23 tháng 1 2024

TẠI SAO THẾ GIỚI CHO RẰNG NỀN DÂN CHỦ MỸ THẤT BẠI

Các đại sứ tại Washington cảnh báo rằng sự chia rẽ giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đang gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

Nahal ToosiPolitico

15/01/2024 


Khi tôi yêu cầu đại sứ châu Âu nói chuyện với tôi về sự chia rẽ đảng phái ngày càng sâu sắc ở Mỹ, tôi đoán chừng ông sẽ lịch sự từ chối. Các nhà ngoại giao nước ngoài thường miễn cưỡng khi phải thảo luận về chính trị nội địa của Hoa Kỳ.

Thay vào đó, vị đại sứ đã chia sẻ trong một giờ đồng hồ, cảnh báo rằng nền chính trị độc hại của Mỹ đang làm tổn hại đến an ninh, đến kinh tế, đến cả bạn bè và vị thế của nước này như một trụ cột của nền dân chủ và sự ổn định toàn cầu.

Nhà ngoại giao ưu tư: “Mỹ là con trâu béo đang cố chợp mắt khi bầy sói đói đang đến gần. Tôi có thể nghe thấy tiếng nút chai sâm-banh bật lên ở Moscow - như thể đang mùa Giáng sinh trong mỗi ngày chết tiệt.”

Khi cử tri bỏ phiếu tại Iowa hôm thứ Hai, nhiều người ở Hoa Kỳ coi cuộc bầu cử tổng thống năm nay là một cuộc thử thách với nền dân chủ Mỹ. Tuy nhiên, trong một loạt cuộc thảo luận với hàng chục nhà ngoại giao hiện tại và trước đây, tôi cảm nhận được rằng đối với nhiều bạn bè của chúng ta ở ngoại quốc, Mỹ đã thất bại trong cuộc thử thách đó.

Các nhà ngoại giao rất kinh ngạc khi có quá nhiều nhà lãnh đạo Hoa Kỳ để cho lòng nhiệt thành của họ đối với nền chính trị đảng phái ngăn cản các chức năng cơ bản của chính phủ. Đó là chủ đề chính của các cuộc trò chuyện tại các bữa ăn tối và buổi họp mặt riêng tư của họ. Nhiều người trong số những người tôi nói chuyện đã được giấu tên để có thể trao đổi thẳng thắn với tôi như giữa họ với nhau.

Ví dụ, một cựu đại sứ Ả Rập tại Hoa Kỳ từng được bổ nhiệm ở Mỹ trong cả hai chính quyền Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã nói với tôi rằng nền chính trị Mỹ đã trở nên không lành mạnh đến mức ông ấy sẽ từ chối cơ hội quay trở lại.

Một nhà ngoại giao Ả Rập thứ hai cảnh báo: “Tôi không biết liệu trong những năm tới mọi người có coi Hoa Kỳ như một mô hình cho nền dân chủ hay không.” 

“Tôi không biết liệu trong những năm tới mọi người có coi Hoa Kỳ như một mô hình cho nền dân chủ hay không.” - Một nhà ngoại giao Ả Rập

Những cuộc trò chuyện kiểu này chắc đã không xảy ra cách đây vài tháng. Có những quy tắc, truyền thống và mối e ngại thực dụng ngăn cản các nhà ngoại giao bình luận về chính trị nội bộ của một quốc gia khác, ngay cả khi họ theo dõi chặt chẽ các sự kiện như cuộc bỏ phiếu ở Iowa. (Một ngoại lệ hiếm hoi: một số đã lên tiếng về cuộc bầu cử đáng kinh ngạc năm 2016 của Mỹ.)

Nhưng những diễn biến của chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay, một Quốc hội hầu như không thể chọn ra một chủ tịch Hạ viện hay giữ cho chính phủ mở cửa, và có lẽ trên hết, cuộc tranh luận của Mỹ về viện trợ quân sự cho Ukraine đã khiến một số nhà ngoại giao phải dỡ bỏ sự tự chế của họ. Và mặc dù họ thường do dự khi chỉ đích danh một đảng là thủ phạm nặng hơn, nhưng nhiều ví dụ mà họ chỉ ra đều liên quan đến các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội.

Khi họ xả ra nỗi thất vọng, tôi có cảm giác như thể tôi đang nghe từ một nhóm người mong muốn họ có thể can thiệp giúp một người bạn đang rơi chạm đáy. Mối quan tâm của họ không chỉ xuất phát từ lòng vị tha; họ lo lắng vì tình hình ở Mỹ cũng ảnh hưởng đến quốc gia của họ.

Ông Ronald Sanders, đại sứ lâu năm của xứ đảo Antigua và Barbuda tại Washington, cho biết: “Khi tiếng nói của Hoa Kỳ không mạnh mẽ, không cân bằng, không công bằng như lẽ ra phải có, thì nó sẽ tạo ra vấn đề cho thế giới”.

Tên của Donald Trump được đề cập trong các cuộc trò chuyện đó của tôi, nhưng không thường xuyên như bạn nghĩ.

Đúng, có người nói rằng chiến thắng của Trump vào năm 2024 sẽ đẩy nhanh sự phân cực của nước Mỹ - nhưng dù Trump thất bại cũng khó có thể làm chậm đáng kể hoặc đảo ngược các động lực cấu trúc khiến nhiều chính trị gia Mỹ coi sự thỏa hiệp là một tội lỗi. Khả năng xảy ra sự chia ghế sít sao của hai đảng tại Hạ viện và Thượng viện sau cuộc bỏ phiếu năm 2024 càng làm tăng thêm lo lắng.

Các nhà ngoại giao tập trung phần lớn sự cảnh giác của họ vào cuộc tranh luận của Hoa Kỳ về viện trợ quân sự cho Ukraine - Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ngay cả một số quốc gia ít có liên hệ gì với cuộc xâm lăng của Nga cũng nêu ra chủ đề này.

Đặc biệt, họ chỉ trích quyết định liên kết vấn đề viện trợ của Ukraine và viện trợ của Israel với an ninh biên giới của Hoa Kỳ. Động thái này không chỉ làm vướng mắc vấn đề chính sách đối ngoại với vấn đề kể như là nội địa, mà an ninh biên giới và nhập cư cũng là những chủ đề khiến cơn sốt đảng phái tăng cao bất thường, khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên khó khăn hơn. Vấn đề nhập cư nói riêng là một vấn đề mà nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ có ít động cơ để thực sự giải quyết vì nó cướp mất chiêu bài dễ dùng cho các cuộc vận động tranh cử của họ.

Vì vậy, bây giờ, “Ukraine có thể không nhận được viện trợ, Israel có thể không nhận được viện trợ, bởi vì nền chính trị phân cực thuần túy,” theo lời ông Francisco Santos Calderón, cựu đại sứ Colombia tại Hoa Kỳ.

Các nhà ngoại giao từ nhiều nước châu Âu đặc biệt không hài lòng.

Họ vẫn nhớ, khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, cách mà nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã hạ thấp mối lo ngại về phe cực hữu trong đảng của họ đã cật vấn về sự ủng hộ vững chắc lúc đó của lưỡng đảng. Bây giờ, khi cuộc tranh luận về viện trợ diễn ra, có vẻ như phe cực hữu đang nắm quyền quyết định.

Các nhà ngoại giao này ngày càng nhận thức ra rằng các lập luận về đạo đức hoặc an ninh quốc gia - về việc bảo vệ một quốc gia bị xâm lược phi lý, ngăn chặn Nga, ngăn chặn một cuộc chiến tranh lan rộng ở châu Âu và bảo vệ nền dân chủ - không có tác dụng với phe cực hữu Mỹ.

Thay vào đó, một số người đang nhấn mạnh với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng ngân sách dành cho Ukraine phần lớn được chi tiêu bên trong Hoa Kỳ, tạo việc làm và giúp xây dựng lại cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ (đồng thời có lợi ích phụ là làm suy yếu quân đội của một kẻ thù lớn của Hoa Kỳ).

Đại sứ châu Âu đặt câu hỏi: “Nếu điều này không có ý nghĩa đối với các chính trị gia thì còn điều gì khác?”

Một cựu đại sứ Đông Âu tại D.C. lo lắng về việc những người chống đối chiến tranh trong Đảng Cộng hòa coi cuộc khủng hoảng Ukraine là cuộc chiến của Tổng thống Joe Biden khi “trên thực tế, cần phải cân nhắc đến lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ”.

Các nhà ngoại giao nước ngoài cũng đang quan sát trong lo lắng khi chính trị phân cực về vấn đề phá thai đã trì hoãn việc thăng chức cho các sĩ quan quân đội Hoa Kỳ và đe dọa gây thiệt hại cho PEPFAR, một chương trình chống AIDS đã cứu sống hàng triệu người ở Châu Phi. Việc có những câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với NATO khiến các nhà ngoại giao mà tôi đã nói chuyện đều chết lặng. Và còn, có sự trì hoãn kéo dài trong việc chuẩn nhận của Thượng viện đối với các đại sứ Hoa Kỳ và các quan chức khác — một xu hướng càng trở nên trầm trọng hơn bởi các nhà lập pháp của cả hai đảng.

Một cựu đại sứ từ châu Á cho biết: “Trước giờ vẫn có một phép lịch sự nào đó của đảng đối lập dành cho việc bổ nhiệm Nội các của tổng thống. Điều gì sẽ xảy ra nếu những phép lịch sự này không còn tồn tại như hiện tại? Nó rất đáng lo ngại.”

Khi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đạt được thỏa thuận, họ thích nói rằng điều đó cho thấy hệ thống đang hoạt động. Nhưng chỉ cần có một cuộc tranh luận gay gắt, kéo dài và dường như không cần thiết về một chủ đề an ninh toàn cầu có thể làm tổn hại đến nhận thức về Hoa Kỳ như một đối tác đáng tin cậy.

Một nhà ngoại giao châu Âu khác cảnh báo: “Việc một quốc gia tranh luận về lập trường chính sách đối ngoại của mình là đúng, nhưng nếu tất cả các vấn đề chính sách đối ngoại đều trở thành sân khấu chính trị nội địa, thì ngày càng khó khăn trong việc Mỹ thực hiện vai trò toàn cầu của mình một cách hiệu quả trong các vấn đề cần đến cam kết lâu dài và vốn liếng chính trị của Mỹ - chẳng hạn như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa độc tài Trung Cộng, hòa bình ở Trung Đông và ngăn chặn chủ nghĩa xã hội đen ở Nga.” 

Các nhà ngoại giao hiện tại và trước đây cho biết nước họ ngần ngại ký thỏa thuận với Washington hơn vì sự chia rẽ đảng phái. Người ta lo ngại rằng một chính quyền mới sẽ từ bỏ các thỏa thuận trong quá khứ chỉ để làm vừa lòng các khối cử tri ồn ào chứ không phải vì những lý do chính đáng về an ninh quốc gia. Số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran là một ví dụ được một số người đề cập.

Một cựu ngoại giao từ châu Mỹ Latinh nói rằng: “Quan hệ đối ngoại chủ yếu dựa trên sự tin tưởng, và khi bạn biết rằng người đối diện sẽ không còn ở đó hay được kế thừa bởi một người có quan điểm hoàn toàn đối ngược, liệu bạn có thấy khích lệ để đi đến các thỏa thuận dài hạn không?”

Tuy nhiên, không có chuyện các đại sứ tập hợp lại và đưa ra một kiến nghị hoặc một lá thư kêu gọi Hoa Kỳ đoàn kết hoặc tập trung hơn.

Các quốc gia của các nhà ngoại giao này không phải lúc nào cũng có cùng lợi ích. Một số có rất nhiều quan điểm chính trị hết sức khác biệt. Nói cách khác, sẽ không có sự can thiệp nào.

Một số nhà ngoại giao nhấn mạnh họ ngưỡng mộ nước Mỹ - một số đã học đại học ở đây. Họ thừa nhận rằng họ không có một số giải pháp thần kỳ nào đó để giải quyết các động lực đang đào sâu thêm sự phân cực chính trị của nước Mỹ, từ gerrymandering (vẽ lại các địa hạt bầu cử quốc hội) cho đến một nền truyền thông rạn nứt như hiện tại.

Họ biết Hoa Kỳ đã có những thời điểm phân cực trong quá khứ, từ giữa những năm 1800 cho đến Chiến tranh Việt Nam, khiến ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại.

Nhưng họ lo ngại sự chia rẽ chính trị ngày nay ở Hoa Kỳ có thể có tác động lâu dài đến một thế giới ngày càng kết nối với nhau.

Vị cựu đại sứ từ châu Á nói: “Thế giới không có thời gian để chờ Mỹ phục hồi trở lại. Chúng ta đã đi từ một thế giới đơn cực quen thuộc từ những năm 1990 sang một thế giới đa cực, nhưng cực chủ chốt vẫn là Mỹ. Và nếu cột chủ chốt đó không đóng vai trò mà chúng tôi muốn Mỹ làm, bạn sẽ thấy các lực lượng thay thế xuất hiện.”

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Nga nằm trong số những người vui mừng trước sự hỗn loạn của Mỹ (và đang cổ vũ nó). Vị đại sứ Đông Âu cho biết, những đồng cấp người Nga từ lâu đã cảnh báo họ không nên tin tưởng hay trông cậy gì vào Washington.

Và bây giờ họ nói gì? “Chúng tôi đã nói với bạn như vậy mà.”

Vì vậy, các nhà ngoại giao của thế giới đang xem xét lại cách chính phủ của họ có thể đối phó với nước Mỹ này trong nhiều năm tới và các tổng thống sắp tới.

Một số người dự đoán rằng một chiến thắng của Đảng Cộng hòa vào tháng 11 có nghĩa là các quốc gia của họ sẽ phải hoạt động kiểu đổi chác (transactional) nhiều hơn trong mối quan hệ với Hoa Kỳ thay vì coi đó là một đối tác bền vững. Các đại sứ quán đã thu thập thêm các mối liên lạc với các đảng viên Cộng hòa phòng trường hợp họ giành lại Nhà Trắng.

Arturo Sarukhan, cựu đại sứ Mexico tại Mỹ cho biết: “Hầu hết các quốc gia sẽ ở thế phòng thủ, bởi vì sự bất cân xứng về quyền lực giữa họ và Hoa Kỳ khiến họ khó có thể làm gì một cách chủ động hoặc công kích để gây tác động.”

Khi tôi hỏi các nhà ngoại giao rằng họ sẽ đưa ra lời khuyên gì cho các chính trị gia Mỹ nếu họ được tự do làm như vậy, một số người cũng nói như vậy: Hãy tìm cách vượt qua sự chia rẽ của các bạn, ít nhất là khi liên quan đến các vấn đề có ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới Hoa Kỳ.

Cựu đại sứ Colombia nói: “Hãy tạo ra sự đồng thuận và chính sách đối ngoại lâu dài. Khi có được sự đồng thuận, các bạn sẽ không để các vấn đề nội bộ tạo ra một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại quốc tế.” ./.



Nguồn: Why the World Is Betting Against American Democracy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét