07 tháng 7 2022

Giám đốc FBI cho biết Trung Quốc tìm cách chặn trước những trừng phạt trong trường hợp xảy ra đụng độ Đài Loan.

Các công sự chống tăng còn lại từ các cuộc xung đột trước kia nằm dọc bờ biển ở Kim Môn, một nhóm đảo do Đài Loan nắm giữ, phía bên kia là Trung Quốc đại lục. (Ảnh: Lam Yik Fei / The New York Times)

Julian E. Barnes, New York Times

06/07/2022


LONDON - Rút kinh nghiệm từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ nền kinh tế của mình trước những trừng phạt quốc tế nếu chiến tranh với Đài Loan  xảy ra, "manh mối" cho quan điểm của Bắc Kinh về những gì sẽ xảy ra trong tương lai, theo Giám đốc F.B.I. cho biết hôm thứ Tư.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với chiến tranh và sự trả đũa của Nga đã khiến các doanh nghiệp phương Tây ở Nga thiệt hại hàng tỷ đô la, và họ có thể bị rơi vào một kịch bản tương tự nhưng lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, giám đốc Christopher A. Wray cho biết.

Ông nói rằng Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ nền kinh tế của mình trước các lệnh trừng phạt tiềm tàng, “cố gắng giữ cho họ khỏi bị tổn hại nếu họ làm bất cứ điều gì khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ. Trong thế giới của chúng tôi, chúng tôi gọi kiểu hành vi đó là một manh mối."

Doanh nghiệp phương Tây đầu tư vào Trung Quốc sâu hơn nhiều, và Trung Quốc đang gây khó khăn hơn cho các công ty nước ngoài hoạt động ở đó trong việc tuân thủ với các lệnh trừng phạt quốc tế. Ông Wray cho biết, nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, các công ty từ Hoa Kỳ và các đồng minh của họ sẽ thấy mình bị mắc kẹt.

Ông nói, “Cũng giống như ở Nga, các khoản đầu tư của phương Tây được xây dựng trong nhiều năm có thể trở thành con tin, nguồn vốn bị mắc kẹt, chuỗi cung ứng và các mối quan hệ bị gián đoạn. Các công ty bị kẹt giữa các lệnh trừng phạt và luật pháp Trung Quốc cấm tuân thủ các lệnh trừng phạt đó. Đây không chỉ là địa chính trị, mà còn là dự báo kinh doanh.”

Nhận định được đưa ra trong một bài phát biểu chung bất thường tại London của ông Wray và Ken McCallum, Tổng giám đốc MI5, cơ quan an ninh của Anh, cảnh báo về các mối đe dọa từ Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Mỹ, Anh và phương Tây.

Ken McCallum, Tổng giám đốc MI5, trái, và Christopher A. Wray,  Giám đốc FBI, trong một cuộc họp báo vào thứ Tư ở London. (Ảnh: Dominic Lipinski / Associated Press)

Trong khi chính quyền Biden đã làm dịu một số nỗ lực của chính quyền Trump nhằm chống lại hoạt động gián điệp của Trung Quốc, ông Wray vẫn thường xuyên nói về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra, khi họ cử điệp viên, đầu tư chiến lược và thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và bí quyết của các doanh nghiệp và trường đại học ở nước ngoài.

Trong phần vấn đáp sau bài phát biểu, ông Wray cho biết chính phủ Trung Quốc đang gây áp lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp phương Tây để không chỉ trích Bắc Kinh hoặc các chính sách của nước này, nhưng ông từ chối cho biết liệu có thể sắp xảy ra một cuộc xâm lược Đài Loan hay không.

Ông nói, “Tôi sẽ nói rằng tôi không có bất kỳ lý do gì để nghĩ rằng ham muốn của họ đối với Đài Loan đã giảm xuống theo bất kỳ hình thức nào. Chúng ta chắc chắn hy vọng rằng họ đang học được những bài học quý giá về những gì sẽ xảy ra khi bạn chơi quá tay theo cách mà người Nga rõ ràng đã làm ở Ukraine."

Một số quan chức Mỹ đã tranh cãi rằng việc không có lập trường cứng rắn chống lại cuộc chiến của Nga đối với Ukraine sẽ khiến Bắc Kinh hành động chống lại Đài Loan.

Dưới chính quyền Trump, ông Wray là một trong số hàng loạt quan chức an ninh quốc gia cấp cao đưa ra các phát biểu mô tả Trung Quốc là một mối đe dọa đang gia tăng. Nhưng phát biểu mới nhất của ông được đưa ra khi chính quyền Biden đang tập trung vào mối đe dọa trước mắt của Nga và cuộc xâm lược Ukraine và đã thực hiện các bước để thay đổi một số chương trình của chính quyền Trump nhằm chống lại Trung Quốc.

Đầu năm nay, Bộ Tư pháp đã sửa đổi một sáng kiến ​​từ thời Trump để chống lại hoạt động gián điệp của Trung Quốc, xem nhiều vụ các học viện không tiết lộ mối quan hệ hoặc tài trợ từ Trung Quốc là vi phạm dân sự chứ không phải tội phạm. Trong khi một số vụ truy tố đã kết thúc với các bản án, nhiều vụ khác dẫn đến trắng án hoặc tha bổng. Các quan chức ở Trung Quốc đã cho rằng sáng kiến trên là một ví dụ về thói đạo đức giả và sự phân biệt đối xử có hệ thống của Hoa Kỳ đối với các dân tộc thiểu số.


Tổng thống Biden trong cuộc gặp thượng đỉnh ảo năm ngoái với Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc. (Ảnh: Doug Mills / Thời báo New York)

Hôm thứ Tư, ông Wray đã né tránh không đề cập đến các nỗ lực của Trung Quốc nhằm lấy cắp tài sản trí tuệ từ các trường đại học Mỹ, thay vào đó ông tập trung vào các cách Bắc Kinh sử dụng gián điệp mạng và con người để đánh cắp thông tin và công nghệ từ các doanh nghiệp phương Tây và chuyển nó cho các đối thủ cạnh tranh thuộc Trung Quốc.

Ông Wray nói: “Chính phủ Trung Quốc gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với các doanh nghiệp phương Tây so với những gì mà những người kinh doanh sành sỏi nhận thức được."

Ông McCallum, Tổng giám đốc MI5, cũng đưa ra những chủ đề tương tự, nhưng nhấn mạnh cách Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận kiên nhẫn, tiến hành các chiến dịch ảnh hưởng phối hợp có thể kéo dài hàng thập niên.

Ông McCallum nói: “Thách thức thay đổi cuộc chơi nhiều nhất mà chúng ta phải đối mặt đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nó đang ngấm ngầm gây áp lực trên toàn cầu. Điều này có thể cảm thấy trừu tượng, nhưng nó là thực và nó đang trở nên khẩn cấp."

Trong khi các quan chức tình báo và thực thi pháp luật Mỹ đã cảnh báo về vấn đề này trong nhiều năm, thì đó là một hiện tượng rất mới mẻ đối với các quan chức an ninh Anh, những người cho đến năm ngoái đã đưa ra rất ít bình luận công khai về mối đe dọa từ Trung Quốc.

Cơ quan MI5 đang thực hiện các cuộc điều tra liên quan đến gián điệp Trung Quốc nhiều gấp bảy lần so với năm 2018 và có kế hoạch tăng gấp đôi con số hiện tại trong những năm tới, theo ông McCallum cho biết.

Bắc Kinh đã mạnh mẽ chối bỏ những cảnh báo của Hoa Kỳ về mối đe dọa từ Trung Quốc, gọi những cảnh báo đó là dối trá chính trị được tái chế từ những trò lố cũ thời Chiến tranh Lạnh như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm kiềm chế và đè nén sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đã tìm cách mô tả mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là đôi bên cùng có lợi. Một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc mới  vào tháng 11 năm ngoái nói rằng trong số hơn 70.000 công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc, 97% đang kiếm được lợi nhuận.

Một bức ảnh được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố hồi tháng 12 cho thấy một máy bay chiến đấu J-15 chuẩn bị hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc trong quá trình huấn luyện chiến đấu trên biển. (Ảnh: Tân Hoa xã / Associated Press)

Ông Wray cho rằng Trung Quốc gây ra mối đe dọa rộng lớn hơn đối với chính trị cũng như kinh doanh của phương Tây. Một số cơ quan tình báo Mỹ đã lập luận rằng Trung Quốc không cố gắng gieo rắc sự hỗn loạn và bất đồng, hoặc phá vỡ quá trình dân chủ một cách rộng rãi như Nga đã làm trong các cuộc bầu cử gần đây, nhưng các quan chức khác cho rằng điều quan trọng là không nên nhìn hành động của Trung Quốc một cách quá thiển cận.

Hôm thứ Tư, ông Wray cho biết nhiều nỗ lực của Trung Quốc dưới hình thức các chiến dịch đầy ác ý nhằm tác động đến chính sách của Mỹ, các ứng cử viên chính trị và dư luận, thay vì nhằm khuynh đảo các cuộc bầu cử. Nhưng ông cũng nhắc đến vụ án gần đây về các đặc vụ của chính phủ Trung Quốc bị buộc tội cố gắng gây ảnh hưởng đến một cuộc chạy đua vào Quốc hội ở New York bằng cách phá hoại cuộc tranh cử của một từng người biểu tình ở Thiên An Môn. Trong vụ án đó, các công tố viên liên bang cho rằng Trung Quốc đã cố gắng dựng nên một chuyện lùm xùm với một cô gái điếm, sau đó chúng còn dự tính dàn xếp một vụ đụng xe để hại ứng viên này.

Ông Wray nói rằng âm mưu đó đã đưa mối đe dọa “lên một cấp độ hoàn toàn khác”.

Cũng trong ngày thứ Tư, Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra một cảnh báo mới cho các nhà lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thao túng họ để hỗ trợ “các chương trình nghị sự bí mật”.

Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ ý kiến ​​cho rằng Bắc Kinh cố gắng can thiệp vào các vấn đề của Mỹ, gọi những cáo buộc như vậy là vô căn cứ và cố gắng sử dụng Trung Quốc như một vật tế thần để đánh lạc hướng dân chúng Mỹ trước các vấn đề trong nước. Họ nhất mực cho rằng Trung Quốc ủng hộ “không can thiệp” vào các vấn đề nội địa của các quốc gia có chủ quyền, bao gồm cả bầu cử, như một vấn đề nguyên tắc.

Mặc dù cả ông Wray và ông McCallum đều không trực tiếp so sánh mối đe dọa ảnh hưởng từ Trung Quốc với Nga, nhưng cả hai đều đưa ra rằng Bắc Kinh hành động vì tương lai xa, nuôi dưỡng các quan chức địa phương trong nhiều thập niên.

Ông McCallum nói: “Không phải lúc nào cũng là chuyện họ tìm cách gây ảnh hưởng đến một nhà lãnh đạo quốc gia hoặc một người nào đó ở cấp nội các. Họ chuẩn bị đầu tư vào việc nuôi dưỡng những người ở cấp chính quyền địa phương có tiềm năng ngay từ đầu trong sự nghiệp chính trị của họ. Và tôi nghĩ rằng bản thân điều đó đã thực sự minh họa cho bề rộng và sự kiên nhẫn của mối đe dọa này"./.



Nguồn: https://www.nytimes.com/2022/07/06/world/asia/fbi-china-taiwan-sanctions.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét