12 tháng 3 2022

PUTIN SỢ TRUMP NÊN ĐÃ KHÔNG ĐÁNH UKRAINE?



Khi Putin xua quân Nga xâm lấn Ukraine, tín đồ của Trump chộp lấy cơ hội đó để chê trách chính phủ Biden yếu kém để Putin có thể lấn lướt. Có thật vậy chăng?

Trước tiên, nên nhìn ra tham vọng thật sự của Putin. Ukraine không phải là tham vọng cuối cùng của y, nó chỉ là một phần nhỏ trong âm mưu của kẻ độc tài khát máu đó. Tựu trung, có thể kể ra ba mục tiêu chính: Putin muốn mở rộng biên giới nước Nga, ôm mộng gầy dựng một đế chế Liên Xô xưa cũ; Putin muốn làm suy yếu NATO để ông ta không bị kiềm chế trước tham vọng thứ nhất; Putin muốn làm suy yếu các định chế dân chủ trên thế giới, để lý giải cho người dân Nga sự tồn tại của một chính phủ độc tài của ông ta.

Trong nhiệm kỳ bốn năm của Trump, Putin không dại gì tiến hành mục tiêu thứ nhất đơn giản chỉ vì Trump làm quá tốt cho Putin hai mục tiêu hai và ba. Putin chỉ việc ngồi chờ Trump thắng cử thêm một nhiệm kỳ và hoàn tất những đập phá dở dang của Trump.

Trước tiên, thử nhìn vào NATO. Ngay từ khi tranh cử vào 2016, Trump đã tỏ ý sẽ không tuân thủ Điều khoản 5 của Hiệp ước NATO. Điều khoản 5 - “một quốc gia bị tấn công đồng nghĩa mọi quốc gia bị tấn công." - được xem là nguyên lý căn bản của đồng minh NATO, luôn bị Trump đặt vấn đề kể từ đó. Đô đốc Hoa Kỳ Starvridis, cựu tư lệnh liên minh tối cao của NATO đã nhận định: “Chỉ mỗi chuyện thảo luận ý tưởng rời bỏ NATO - chưa nói chuyện thực sự hành động như thế - đã là món quà thế kỷ cho Putin.”

Trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với các lãnh đạo NATO vào 2017, Trump từ chối tái xác nhận tuân thủ Điều khoản 5. Báo chí sau đó cho hay nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Trump đã đưa việc tái xác nhận đó vào diễn văn nhưng Trump tự ý bỏ ra vào phút cuối. Trump công kích các thành viên NATO vốn dễ bị thương tổn bởi Nga và thường gây căng thẳng tại NATO về chuyện đóng góp chi phí quân sự của các quốc gia thành viên, đến độ ông Michael McFaul, một cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga thì đánh giá tầm nhìn của Trump về NATO chỉ là “hợp đồng nhận tiền bảo kê" chứ không phải là một liên minh chiến lược.”

Kevin Harrington, một cố vấn cao cấp do Trump chọn vào NSC còn đòi rút quân Mỹ khỏi các nước NATO nằm kề Nga, cho rằng đó là một chiến lược nhằm “tái sắp xếp các lợi ích của chúng ta trong bối cảnh mối quan hệ mới với Nga.” Cú đấm cuối cùng của Trump với NATO là quyết định rút 12 nghìn quân Mỹ khỏi Đức. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney gọi đây là “sai lầm chết chóc" và là “một cú tát vào một người bạn và đồng minh.”

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Trump là John Bolton nói rằng Putin trì hoàn việc tấn công Ukraine chỉ vì chờ Trump sẽ rút chân khỏi NATO trong nhiệm kỳ 2.”

Giờ đây, cuộc chiến tại Ukraine cho thấy vai trò của NATO quan trọng đến mức nào trước một tà quyền như Nga. May mà Trump đã không có cơ hội làm điều như Bolton nói.

oOo

Trump cũng đã làm được nhiều việc để phá hoại các nền dân chủ mà trọng tâm là ngay tại Hoa Kỳ. 

Ngày 6/1/2017, cơ quan tình báo quốc gia DNI đưa ra bản đánh giá 25 trang về việc Nga nhúng tay vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, giúp Trump đoạt chức Tổng thống. Kể từ khi nhậm chức vào hai tuần sau đó, Trump chưa bao giờ tỏ ra tin cậy cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, thậm chí nhiều lần dẫn lời Putin để cho rằng giới tình báo Mỹ nhận định sai trái, từ chuyện Nga tấn công mạng, chuyện Nga can thiệp phá hoại bầu cử Mỹ, chuyện Nga treo giải trên đầu lính Mỹ tại Afghanistan,...

Từ trước và sau vụ thất cử 2020 và kéo dài cho đến nay, Trump luôn tuyên bố có sự gian lận bầu cử chống lại ông ta. Trump và phe cánh đã thất bại trong hàng chục vụ kiện kể cả vụ kiện lên tới Tối cao Pháp viện, chưa nói đến những vụ kiện từ trước bầu cử. Đa số những vụ đó hoặc bị vứt vào sọt rác vì vớ vẩn vô lý, hoặc bên nguyên đơn bỏ cuộc vì biết không thể nói dối nhiều hơn trước toà. Có 7 vụ đi đến cùng, nhưng phán quyết trong cả 7 vụ đều bất lợi cho phe Trump. Bất chấp lý lẽ, Trump vẫn tuyên bố mình chỉ thua vì bị gian lận. Nghĩ cũng lạ, Trump làm Tổng thống, phần lớn những quan toà xử kiện là do Trump bổ nhiệm, đa số những bang có kiện tụng là những bang do Cộng hoà nắm, mà bị gian lận là sao? Có một vụ bầu cử mà lo không được thì còn khóc la cái nỗi gì? Thế nhưng đa số cử tri Cộng hoà vẫn tin rằng bầu cử đã bị gian lận. Một thống kê vào cuối năm 2021 của Đại học UMass Amherst cho thấy đến 46% cử tri Cộng hòa tin chắc rằng Trump bị gian lận. Sự chia rẽ trong xã hội Mỹ bị đào sâu từ thời Trump còn lâu mới có thể hàn gắn được, một phần chính bởi vì điều này. Không ít nghị sĩ, dân biểu, thống đốc Cộng hòa - những kẻ muốn ăn theo những luận điệu đó để lấy lòng Trump và đám tín đồ hòng gây quỹ và kiếm phiếu - đã thi nhau bày ra và thông qua những dự luật gây cản trở quyền bầu cử, từ chuyện cắt giảm giờ mở phòng phiếu đến chuyện cấm phát nước uống cho người đi bầu.

Đỉnh điểm của sự tàn phá dân chủ là vụ bạo loạn 6/1. Trong bài phát biểu trước cuộc bạo loạn, Trump đã xúi giục bạo loạn “chơi tới chết” (“fight like hell”). Bộ Tư pháp và các toà án đã kết tội hàng trăm người bạo loạn. Uỷ ban điều tra 6/1 đã tìm ra bao nhiêu bằng chứng, và những dây mơ rễ má quanh Trump, nhưng vẫn chưa kết thúc, có thể vì họ cần những chứng cứ thật rõ ràng không thể chối cãi để mở mắt khối dân chúng vẫn tin thờ Trump. 

Dù Trump không có được thêm một nhiệm kỳ, những gì Trump đã làm với nước Mỹ vượt quá sự mong đợi của Putin.

oOo

Riêng với Ukraine, tuy Trump không trực tiếp giúp Putin vì… bệnh gai xương chân (bone spurs), nhưng Trump đã tiếp tay Putin nhiều lắm. Việc Trump gây áp lực với tổng thống Zelensky cộng tác với Giuliani giả tạo chứng cớ để bôi nhọ Biden là một vết đâm vào nền dân chủ non nớt của Ukraine. Thử tưởng tượng, nếu vì quá mong muốn nhận được viện trợ vũ khí của Mỹ mà Zelensky làm việc đó, ông ta sẽ bị một vết ố trong mắt dân chúng Ukraine và cộng đồng quốc tế, làm sao để hôm nay có thể nhận được sự kính nể và hỗ trợ hết lòng như đang thấy. Việc Trump đối xử tổng thống Ukraine cũng khiến Putin ảo tưởng rằng trong cách nhìn của Mỹ và u châu, Ukraine chỉ là một con cờ chứ không phải là đồng minh. Trái với những tuyên bố nhận quàng của Trump rằng ông đã làm nhiều điều tốt cho Ukraine, thực tế là Trump đã không làm được gì giúp cho nền dân chủ của Ukraine hay cho việc xây dựng một chính phủ tốt tại đó, nếu không nói rằng ông làm chuyện ngược lại. 

Chưa hết, khi chiến tranh sắp xảy ra, Trump lại ca tụng Putin là “thông thái” và “thiên tài", và còn bày tỏ mong ước được “đội quân hoà bình” của Nga giúp giữ bờ cõi phía nam nước Mỹ. 

Nếu người ta đang đặt vấn đề với tình trạng tâm thần của tên đồ tể xứ bạch dương, có lẽ họ nên đặt vấn đề tương tự với tên bạch bì cam mao xứ cờ hoa. Nếu cộng đồng quốc tế lên án Putin như một tên đồ tể bàn tay đang vấy máu dân Ukraine, không thể bỏ qua sự góp sức của Trump để đưa đến thảm hoạ ngày hôm nay tại đó./.


Bài liên quan (tiếng Việt): Thù lao cho Putin: 12 cách Trump đã hỗ trợ cho nghị trình đối ngoại của Putin


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét