18 tháng 6 2020

John Bolton nói hết về người chủ cũ Trump, dẫu có muộn màng


Ron Elving, NPR

17/06/2020

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt

Ngay cả trước khi TT Trump khởi kiện để ngăn việc xuất bản cuốn hồi ký của John Bolton, cả triệu người đã chờ nghe vị cựu cố vấn anh ninh quốc gia này nói gì về Trump và vụ Ukraine để phải bị luận tội truất phế.

Khi đọc xong cuốn Căn phòng nơi chuyện đã xảy ra (The Room Where It Happened), sẽ chẳng còn ai tự hỏi tại sao tổng thống muốn ngăn chặn việc xuất bản. Dầu rằng những tường trình của Bolton đến quá trễ để ảnh hưởng việc truất phế, nó hẳn sẽ củng cố các luận cứ chống Trump đã được trình bày trong cuộc luận tội tại Thượng viện.

Căn phòng nơi chuyện xảy ra

Cuốn sách của Bolton là một bản cáo trạng rộng hơn nhiều về cách tiếp cận của Trump với chính sách đối ngoại, và với chính chức vụ của ông. Người tổng thống được mô tả ở đây không chỉ như một người có dính líu mà là rất chú tâm đến việc bảo quản và theo đuổi các quyền lợi cá nhân một cách rõ rệt.

Bolton viết, “Thật sự, tôi rất khó khăn để tìm ra một quyết định có ý nghĩa nào của Trump, trong suốt thời gian tại vị của tôi, mà  được lèo lái bởi các tính toán cho tái tranh cử.”

Vâng, chính vấn đề Ukraine đã khiến Hạ viện phải kêu gọi Bolton để lấy lời khai hữu thệ vào mùa thu rồi trong các buổi điều trần, trong khi nhiều thuộc hạ của ông từ văn phòng Cố vấn An ninh Quốc gia đã làm như vậy. Bolton từ chối, viện dẫn một chỉ thị của Bạch Cung, dù rằng khi đó ông đã rời khỏi chính quyền. Trong những trang này, Bolton biện minh rằng cách hành xử của Hạ viện khi đó là “sự phi pháp trong cách bãi miễn" bởi vì đã không chịu tống trát cho ông và đợi chờ tòa ra lệnh buộc ông khai báo.

Ông cũng đả kích cách Hạ viện đã tập trung vào cuộc điện đàm của Trump để áp lực TT Ukraine điều tra con trai của ứng viên Dân chủ Joe Biden. Đó là một sự chú tâm sai trái, Bolton nói, bởi vì nó không phải là “vi phạm duy nhất" như Hạ viện đã lập cứ giữ một loạt các sai phạm có thể truất phế khác.  

Bolton nói Trump thường xuyên yêu cầu các nguyên thủ làm những chuyện có vẻ được thúc đẩy bởi nhu cầu làm vừa lòng những nhóm cử tri khác nhau. Ông kể chi tiết, trong một kỳ họp thượng đỉnh tại Nhật vào tháng Sáu 2019, Trump đã làm sao để có một cuộc họp riêng với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình và đề cập đến cuộc bầu cử 2020. Trump “nhấn mạnh sự quan trọng của nông dân và ảnh hưởng của sự tăng mua đậu nành và lúa mạch của TC.” 

Bolton nói lẽ ra ông đưa nguyên văn lời Trump nói với Tập nhưng phía kiểm duyệt sách của chính phủ đã bảo ông là ông không được phép.

Khi việc truất phế đưa ra xử ở Thượng viện, Bolton tình nguyện để cung cấp lời khai hữu thệ nhưng đã không được mời. Một người ngờ vực có thể nói Bolton chỉ tình nguyện khi biết Mitch McConnel, lãnh đạo khối đa số của Thượng viện sẽ không cho ông - hay bất cứ nhân chứng nào khác - ra khai báo, trước khi tiến hành thủ tục bỏ phiếu để tha bổng trên tất cả các luận điểm của truất phế.

Nhìn thẳng vào vấn đề, những khai báo vốn có thể là bom tấn vào tháng Giêng hay tháng Hai thì hôm nay lại chỉ có tính lịch sử hơn là hiện tại. Khi tâm trí mọi người đổ dồn vào đại dịch toàn cầu,  suy thoái kinh tế, và giờ phán xét của quốc gia trên vấn đề chủng tộc, những tiết lộ của Bolton bây giờ chỉ có rất ít ảnh hưởng hơn mức đã có. Quốc gia này phần lớn đã cho qua chuyện bê bối Ukraine vì những nỗi lo khác trước mắt.

Trên các sự việc, Bolton chẳng chút mập mờ về cách hành xử của Trump với Ukraine. Ông mô tả một cách khinh miệt những gợi ý như là Ukraine giấu giếm một máy chủ lấy cắp được từ Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ hay như là những viên chức chính phủ đó có âm mưu chống lại Trump vào 2016 (hay như là họ lại đang làm điều nó nữa cho 2020). 

Bolton nhắc đến những chuyện này như “các thuyết âm mưu hoang đường về Ukraine" hoặc như “các chuyện hoang đường của Giuliani", nhắc đến luật sư riêng của Trump là ông cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, người thường rêu rao những chuyện đó trong nhiều năm. Bolton cũng tỏ ra thất vọng về những nhân viên cao cấp của Bạch Cung đã tin vào những suy nghĩ giản đơn của Trump về chiến lược gây áp lực cho Ukraine, hoặc những hành xử như thể họ đã tin như vậy.

Bolton kể cho chúng tôi rằng ông có dự cuộc điện đàm ngày 25 tháng Bảy khi Trump gọi tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, cuộc điện đàm đã gây nên một vụ thổi còi ẩn danh để rồi dẫn đến một tiến trình truất phế Trump. Ông nói rằng ông không nghĩ những lời nói của Trump trong cuộc điện đàm phản ánh một thay đổi nào trong đường lối.

“Sự nối kết viện trợ quân sự với các chuyện hoang đường của Giuliani đã là chuyện bột khuấy thành hồ rồi.” Bolton viết, “Cuộc gọi đó không phải là viên đá vòm mà đơn giản chỉ là một viên gạch thẻ trong tường.”

Bolton nói rằng khi ông rời chức vụ vào ngày 10 tháng Chín, ông tin rằng “các chuyện điên rồ của Giuliani" đã được đưa vào lò đốt để tự huỷ. Nhưng rồi ông sớm nhận ra có một kẻ thổi còi (mà ông nói ông cũng vẫn chưa biết là ai) đã xuất hiện và đưa toàn bộ sự việc cho Quốc hội cũng như đưa cho người tổng thanh tra của giới tình báo.

Các sử gia sẽ còn tranh cãi dài dài về chuyện liệu lời khai hữu thệ của Bolton, nếu được thực hiện, có đủ thuyết phục để thay đổi kết cục của vụ xử truất phế. Trong một lần xuất hiện ở Đại học Vanderbilt vào tháng Hai, Bolton nói ông sẽ “đánh cược một đồng" rằng kết cục vẫn sẽ như vậy thôi.

Một lý do mà ông có thể đã đúng: Ngay cả nếu Bolton có thuyết phục được một Thượng viện Cộng hòa rằng Trump đã lạm dụng quyền hành, những người bảo vệ Trump sẽ vẫn còn một lý lẽ nữa đó là sự vi phạm của Trump đã không nghiêm trọng đủ để lôi ông khỏi địa vị.

Mặt khác, người ta lại nghĩ rằng nếu khi đó Bolton đã đưa ra các luận điểm chống lại Trump như ông ghi lại trong sách, trong vai trò người cộng tác của Fox News với sự dữ tợn của chó săn và với sự tự tin đầy học thức, ít ra cũng có thể tin là ông đã làm thay đổi một số người.

Những người quản trị việc truất phế của Hạ viện đã nghĩ rằng họ có đủ bằng chứng, nhưng như một người trong số đó đã nói, được nghe từ Bolton “sẽ xoá bỏ mọi ngờ vực.”

Có một điều không thể tranh cãi. Nếu Bolton đã chịu khai hữu thệ trong vụ xử hồi đầu năm, ảnh hưởng đến Trump chắc chắn đã lớn hơn rất nhiều - bởi TV, Internet, và các đoạn video chiếu đi chiếu lại - số với việc xuất bản một cuốn sách 492 trang (chưa kể thêm 85 trang các ghi chú và thư mục, mà phần lớn Bolton nói là để chứng tỏ ông không dùng đến các tài liệu mật.)

Một so sánh dễ thấy là John Dean, vị cố vấn Bạch Cung mà các biểu diễn ngoạn mục để kết tội TT Richard Nixon trước thềm các vụ điều trần Watergate 1973 đã mở cửa cho các diễn tiến góp phần đẩy Nixon ra khỏi chức vụ.

Thật ra, Bolton chỉ làm cố vấn an ninh quốc gia từ tháng Tư 2018 đến tháng Chín 2019. Nhưng hồi ký của ông cũng gồm những chi tiết ấn tượng về những tháng đầu của chính phủ Trump, trước khi ông kế vị tướng H.R. McMaster trong chức vụ cố vấn.

Trong những tháng đó, Bolton rất gần gũi với Trump và những kẻ thân tín khác của ông, ngay cả khi đang là cộng tác viên của Fox News và theo đuổi nghề luật và diễn thuyết của ông. Ông nói khi đó ông đang vận động cho chức vụ bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn An ninh Quốc gia (trước khi nó rơi vào tay McMaster).

Ông nói có lúc ông từng nghe rằng Trump đã không thích bộ râu đặc trưng của ông, một phản ánh trung thực  tính cách của ông, như một cái bàn chải trên mặt ông cũng như trên mặt người khác.

Nhưng khi những nhân viên cao cấp được bổ nhiệm bỏ đi từng người, Bolton đã được gọi vào thế chỗ. Và rồi chính ông cũng bỏ đi. Ông muốn chúng ta biết mọi thứ ông đã làm, để chúng ta không bị cuốn vào cái vở kịch Ukraine cho đến chương kế cuối của cuốn sách, dẫn trước bởi 13 chương khác trong đó dẫn dắt chúng ta đi qua vô số những va chạm của ông với các nguyên thủ trên thế giới và những vấn đề vô cùng phức tạp.

Thực ra, chuyện của Bolton cứ như đọc từ những trang giấy xé ra từ sổ tay chương trình thường nhật của ông, đầy những tham chiếu về giờ giấc thức dậy hay đến Bạch Cung hay chi tiết các chuyến đi và những người nguyên thủ ông có dịp trò chuyện.

Những chương đầu kê ra những việc như rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, những cuộc thương thuyết với Bắc Hàn về vũ khí nguyên tử, cố gắng lật đổ kẻ mạnh Nicholas Maduro ở nước XHCN Venezuela, những nỗ lực bất tận để chấm dứt cuộc phiêu lưu quân sự ở Afghanistan, Iraq và Syria, và sự đối đầu tái đi tái lại với Iran.

Sùng tín về sự sắp đặt, Bolton kinh hãi với cách phóng khoáng và tuỳ tiện khi Trump tham dự các bổn phận quốc tế và với các nguyên thủ khác. Nhưng cái làm Bolton bận tâm nhất là cái cách của Trump về các chính sách khá tự do và sự thay đổi thái độ của quốc gia, có lúc thay đổi từng giờ. Bolton cảm thấy không thể chấp nhận cái mức độ bất nhất, và gọi nó là “sự xáo trộn là phương cách sống.”

Ông nhắc đi nhắc lại về cái bàn trong phòng Bầu dục, vốn được làm từ ván chiếc thuyền thám hiểm HMS Resolute  và tặng bởi người Anh. Nó được biết qua cái tên cái bàn Quả quyết (Resolute desk), và Bolton đã không thể ngừng so sánh cái bàn và “người đàn ông ngồi ở đó.”

Như những kẻ đã rời khỏi Trump và viết sách kiểu “nói cho hết” về Trump, Bolton cũng  mô tả cái tự tôn và tự mãn của Trump, và cũng lột tả khá nhiều về chính mình. Rằng nếu không đúng hoàn toàn, ít ra ông cũng đúng về khá nhiều chuyện. Tựa như Trump, ông tìm người đổ lỗi nếu phán đoán hay quyết định của ông bị thất bại. Khi cuộc đảo Chánh nhà độc tài Maduro của Venezuela không đạt sự mong đợi, ông chê bai Juan Guaido, nhà lãnh đạo đối lập mà ông từng ủng hộ. Ông gọi Guaido là Beto O’Rourke của Venezuela.

Rõ ràng là Bolton ghi chép rất nhiều, và trong trường hợp này, ông ta làm vậy với ý định, vào một lúc nào đó, sẽ viết lại đầy đủ. Sách ông gợi lại những đầu sách khác từ kệ sách “nói cho hết” của những người thân tín khác của Trump, và trong đó ông thường được tả như là lỗ mảng, dữ dằn, ưa xen chuyện, và ưa gây hấn.

Vậy tại sao lại nhận công việc làm cố vấn?

“Bởi vì nước Mỹ đối diện một môi trường quốc tế rất nguy hiểm,và tôi nghĩ tôi biết cái gì cần làm,” Bolton viết như vậy. Và ông viết về Trump “Không ai có thể nói là không biết mối nguy hiểm đang hiện hước, và rất gần, nhưng tôi tin tôi có thể giải quyết được. Những người khác có thể thất bại vì một lý do gì đó, nhưng tôi đã nghĩ tôi có thể thành công.”

Điều làm cuốn sách này khác hẳn các sách khác nằm ở cái tựa của nó. Mượn từ tựa một bài  chính trong vở nhạc kịch Hamilton, Bolton nói bóng về vai trò then chốt của ông. Xa hơn, thái độ và ngôn ngữ của ông cách xa với những tác giả khác đến hàng nhiều năm ánh sáng. Giọng văn nhìn chung như là nhật ký của một người thầy dạy kèm một anh học trò thường bỏ qua những bài giảng và xem thường người thầy dạy như những đồ dùng có thể thay thế.

Có một chuyện phụ cũng đáng nói trong cuốn sách của Bolton liên quan đên Nikki Haley, cựu thống đốc bang Nam Carolina, người đã phục vụ như Đại sứ Liên Hiệp Quốc đầu tiên của Trump (một chức vụ mà John Bolton từng nắm giữ thời George Ư. Bush). Haley xuất hiện nhiều lần trong cuốn sách, dưới một cái nhìn thẳng thắn đến khắt khe. Bolton kể rằng Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo gọi bà là “nhẹ như lông ngỗng.”

Bolton thường coi mình như một luật gia, một nhà làm chính sách, và là một học giả. Nhưng   tự hào chính là về trí tuệ, hay khoa bảng. Ông hẳn không mong sẽ thu hút các độc giả bình thường, hoặc những ai không hiểu nổi những câu như thế này trên trang ba “Sự thay đổi nhân sự liên tục rõ ràng không giúp ích gì, cũng như ‘cuộc chiến tất cả chống lại tất cả’ theo cách nói của Hobbesian.” Ông giùm cụm từ Latin 'bellum omnium contra omnes' cho phần in nghiêng bên trên.)  Sẽ khó tưởng tượng là có những chuyện trò vui vẻ bên tách trà giữa Bolton và Trump, ngồi ở hai phía đối nghịch của cái bàn Quả quyết./.

 

Nguyên bản tiếng Anh:

 John Bolton Unloads On Former Boss Trump, Even If It's A Little Late Now


Sách trên Amazon:

The Room Where It Happened: A White House Memoir


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét