18 tháng 6 2020

Bolton: Trump không chỉ bỏ mặc nhân quyền mà còn ủng hộ các trại tập trung của Trung cộng

Cựu cố vấn an ninh quốc gia là John Bolton và thư ký báo chí của Nhà Trắng khi đó là Stephanie Grisham tại Phòng Bầu dục với Tổng thống Trump vào tháng 7 năm 2019. (Jabin Botsford / The Washington Post)

Aaron Blake, Washington Post

17/06/2020

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt 

Ngay sau khi trở thành tổng thống, Donald Trump tỏ rõ nhân quyền không là một bận tâm chính của ông. Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn về việc Putin cho ám sát những người đối lập, Trump gợi ý những so sánh việc đó với những gì xảy ra ở Hoa kỳ. Ông nói, “Có rất nhiều kẻ sát thủ. Quý vị nghĩ nước chúng ta vô tội lắm sao? 

Rõ ràng nhân quyền là cái mà Tổng thống Trump thường nhìn như là vật cản  hơn là một giá trị. Cuốn sách mới của John Bolton - cựu cố vấn quốc gia của Trump - soi rọi vào chuyện đó thường xảy ra một cách đáng ngại thế nào ở hậu trường. 

Theo các tiết lộ từ Washington Post và New York Times và một trích đoạn trên Wall Street Journal (WSJ), Bolton vẽ nên bức tranh của một tổng thống chẳng bận tâm gì và thường còn tỏ ra khinh miệt thẳng thừng với các vấn đề nhân quyền. 

Phóng viên Josh Dawsey của The Post tường trình rằng Bolton nói bài phát biểu đầy dấu chấm than của Trump - viết vào 2018 để bào chữa cho Thái tử Saudi tên Mohamed bin Salman trước sự buộc tội vụ sát hại  nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post - thật ra còn một động cơ bí mật khác. Bolton nói Trump đã phát biểu để làm xao lãng một vụ ồn ào đang rộ có liên quan đến cô con gái Ivanka Trump như sau:

Nhưng theo sách của Bolton, mục tiêu chính của bài phát biểu là lôi kéo sự chú ý của công luận khỏi câu chuyện Ivanka Trump đã dùng email cá nhân cho công việc chính quyền.

Sách viết là Trump đã nói “Cái này sẽ phân tán chuyện Ivanka. Nếu chính tôi đọc cái nhận định này, nó sẽ khỏa lấp chuyện của Ivanka.” 

Đáng nói hơn nữa, trích đoạn trên  WSJ còn kể chi tiết nhiều tình huống trong đó Trump nhún vai trước các sự lạm dụng nhân quyền ở Trung cộng - và trong một trường hợp, ông thậm chí còn ra vẻ cổ võ, có lẽ là cái tệ nhất.

Giai đoạn bị chỉ trích đó, theo lời kể của Bolton, là khi Trump có hai lần thật sự khuyến khích Tập sử dụng trại tập trung cho người Duy Ngô Nhĩ thuộc tỉnh Tân Cương:

Trump hỏi tôi - vào một buổi dạ tiệc Giáng sinh 2018 ở Bạch Cung - rằng tại sao chúng ta phải xem xét chuyện trừng phạt Trung cộng vì cách họ đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc phần lớn theo Hồi giáo sống chủ yếu ở tỉnh Tân Cương.

Vào buổi dạ tiệc khai mạc cuộc họp G-20 ở Osaka vào tháng Sáu 2019, chỉ có các thông dịch viên bên cạnh, Tập đã giải thích cho Trump một cách căn bản tại sao ông ta xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương. Theo người thông dịch viên phía chúng ta, Trump nói với Tập là nên xúc tiến việc xây dựng  trại, mà ông cho là điều thật đúng đắn để làm. Matthew Pottinger - một nhân viên cao cấp về Á châu của ban Cố vấn An ninh Quốc gia - cho tôi biết là Trump cũng nói điều rất tương tự trong chuyến đi Trung quốc 2017.

Câu chuyện ở Osaka xảy ra chỉ một tháng trước cuộc gặp gỡ vào tháng Bảy 2019 giữa Trump và các nạn nhân của ngược đãi chính trị, gồm cả những người Duy Ngô Nhĩ, và  tuyên bố sẽ rất chú tâm cho các quyền tôn giáo, “Tôi không nghĩ có tổng thống nào coi trọng việc này hơn tôi.”

Bạch Cung, ngay sau khi báo chí đưa tin, tuyên bố vào hôm nay (Thứ Tư 17/6/2020) rằng Trump đã ký Đạo luật Chính sách Nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ 2020. Trump đã do dự việc ký dự luật này trong nhiều tháng qua, nhưng có tin lọt ra vào ngày 8 tháng Sáu vừa rồi là ông sẽ ký. Tin đó ra vào cùng ngày mà Bolton nói là ông đang xúc tiến việc ra sách, cuốn sách mà nội dung đã được Bách Cung biết sau nhiều tháng kiểm duyệt và vẫn đang từ chối chấp thuận.

Dẫu những luận điểm này là do ông nghe kể lại, chúng đến từ nhiều sự kiện mà Bolton mô tả là có hiểu biết thấu đáo.

Cùng lúc đó, Hong Kong đang có những cuộc biểu tình chống sự đàn áp của Trung cộng. Khi được thông báo có đến hơn triệu người tham gia, Trump trả lời, theo Bolton kể, “Chuyện lớn thật.” Nhưng rồi ông thêm, “Tôi không muốn dính dáng tới.” và rằng “Chúng ta cũng có các vấn đề về nhân quyền đó mà.

Bolton nói Trump cũng đã từ chối thẳng việc có ra một tuyên bố nhân kỷ niệm thứ 30 vụ Quảng trường Thiên An Môn,  nói không nhầm rằng “Chuyện đó đã 15 năm rồi,” và thêm “Ai còn bận tâm về nó? Tôi đang cố để thương lượng. Tôi không muốn gì khác.”  

Căn phòng nơi nó xảy ra

Vào 1990, Trump dường như khen ngợi Trung cộng vì đã có thể dập tắt biểu tình ở Thiên An Môn - những lời được gợi nhớ gần đây khi chính phủ Trump xua đuổi những người biểu tình rất đỗi ôn hoà ở Quảng trường Lafayette gần Bạch Cung không lâu trước khi Trump đi bộ xuyên qua đó để chụp hình. 

Sự tận tụy của Trump để ký được một hiệp ước mậu dịch với Trung cộng dường như đã  đè bẹp tất cả các bận tâm khác, thậm chí còn khiến Trump nhẹ tay với Trung cộng khi vụ lây lan coronavirus mới bắt đầu, việc mà bây giờ Trump tìm cách tránh né. Như Dawsey tường trình, Bolton còn nói có lần thậm chí Trump còn cầu cạnh Tập giúp ông trong một thương lượng nhằm giúp ông trong cuộc tái tranh cử.

Ác cảm của Trump với nhân quyền có vẻ như cũng còn xảy ra ngay tại Hoa kỳ, khi ông luôn gắn mác các truyền thông chính thống là “kẻ thù của nhân dân" và ,trong cuộc bầu cử 2016, đã đùa kiểu gợi ý về chuyện ông ta có muốn giết các nhà báo hay không. Theo Dawsey, Bolton nói rằng Trump có lúc đã nói điều đó chính xác là cái mà các nhà báo xứng đáng nhận. Trump nói bọn họ nên bị bỏ tù cho đến khi chịu tiết lộ nguồn cung cấp tin, và thêm “Những người này nên bị xử tử. Chúng là những kẻ bỉ ổi.

Đây là những ứng khẩu hay tệ hơn là những ngoa ngữ theo kiểu của Trump. Tập hợp lại - và thêm cách điều hành của ông - cho thấy Trump thờ ơ một cách đáng kể về ảnh hưởng của chính phủ ông trên vấn đề nhân quyền so với hầu hết chính phủ của các tổng thống khác, đặc biệt khi cân đo những thoả thuận ông đã có thể có với những kẻ như Putin, Tập và hoàng gia Saudi. Thường luôn có những cân đối trong các thoả thuận với đồng minh hay các đối tác của Hoa kỳ về mậu dịch và các công việc khác, nhưng Trump luôn sai lầm trong một đường lối hoàn toàn khác thường.

Sự bênh vực của Trump dành cho Mohamed của Ả-rập Saudi là ấn tượng nhất, theo lời kể của Bolton: Trump quyết định đưa ra một tuyên bố đáng nói trong cái nhún vai trước vụ tùng xẻo man rợ một nhà báo từng sống tại Hoa kỳ, chỉ vì một bận tâm chính yếu là để hạ nhiệt cho vấn đề khác của một người thân./.


Nguyên bản tiếng Anh:

Bolton says Trump didn’t just ignore human rights but encouraged China’s concentration camps

Sách trên Amazon: 

The Room Where It Happened: A White House Memoir


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét