02 tháng 11 2022

Hậu quả của bầu cử

Và những cử tri hôm nay nắm trong tay toàn bộ tương lai của nước Mỹ.


David Frum, The Atlantic

1/11/2022


Người Mỹ nổi tiếng mau quên. Nhưng quyết định của họ mang những ngòi nổ dài. Người ta bỏ phiếu vì những lý do có thể khá ngẫu nhiên, thậm chí là tạm thời hoặc thiếu thực chất, chỉ vì hấp lực tức thời — và những tác động sẽ bùng nổ chỉ rất lâu sau đó.

Đảng Cộng hòa đã giành được chín ghế Thượng viện đáng kể trong trong cuộc bầu cử 2014. Cuộc bầu cử đó đã trao quyền cho Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell ngăn chặn đứng việc đề cử Merrick Garland vào Tối cao Pháp viện năm 2016 của Tổng thống Barack Obama. McConnell đã giữ chiếc ghế trống chờ cho một tổng thống Cộng hòa điền khuyết — mang lại cho chúng ta một đa số bảo thủ tại Tòa để nó đem lại phán quyết lật ngược Roe v. Wade với tỉ số 6–3.

Điều gì đã khiến Cộng hòa đi bầu ào ạt trong những đợt bầu cử bán nhiệm kỳ đó? Có bằng chứng cho thấy cơn lũ Cộng hòa 2014 có được nhờ bởi một sự kiện gần như bị lãng quên trong thập niên hiện tại, một thập niên được xác định bởi đại dịch COVID-19: đó là cơn hoảng loạn vào mùa thu 2014 vì vi rút Ebola.

Ca nhiễm Ebola đầu tiên ở Mỹ được báo cáo vào ngày 30 tháng 9: Một người đàn ông Liberia bị bệnh đã bay đến Mỹ để tìm kiếm sự chữa trị. Mặc dù không có bảo hiểm, ông ta được điều trị tại một bệnh viện ở Dallas nhưng chết một tuần sau đó - sau khi lây nhiễm cho hai y tá người Mỹ. (Họ đã hồi phục.) Đó chính xác là loại chuyện, được vận chuyển bằng sự sợ hãi và phẫn nộ, làm thôi thúc các cử tri Cộng hòa.

ABC News đưa tin vào tháng 10 năm 2014:

“Chỉ còn chưa đầy ba tuần trước cuộc bầu cử bán nhiệm kỳ, Ebola đã xuất hiện ở vị trí trung tâm trong các bài diễn văn quan trọng, trên sân khấu tranh luận và thậm chí là một số quảng cáo tranh cử khi nó trở thành một trong những vấn đề bất ngờ nhất, nhưng nóng nhất của cuộc bầu cử đó.

“Một cuộc thăm dò của ABC News / Washington Post được công bố trong tuần này cho thấy 65% ​​người Mỹ lo ngại về dịch Ebola và cứ 10 người Mỹ thì có 4 người lo lắng rằng họ hoặc một thành viên trong gia đình có thể mắc bệnh.”

Khi các nhà khoa học chính trị nghiên cứu kỹ hơn dữ liệu sau cuộc bầu cử 2014, họ nhận thấy rằng nỗi lo ngại về Ebola có tương quan chặt chẽ với sự gia tăng ủng hộ các ứng cử viên Cộng hòa. Dẫu rằng cuộc bầu cử 2014 là cuộc bầu cử có tỉ lệ cử tri đi bầu thấp (thấp nhất kể từ năm 1942), một vấn đề như thế này - tiếp thêm sức mạnh cho các đảng Cộng hòa mà không ảnh hưởng nhiều đến đảng Dân chủ - có thể chuyển việc mất ghế thường thấy của đảng cầm quyền vào bán nhiệm kỳ thành một cuộc bầu cử thác đổ.

Đoạn phim Ebola gần như không còn trong trí nhớ của công chúng vì bệnh dịch Ebola năm 2014 đã bị dập tắt vào năm sau nhờ sự can thiệp y tế công cộng hiệu quả của quốc tế, và những tuần đưa tin đáng sợ bởi CNN và các đài tin tức địa phương đã biến mất vào trong kho lưu trữ phim ảnh. Nhưng di sản chính trị của nỗi kinh hoàng đó vẫn còn kéo dài: Sự nhiệt tình của cử tri Cộng hòa năm đó đã châm ngòi dẫn đến việc phá bỏ án lệ về quyền phá thai đã kéo dài nửa thế kỷ vào 8 năm sau đó.

Bài học cho chu kỳ 2022 là những vấn đề có vẻ nổi bật nhất khi cử tri đi bỏ phiếu có thể sẽ bị lãng quên hoàn toàn chỉ trong một vài năm tới — nhưng lựa chọn của họ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến một Hoa Kỳ tương lai. Đừng mong đợi những người bỏ phiếu hiểu thấu những hậu quả lâu dài bởi lá phiếu của họ. Nhưng những lá phiếu kia hẳn để lại hậu quả.

Trước cuộc bầu cử năm nay, các cử tri dường như bị thúc đẩy bởi các vấn đề về giá cả sinh hoạt, cộng với những lo ngại về tội phạm và nhập cư bất hợp pháp, và có thể là các vấn đề văn hóa, chẳng hạn như các vận động viên thiếu niên chuyển giới tìm cách chơi trong các giải đấu thể thao dành cho trẻ em gái. Các cử tri không bận tâm nhiều đến các mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Người ta lo những chuyện trước mắt như chuyện trả hóa đơn hay chu cấp cho gia đình. Nếu họ phải trả tiền vay mua nhà nhiều hơn vì lãi suất tăng cao hoặc xe họ bị đánh cắp trong làn sóng tội phạm sau năm 2020, tất nhiên, những cú sốc đó sẽ là điều họ lưu tâm. Tuy nhiên, khi mà các cử tri để tâm chuyện tức thời, họ cũng đang bỏ phiếu về ba vấn đề có vẻ xa vời nhưng lại có sức ảnh hưởng to lớn.

Đầu tiên là liệu cựu Tổng thống Donald Trump có phải đối mặt với hậu quả pháp lý như bất kỳ công dân nào khác vì những gian lận và tội phạm của ông hay không, hay liệu đảng của ông có đặt ra những quyền miễn trừ trách nhiệm mới cho các cựu tổng thống hay không. Thứ hai là liệu Đảng Cộng hòa có quay trở lại với chiến lược 2011 của họ là sử dụng lợi thế quốc hội đối với mức trần nợ và dùng mối đe dọa vỡ nợ quốc gia như một chiến thuật thương lượng ngân sách hay không. Thứ ba là liệu Mỹ có tiếp tục đứng về phía Ukraine trong cuộc chiến chống xâm lược từ Nga hay không.

***

Quyền miễn trừ trách nhiệm

Cựu tổng thống đang là tâm điểm của rất nhiều vụ kiện dân sự và điều tra tội phạm mà khó ai nhớ hết. Ý tưởng rằng các vụ kiện và cuộc điều tra là không phù hợp và phải bị dừng lại là một điều tạo nên đoàn kết trong đảng của Trump. Nếu đảng Cộng hòa giành được một hoặc cả hai viện của Quốc hội, họ sẽ gây áp lực để ngăn chặn tất cả các tiến trình của luật pháp. Các đề cử tư pháp của Tổng thống Joe Biden có thể bị cản trở và các quan chức tại Bộ Tư pháp và FBI có thể bị triệu tập ra trước các ủy ban để đối mặt với các cuộc chất vấn lạm dụng.

Ẩn nấp bên trong sẽ là một thỏa thuận ngầm: Dành cho Trump một ngoại lệ và buông ông ta ra, nếu không chúng tôi sẽ làm nổ tung toàn bộ hoạt động của cơ quan thực thi pháp luật liên bang. Ủy ban Tư pháp Hạ viện có thể do Jim Jordan làm chủ tịch. Không chỉ là một kẻ phò Trump mãnh liệt, Jordan là một người tham gia tích cực nhân danh Trump trong vụ ngày 6 tháng 1 — nhưng xung đột lợi ích tiềm ẩn đó sẽ không ngăn cản ông ta can thiệp cho cả Trump và chính mình.

Sự miễn trừ mà các đồng minh của Trump tìm kiếm cho ông không chỉ liên quan đến các hành vi được thực hiện trong một số tư cách tổng thống, chẳng hạn như giành lấy các tài liệu mật nhạy cảm làm tài sản cá nhân, mà còn với các hành động của ông trong tư cách là một doanh nhân tư nhân, chẳng hạn như bị cáo buộc gian lận thuế và dối gạt các ngân hàng. Trên tất cả, Trump và các đồng minh của ông tìm kiếm sự miễn trừ cho chính họ trong nỗ lực lật đổ một cuộc bầu cử của Hoa Kỳ.

Hầu hết các nhà lập pháp Cộng hòa không tin vào Lời Đại Bịp của Trump về cuộc bầu cử 2020. Nhưng họ nhận ra rằng để giữ được chỗ đứng tốt với đảng, họ phải cam kết bảo vệ Trump khỏi bất kỳ hậu quả nào đối với âm mưu “Xì tốp Đờ Xì tiu” của ông ta.

Đây sẽ không phải là một vấn đề bầu cử đối với hầu hết các cử tri, nhưng công lý bình đẳng trước luật pháp, gồm cả đối với những người có quyền lực nhất, sẽ nằm trên lá phiếu vào tháng 11.

***

Vỡ nợ Quốc gia

Nhiều ứng cử viên Cộng hòa đã nhiệt tình nói về việc sử dụng thời hạn nợ trần sắp tới để áp đặt các ưu tiên ngân sách của họ lên chính quyền Biden. Lãnh đạo phe thiểu số Kevin McCarthy đã tán thành ý tưởng này trong một cuộc phỏng vấn giữa tháng 10 với Punchbowl News. Đây là một kỹ thuật mà đảng Cộng hòa đã triển khai nghiêm trọng vào năm 2011 và một lần nữa, ít nghiêm trọng hơn, vào năm 2013. Vào năm 2011, trò giật gân này đã khiến công khố phiếu Hoa Kỳ bị mất hạng AAA đáng giá.

Trong canh bạc đặt cược bằng khủng hoảng tài chính này, không ai muốn đưa đến một cuộc vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Mỗi bên đều tin rằng bên kia sẽ nhượng bộ trước. Bên có trách nhiệm hơn sẽ thua cuộc chơi. Nhưng rủi ro của chuyện tính nhầm và hiểu lầm là rất lớn.

Thế giới chạm bờ thảm họa vào năm 2011 vì các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã quá yếu để việc phủ quyết những ý tưởng ngông cuồng của các thành viên của họ. Những nhà lãnh đạo đó ngày nay còn yếu hơn và các thành viên có khả năng được bầu vào năm 2022 sẽ có những ý tưởng thậm chí còn hoang dại hơn xưa. Ngay cả khi một thỏa thuận được thương lượng bằng cách nào đó, liệu một Chủ tịch Hạ viện McCarthy có đủ sức để buộc chính phe của ông đồng thuận?

Nói cách khác, trong vòng vài tuần sau khi Quốc hội mới được thành lập, Hoa Kỳ và thế giới có thể đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do chủ nghĩa cực đoan về ý thức hệ trong nội bộ Cộng hòa tại Hạ viện và sự đổ vỡ quyền lực của các nhà lãnh đạo Cộng hòa.

Cũng như quyền miễn trừ cho Trump, sự ổn định tài chính toàn cầu có thể không phải là vấn đề bầu cử đối với hầu hết các cử tri, nhưng nó sẽ nằm trên lá phiếu vào tháng 11.

Từ bỏ Ukraine

Ukraine có những người bạn vững vàng ở phe Cộng hòa. Vào tháng 5, Lãnh đạo Phe Thiểu số Thượng viện McConnell đã đến Kyiv để hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky, đồng thời ca ngợi Thụy Điển và Phần Lan là “những phần bổ sung quan trọng” cho NATO; ông cũng ủng hộ mạnh mẽ việc họ xin gia nhập khối NATO khi vấn đề được đưa ra trước Thượng viện Hoa Kỳ.

Nhưng một số thành viên Hạ viện và Thượng viện Cộng hòa lại thù địch với Ukraine. Để xoa dịu họ, McCarthy đã đưa ra cảnh báo không có "ngân phiếu khống" cho Ukraine nếu đảng Cộng hòa giành được Hạ viện. Ông ta chừa lại cho mình một khoảng trống để xoay xở, bằng cách nhấn mạnh rằng "Ukraine là quan trọng." Nhưng McCarthy không phải là một nhà lãnh đạo có thể dẫn dắt phe Cộng hòa đi bất cứ đâu trừ khi họ muốn. Nhiều người trong cánh hữu ngày nay đã nhập tâm ý tưởng của Trump rằng Ukraine là nguyên nhân xáo trộn và rằng nước Nga độc tài mới là đồng minh thích hợp cho những người Cộng hòa bảo thủ.

Ý tưởng này đang lan tỏa  rộng và nhanh thông qua các phương tiện truyền thông cánh hữu. Những ồn ào của Putin về chiến tranh hạt nhân khiến họ phấn khích — không phải như một thách thức an ninh trong thế giới thực mà là nguyên liệu cho một cuộc chiến văn hóa trong nước, một cây gậy để đánh bại những kẻ thù có tư tưởng không tôn trọng Trump. Những người Cộng hòa này sẽ không tiếc gì việc ngừng viện trợ cho Ukraine và chấm dứt hợp tác với NATO.

Hòa bình và dân chủ ở châu Âu cũng sẽ nằm trên lá phiếu vào tháng 11.

***

Bỏ phiếu luôn là một hành động cá nhân. Mỗi người bỏ phiếu tự quyết định cách thức và lý do sử dụng sức mạnh to lớn của quyền bỏ phiếu. Nhiều người Mỹ coi năm 2014 là cuộc bầu cử Ebola. Sau này, khi mọi chuyện phơi bày, kết quả của hành động tập thể của chúng ta tại các phòng phiếu được cảm nhận — và chúng ta phát hiện ra rằng, khi nhìn lại, năm 2014 thực sự là cuộc bầu cử về quyền phá thai.

Năm nay, các cử tri sẽ làm tốt việc xem xét không chỉ sự bất mãn tức thời của họ mà còn cả việc lá phiếu của họ sẽ vang dội như thế nào trong nhiều năm tới. Nếu Quốc hội mới dứt bỏ Ukraine và đẩy thế giới vào con đường bất ổn kinh tế lớn hơn, với khủng hoảng hiến pháp và bạo lực chính trị, với hăm dọa hạt nhân, thì đó là những gì sẽ được ghi nhớ về cuộc bầu cử năm 2022 — chứ không phải giá xăng vào tháng mười một đang cao hay thấp./.


Nguồn: https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2022/11/midterm-elections-trump-republicans-democracy/671953/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét