06 tháng 6 2020

Mike Mullen: Tôi không thể im lặng

Quảng trường Lafayette
Cảnh dọn đường cho TT đi đến nhà thờ St John's chụp ảnh


“Các công dân của chúng ta không phải là kẻ thù, và không bao giờ nên trở thành như vậy.” - Mike Mullen

Đô đốc Mike Mullen, The Atlantic

02/06/2020


Michael Glenn Mullen

Cựu Đô đốc 4 sao, Hải quân Hoa kỳ

Tham mưu trưởng Liên quân Hoa kỳ thứ 17

Hôm qua, tôi cảm thấy thất vọng khi nhìn các nhân viên an ninh - gồm cả các thành viên Vệ binh Quốc gia - dùng vũ lực thô bạo mở đường xuyên qua công viên Lafayette để cho cuộc viếng thăm bên ngoài nhà thờ St John của tổng thống. Trước giờ, tôi đã dè dặt việc lên tiếng về những vấn đề xung quanh sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, nhưng chúng ta đang ở một thời điểm hệ trọng, và các sự kiện trong những tuần qua làm tôi không thể giữ im lặng hơn nữa.

Bất kể mục tiêu của Trump là gì khi thực hiện chuyến viếng thăm này, ông cũng đã phơi trần sự coi khinh quyền lợi của những người biểu tình ôn hoà trên đất nước này, giúp cho lãnh đạo nhiều nước khác cảm thấy dễ chịu trước các xung đột trong nước chúng ta, và gây rủi ro về việc chính trị hoá hơn nữa những nam nữ quân nhân trong quân đội.

Chả có gì tốt đẹp trong màn trình diễn này.

Chẳng ai nên ca tụng bạo động, đập phá, và hôi của đang nổ ra tràn lan trên khắp các đường phố, cũng chẳng ai nên lơ là một bận tâm lớn hơn và sâu sắc hơn về sự kỳ thị có tính thể chế đã khơi ngòi cho cơn thịnh nộ này.

Là một người đàn ông da trắng, tôi không thể tự cho là mình thấu hiểu nỗi sợ hãi và giận dữ mà người Mỹ gốc Phi đang cảm nhận hôm nay. Tuy nhiên, sống đến tuổi này, tôi biết đủ - và thấy đủ - để hiểu rằng những cảm nhận đó là thật và rằng nó đều được thành hình một cách rất đau thương.

Chúng ta, những người công dân, nên đối đầu trực diện với vấn nạn về sự tàn bạo của cảnh sát và sự bất công kéo dài dành cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Chúng ta, những người công dân, nên ủng hộ và bảo vệ quyền - thật vậy, cái bổn phận nghiêm túc - được biểu tình ôn hoà và được lắng nghe. Đây không phải là những mục tiêu đối nghịch nhau.

Và chẳng mục tiêu nào trở nên dễ dàng hơn hay an toàn hơn bằng việc sử dụng hung hăng quân lực, dù là Vệ binh hay Quân đội hiện dịch. Hiệp chủng quốc đã từng có một lịch sử dài, và nói cho công bằng, đôi khi bị rối rắm trong việc sử dụng quân lực để thực thi các luật lệ trong nước. Vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay không phải là quyền hạn này có tồn tại hay không, mà là nó có được vận dụng một cách khôn ngoan hay không.

Tôi vẫn tin tưởng vào tính chuyên nghiệp của các quân nhân nam nữ của chúng ta. Họ sẽ phục vụ với kỹ năng và lòng trắc ẩn. Họ sẽ tuân thủ những quân lệnh hợp pháp. Nhưng tôi thiếu tin tưởng tính đúng đắn của các chỉ thị được đưa ra từ vị Tổng tư lệnh này, và tôi không cảm thấy thuyết phục là tình trạng hiện tại trên đường phố đủ lý giải cho việc để cậy đến những người lính. Chắc chắn, chúng ta chưa vượt qua cái ngưỡng để việc sử dụng Đạo luật Chống khởi nghĩa là phù hợp.

Hơn nữa, tôi lo ngại sâu sắc là khi thực hiện các chỉ thị đó, những thành viên quân đội có thể phối hợp các mục đích chính trị vào đó.

Ngay giữa cái hoang tàn chúng ta đang chứng kiến, chúng ta nên cố nhìn các phố phường của Mỹ như là căn nhà, như xóm giềng chúng ta. Đó không phải là “chiến trường" để trấn áp, và không bao giờ nên như thế.

Chúng ta nên bảo đảm là người Mỹ gốc Phi - hay nói đúng hơn là mọi người Mỹ - được cho những quyền như nhau, công bằng như nhau trước luật pháp, được xem xét tựa như khi chúng ta  xem xét các thành viên trong chính gia đình mình. Các công dân cùng quốc gia của mình không phải là kẻ thù, và sẽ không bao giờ nên như thế.

Đã có quá nhiều chọn lựa cho chính sách nội địa hay ngoại quốc bị quân đội hoá; đã có quá nhiều sứ mệnh quân sự bị chính trị hoá.

Giờ đây không phải là thời điểm cho các màn trình diễn. Giờ đây là thời điểm của sự lãnh đạo./.



Nguyên bản tiếng Anh:

https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2020/06/american-cities-are-not-battlespaces/612553/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét