họ hoặc không được phát sóng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Các trang Facebook của Đảng Cộng hòa bằng tiếng Việt, như TIN NÓNG HOA KỲNhững Người Yêu Mến Donald J. Trump có thể thu hút hàng chục nghìn người hâm mộ.

Mặc dù lượng truy cập giảm từ khi Trump thua cuộc bầu cử, vì một số khán giả có thể đã cảm thấy mệt mỏi với các tin tức cũ mèm, những người dẫn chương trình chỉ cần chuyển lời hùng biện của họ sang khẩu trang và COVID-19. Và rồi, họ quay sang những tội phạm thù hận chống lại người châu Á.

Vào cuối tháng 3, ngay sau khi xảy ra vụ xả súng ở Atlanta khiến 8 người thiệt mạng - 6 người trong số đó là phụ nữ gốc Á - Vũ bắt đầu gieo rắc các lý thuyết của mình với gợi ý rằng xu hướng đó đã được dàn dựng bởi các đảng viên Dân chủ.

Mặc dù sự kỳ thị chống người châu Á từ lâu đã trở thành một thực tế cuộc sống ở Mỹ, các nhà nghiên cứu và những người ủng hộ nói rằng đại dịch COVID-19, cùng với cách gọi “China virus” và “kung-flu” của cựu tổng thống Trump, đã khiến số các vụ tội phạm thù hận gia tăng lên khoảng 150% trong năm ngoái. Stop AAPI Hate, một tổ chức theo dõi tội ác căm thù đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương, đã công bố một báo cáo vào đầu tháng 5 cho thấy có 3.000 báo cáo về bạo lực chống lại cộng đồng AAPI chỉ tính riêng trong tháng 3 năm 2021 - 8,8% trong số đó nhắm vào công dân Mỹ gốc Việt.

Các báo cáo của AAPI bao gồm từ những lời sỉ nhục về chủng tộc, đến các vụ hành hung thể xác và ngôn ngữ thù hận trên mạng trực tuyến. Các vụ tấn công gần đây hơn xảy ra sau khi báo cáo được công bố bao gồm hai phụ nữ châu Á, một người 63 tuổi và người khác 84 tuổi, bị đâm hồi đầu tháng Năm khi đang chờ xe buýt, và bốn vụ tấn công vào người châu Á ở New York, trong đó có một vụ tấn công bằng búa.

Nhưng sự phủ nhận nạn kỳ thị chống người châu Á trong các video của Vũ cũng không gây sốc cho những người chỉ trích anh ta. Trong một thời gian dài, những người có ảnh hưởng với thế hệ lớn tuổi như Vũ đã phát tán nhiều âm mưu kiểu QAnon trên không gian mạng để những người Mỹ gốc Việt lớn tuổi tiêu thụ.

Để chống lại luận điệu của Vũ và các đồng nghiệp của anh ta, những người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đã tự nhận lấy trách nhiệm để bảo vệ người lớn tuổi của họ khỏi những thông tin sai lệch. Trong hai năm qua, nhiều tổ chức khác nhau và các nhà giám sát độc lập đã mọc lên để thông báo cho người nghe và gỡ bỏ những video kia bằng cách báo cáo chúng đến YouTube, mặc dù điều này đã mang lại nhiều kết quả khác nhau.

Một trong những người theo dõi độc lập này là Nick Nguyễn, trưởng nhóm nghiên cứu của Kiểm tra Dữ kiện Tiếng Việt (Viet Fact Check), đã thành công trong việc giúp gỡ bỏ một video đặt nghi vấn chuyện bạo lực chống người châu Á của Vũ khi anh gửi một email đến YouTube, nhưng anh ấy không gặp nhiều may mắn kể từ đó. Một giám sát viên khác có nick trực tuyến là “Cảnh sát Tin giả" (Fake News Cops) - nhưng muốn được gọi đơn giản là "Peter" vì sợ các nhóm cực hữu có thể trả thù - đã giúp tìm và dịch nhiều đoạn độc thoại trên YouTube xuất hiện trong câu chuyện này. Peter đã gắn cờ các video tiếng Việt trên YouTube trong nhiều tháng, nhưng anh cho biết nỗ lực xóa video của anh ấy cũng chỉ cầu may.

Nhưng không chỉ các tổ chức độc lập và những người cảnh giác trực tuyến mới phải vật lộn với vấn đề này. Rachel Moran và Sarah Nguyen tại Trường Thông tin và Đại học Washington bắt đầu xem xét sự lan truyền thông tin sai lệch từ các nhóm người Mỹ gốc Việt hồi đầu năm, sau cuộc bầu cử tổng thống. Họ nhận thấy rằng, trong khi các nghiên cứu sâu rộng đã được thực hiện về thông tin sai lệch bằng tiếng Anh, đã có rất ít nỗ lực tìm hiểu cách thức thông tin sai lệch đang lan tràn trong các cộng đồng người di dân khác nhau.

Bà Nguyễn bắt đầu theo dõi các cộng đồng trên Telegram và WhatsApp. Tại đây, bà nhận thấy một luận điệu được áp dụng cho các cuộc biểu tình Ngăn chặn sự căm thù người châu Á (Stop Asian Hate) tương tự như ngôn ngữ được sử dụng trong các cuộc biểu tình Black Lives Matter một năm trước đó. Bà Nguyễn nói, “Đó là những bức ảnh chế tương tự và những video tương tự được chia sẻ lặp đi lặp lại.”

Những nỗ lực của YouTube nhằm chống lại thông tin sai lệch đưa đến những "bảng thông tin" của công ty, bảng này sẽ  hiện ra khi người sử dụng gõ lệnh tìm kiếm hoặc xem video liên quan đến các chủ đề dễ bị thông tin sai lệch, như COVID-19 và cuộc đổ bộ lên mặt trăng. Những bản tin tự bật lên này cung cấp thông tin từ các đối tác bên thứ ba, độc lập nhằm cố gắng mang lại hiểu biết toàn diện hơn cho vấn đề.

Nhưng các nhà phê bình nói rằng những bảng tin này, bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha, tỏ ra không có giá trị gì đối với các cộng đồng nói các ngôn ngữ khác. YouTube cho rằng cách tiếp cận của họ để giải quyết thông tin sai lệch là toàn cầu, và áp dụng cho tất cả các ngôn ngữ.

Cô Elena Hernandez, người phát ngôn của YouTube, cho biết qua email: “Chúng tôi gỡ các nội dung vi phạm Nguyên tắc cộng đồng, ưu tiên các nội dung có thẩm quyền và giảm việc giới thiệu các nội dung ngoài rìa trên mọi thị trường mà chúng tôi hoạt động. Về các video vi phạm, YouTube có hơn 20.000 người trên khắp thế giới, bao gồm những người có chuyên môn tiếng Việt và các ngoại ngữ khác, làm việc để phát hiện, xem xét và xóa nội dung vi phạm chính sách của chúng tôi.”

Điều này, ở một mức độ, có mang lại hiệu quả. Theo YouTube, Vũ đã nhận được hai cảnh cáo đối với kênh của anh ta, và một cảnh cáo thứ ba sẽ dẫn đến lệnh cấm vĩnh viễn.

Nhưng Nick Nguyễn, trưởng nhóm nghiên cứu của Viet Fact Check, cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để đánh giá thông tin sai lệch trong các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh. Rốt cuộc, đây là một vấn đề mà trong một số vụ được thực hiện trong khoảng cách nửa giờ lái xe từ văn phòng của YouTube, tại nhà riêng của anh ấy ở Palo Alto hoặc ở San Jose, nơi có đông người Mỹ gốc Việt nhất cả nước.

Nick Nguyen nói: “Họ không có lý do gì để bào chữa. Đây chỉ là một ví dụ nữa về sự phân biệt đối xử với những người không nói tiếng Anh ở Hoa Kỳ.”

“Đây chỉ là một ví dụ nữa về sự phân biệt đối xử với những người không nói tiếng Anh ở Hoa Kỳ.”

Trong cuộc trao đổi với VICE World News, Vũ dường như đã rút lại một số nhận xét của mình và cho biết anh không còn quá vội vã để phủ nhận các cuộc tấn công vào người Mỹ gốc Á. Vũ nói, “Tôi nghĩ những tội ác đối với người châu Á thực sự tồi tệ và tôi lên án những tội ác đó,” trước khi thòng thêm vài cảnh báo.

“Nhưng nhiều người sử dụng chúng cho các mục đích khác nhau, kêu gọi đóng góp gian lận và nhiều hành vi gian lận khác sử dụng sự thù ghét người gốc Á như một mục đích.”

Vũ tiếp tục giải thích về các buổi bình luận gay cấn của mình. Ông nói rằng cộng đồng châu Á được may mắn sống ở “đất nước tự do” này; rằng những tội ác này là giữa các cá nhân, không phải toàn bộ cộng đồng, và mặc dù "ngẫu nhiên" có thể không phải là từ phù hợp cho tình huống, anh ta tin rằng đó là một cái gì gần như vậy.

Vũ nói, “Cuối cùng, tôi không muốn đứng về phía nào. Khán giả của tôi biết và đánh giá cao việc tôi giúp họ hiểu những gì đang xảy ra ở đất nước này”./.


Nguyên bản tiếng Anh:

The Rise of the ‘Vietnamese Rush Limbaugh’


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét