26 tháng 4 2022

Cái kết của Đế chế Nga?

Cái giá phải trả của Moscow trong cuộc chiến Ukraine lớn hơn sự nghiệp của Putin.


Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một hội nghị trực tuyến bên ngoài thủ đô Moscow, ngày 18/4. (Ảnh: Sputnik / Reuters)

Walter Russell Mead

Wall Street Journal

18/04/2022


Khi Nga và Ukraine chuẩn bị cho trận chiến bằng xe tăng lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, tương lai cuộc chiến của Vladimir Putin vẫn không thể đoán trước. Các cuộc giao tranh quy mô lớn của xe tăng và pháo binh trên địa hình bằng phẳng ở miền đông Ukraine có thể có lợi cho Moscow và sức nặng áp đảo của cỗ máy quân sự của Nga có thể giúp họ giành được lãnh thổ, nhưng vẫn có thể xảy ra các kết quả khác. Sự can đảm của người Ukraine, sự thông minh về chiến thuật và khả năng tiếp cận vũ khí và trang thiết bị của phương Tây có thể tạo ra một chuỗi thất bại nhục nhã khác cho Nga.

Tình huống tồi tệ nhất dành cho Putin là sự kết thúc trong một thất bại quân sự toàn diện cuộc chiến của Nga ở Ukraine, với sự sụp đổ của các khu vực thân Nga ở Donbass và Moldova và sự hội nhập của Ukraine vào phương Tây. Một thất bại như vậy sẽ không chỉ là một sự sỉ nhục cá nhân; nó có thể là một bước thụt lùi để kết thúc sự nghiệp của ông ta. Nó cũng sẽ gây ra một cú sốc về tâm lý và chiến lược đối với vị thế và hình ảnh của chính nước Nga. Lịch sử Nga sẽ thay đổi.

Nga không phải là cựu đế chế đầu tiên phải đối mặt với một khoảnh khắc lịch sử. Thất bại năm 1898 của Tây Ban Nha dưới tay những người Mỹ non trẻ đã là một thời điểm quan trọng trong lịch sử Tây Ban Nha. Đế chế toàn cầu đã định hình nên Tây Ban Nha kể từ chuyến du hành của Columbus đã đột ngột biến mất, và người Tây Ban Nha bắt đầu đặt câu hỏi về mọi thứ, từ chế độ quân chủ đến vai trò của tôn giáo.

Đối với Anh và Pháp, thất bại thảm hại của họ trong chiến dịch Suez năm 1956 đã buộc cả hai nước nhận ra rằng họ không còn là những cường quốc độc lập trên toàn cầu. Những vinh quang của đế chế đã kết thúc, và cả hai cựu siêu cường đã bắt đầu phải điều chỉnh lại hoàn cảnh mới của họ, một cách đau đớn và miễn cưỡng.

Một thất bại quyết định của Nga ở Ukraine có thể là khoảnh khắc Suez của Moscow. Nếu Nga không chinh phục được trung tâm của Ukraine (miền Tây Ukraine ít được quan tâm hơn trong huyền thoại lịch sử Nga), người Nga sẽ không thể tránh khỏi kết luận rằng đế chế của những Sa hoàng, được tập hợp trong khổ đau qua nhiều thế kỷ và được phục hồi bởi Lenin và Stalin sau những thảm họa của Thế chiến thứ nhất, đã suy sụp một cách không thể phục hồi. Điều này sẽ dẫn đến một sự xét lại sâu sắc ở Nga như các đế chế khác từng phải đối mặt trước đây. Hậu quả sẽ rất sâu rộng.

Dưới thời đế chế Romanovs, đến những người cộng sản và ông Putin, tư tưởng chính trị của Nga đã được định hình bởi ba niềm tin: rằng nước Nga khác biệt, rằng sự khác biệt đó vô cùng khác thường, và rằng nó mang lại cho nước Nga một vai trò độc nhất trong lịch sử thế giới. Thất bại ở Ukraine sẽ làm xói mòn hoàn toàn niềm tin vào những ý tưởng này, đẩy Nga vào một cuộc khủng hoảng bản sắc với những hậu quả chính trị khó lường.

Những Sa hoàng, những chính ủy và những kẻ theo chủ nghĩa Putin đều coi nước Nga là độc nhất và nguyện quyết đấu chống lại phương Tây. Đối với các sa hoàng, Moscow là “La Mã thứ ba” sẽ giương ngọn đuốc của Cơ đốc giáo và nền văn minh sau khi La Mã thứ nhất rơi vào tay những kẻ xâm lược man rợ và sau khi La Mã thứ hai (Constantinople) rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với những người cộng sản, Moscow là thành trì của cuộc cách mạng vô sản toàn cầu, có nhiệm vụ tiêu diệt nền văn hóa tư sản suy đồi của phương Tây. Ông Putin và những người trợ tế của ông cũng nhìn thế giới theo kiểu tương tự, trong đó Nga quyết tham gia một cuộc chiến sống còn chống lại sự suy đồi, vô hồn và lòng tham không thể kiềm chế của phương Tây.

Để giữ vững vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh bất cân bằng với phương Tây phát triển hơn và cung cấp nền cai trị phù hợp với tâm lý độc nhất của mình, những kẻ cai trị của nước này cho rằng cần phải tập trung quyền lực ở cấp cao nhất. Chỉ một người mạnh mẽ như Catherine Đại đế, như Stalin hoặc - theo suy diễn của những kẻ ngưỡng mộ ông ta - như Putin mới có thể giúp Nga giành ưu thế trong cuộc đối đầu với phương Tây.

Ukraine là trọng tâm của vấn đề. Nếu đè đầu được Ukraine, Moscow có thể tự coi mình là cường quốc lớn nhất ở châu Âu. Bằng không, giấc mộng rằng Nga có thể giành lại vị thế siêu cường của Liên Xô ngày cũ sẽ chết một cách cay đắng.

Có lẽ tệ hơn nữa, theo quan điểm của các nhà lý thuyết "Á-Âu" và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga - những người cung cấp vỏ bọc hợp pháp cho chế độ Putin, một chiến thắng của nước Ukraine dân chủ gốc Slavic và Chính thống giáo trước một nước Nga chuyên chế sẽ không chỉ thách thức tính hợp pháp của riêng cá nhân Putin. Nó sẽ thách thức ý tưởng về chủ nghĩa ngoại lệ của Nga và tàn phá đến diệt vong cái quan điểm cho rằng chế độ chuyên quyền là hình thức quản trị phù hợp nhất với linh hồn Nga.

Khi cuộc chiến phơi bày bóng tối nội tại của chế độ Putin, cũng như những hành động tàn bạo ở nước ngoài và sự đàn áp ở nội địa đã ghi dấu ấn sâu đậm hơn bao giờ hết, nên không thể không hy vọng vào một thất bại của Nga. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng. Ông Putin và những người xung quanh biết rằng ở Ukraine, họ không chỉ chiến đấu để điều chỉnh biên giới. Họ đang chiến đấu vì thế giới của họ, và về mặt tâm lý, họ có thể không thể chấp nhận thất bại cho đến khi mọi biện pháp, dù tàn nhẫn đến đâu và mọi vũ khí, dù ghê tởm đến đâu, đã được họ dùng đến.

Đối với Vladimir Putin và những người xung quanh ông, cái giá phải trả tại Ukraine to lớn đến tận cùng./.



Nguồn: The End of Russia's Empire?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét