11 tháng 7 2020

Lời chia sẻ của Lê Hoàng Nguyên



Người Mỹ Gốc Việt: Tôi rất cảm khái trước một người không quen ở Houston, anh Lê Hoàng Nguyên. Sự ủng hộ chân thành của anh đối với phong trào Black Lives Matter qua hành động tự phát - dựng một tấm biển tại Houston trong một khu thương mại người Việt - là một điều đáng quý của một người dấn thân mà không phải ai cũng có thể làm.

Thật đau lòng, một số đồng bào của anh, của tôi và của bạn, trên một cái nhìn hẹp hòi hay chính trị hoá, đã tấn công anh và gia đình anh. Tấn công một cách thậm tệ.

Tôi cố gắng dịch lại những lời tâm tình của anh trong video do anh đăng trên Facebook mà đang được lan truyền rộng khắp gần đây. Tôi hy vọng những dòng chữ Việt này được đọc bởi chính những người chống anh với hy vọng họ có thể hiểu anh ấy hơn chăng.

Vâng, tôi chưa từng biết anh ngoài đời, và cũng chưa là bạn trên Facebook. Nhưng tôi tôn trọng và ủng hộ quan điểm anh ấy. Tôi cũng sẵn sàng trao đổi quan điểm với các bạn, trong tinh thần tôn trọng và cầu thị, không chụp mũ, miệt thị hay hăm doạ nhau.


Xin chào,

Hôm nay một ngày đẹp trời, một ngày Chủ nhật xinh đẹp ở thành phố Houston.

Cho phép tôi chia sẻ vài suy nghĩ ở đây, gửi gắm đến những người di dân Việt. Bản thân tôi cũng là một người di dân. Tất cả chúng ta giờ đều là người Mỹ, phải không?

Tôi cũng muốn gửi gắm đến những người làm thương mại gốc Việt, những chủ nhân gốc Việt. Những người đang khoanh tay phê phán cộng đồng da đen ở đây.

Cho tôi bắt đầu như thế này, tôi hoàn toàn phản đối các vụ đập phá, hôi của đã xảy ra giữa những cuộc biểu tình ôn hoà trên khắp đất nước. Các chủ nhân có quyền bảo vệ chỗ mưu sinh của họ. Nhưng nếu bạn nghĩ về nó, bạn nên thấy rằng con số những kẻ hôi của, đập phá đó là rất nhỏ so với con số to lớn của những người biểu tình ôn hoà. Tôi thấy rất đau lòng khi chứng kiến một số người Việt hoặc đọc các lời bình luận của họ, nhắm vào những kẻ hôi của, những kẻ đập phá. Đặc biệt là của những bạn trong ngành làm móng tay, đó là những người dựa vào cộng đồng da đen để kiếm sống. Tôi thường nói đùa với bạn bè rằng người Việt không tạo ra ngành làm móng tay, nhưng thú vị thay, chúng ta chiếm lĩnh ngành này, chúng ta lấy được nó. Và nhiều chủ tiệm làm móng tay, và cả các chủ tiệm tạp hoá, đều hiểu điều đó. Họ phụ thuộc vào, một phần lớn công việc của họ phụ thuộc vào cộng đồng da đen. Họ đi vào các cộng động da đen, họ cung cấp dịch vụ, và họ làm ra đồng tiền. Vậy mà, không hiểu sao vẫn có một xa cách ở đó. Không hiểu sao họ không thể thông cảm được, họ không thể dành ra một khoảnh khắc để hiểu về sự phản kháng của người da đen, để hiểu tại sao người da đen đang biểu tình trong lúc này, trong quá khứ, và đáng buồn thay, sẽ còn nhiều nữa trong tương lai. Trong khi những người tiểu thương này, những người đang khoanh tay phê phán cả cộng đồng đó chỉ vì một vài vụ đập phá hôi của. Nên chi, hãy nghĩ đến điều đó.

Những gì chúng ta có hôm nay là thành quả trực tiếp của máu, mồ hôi, và nước mắt của cộng đồng da đen trong một cuộc tranh đấu vất vả. Đạo luật Dân quyền 1964 đã mở đường cho Luật Di dân 1965, và nhờ đó cho phép những người Việt chúng ta được di dân đến Hoa kỳ để trở thành người Mỹ vào giữa thập niên 70. Không có điều nào nói trên đã có thể xảy ra nếu cộng đồng da đen đã không từng lót nền đường, đã không từng đổ máu, đã không từng bỏ mạng cho các quyền lợi trên.

Vì vậy, tôi xin bạn. Lần sau, nếu bạn có chia sẻ một bức hình, một đoạn phim ngắn của một kẻ hôi của, hay lần sau nếu bạn có đưa một lời bình phẩm kỳ thị, dù là giữa bạn bè của mình, bạn nên suy nghĩ. Và rồi, sau những gì bạn đã nói và đã làm, khi bạn quay lại những cộng đồng da đen đó, bạn thử nghĩ, bạn cầm đồng tiền của họ mà không hiểu được nỗi đau của họ, không hiểu cơn giận của họ. Nên tôi muốn thử thách bạn, thử thách tất cả các bạn. Hãy thử tịnh tâm, suy nghĩ, và thông cảm.

Chúc tất cả có một ngày Chủ nhật tuyệt vời.

Lê Hoàng Nguyên


Lời Việt từ video sau trên Facebook

https://www.facebook.com/farmerslehoangnguyen/videos/734098330727429/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét