01 tháng 7 2020

Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô đối với người Công giáo Hoa Kỳ sau khi George Floyd bị giết


Hình do giáo phận Công giáo El Paso, TX cung cấp cảnh giám mục Mark Seitz (chính giữa) với những người khác và cầm tấm bảng Black Lives Matterquỳ
Cảnh giám mục Mark Seitz (chính giữa) đang quỳ với những người khác và cầm tấm bảng Black Lives Matter (Hình do giáo phận Công giáo El Paso, TX cung cấp)
 

CBS News

10/6/2020

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt


VATICAN CITY - Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gọi George Floyd bằng tên, hai lần, và bày tỏ ủng hộ cho một giám mục người Mỹ quỳ gối cầu nguyện trong cuộc biểu tình Black Lives Matter. Các Hồng y da đen và da trắng đã lên tiếng về cái chết của Floyd, và mạng truyền thông to lớn của Vatican đã tăng tốc để thu hút sự chú ý đến niềm tin mà ngài hiện đại diện.

Trong trường hợp bình thường, việc Floyd bị giết dưới tay một sĩ quan cảnh sát da trắng và các cuộc biểu tình toàn cầu tố cáo phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát có thể đã thu hút một phản ứng ngoại giao im lặng từ Tòa Thánh. Nhưng trong một năm bầu cử ở Mỹ, cường độ và sự nhất quán trong phản ứng của Vatican cho thấy rằng, từ Giáo hoàng trở xuống, đang tìm cách ủng hộ những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc trong khi đưa ra tuyên bố rõ ràng về chỗ mà người Công giáo Mỹ nên đứng trước cuộc tranh cử của Tổng thống Donald Trump cho nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11.

Bà Anthea Butler, một giáo sư thỉnh giảng tại trường Thần học Đại học Yale nói rằng Đức Phanxicô "muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng đến những người Công giáo bảo thủ  đang ủng hộ Trump rằng, 'Hãy lắng nghe, đây cũng là một vấn đề giống như phá thai’."  Bà Butler, một người Mỹ gốc Phi, cho biết Vatican đang nói với người Công giáo "hãy chú ý đến sự phân biệt chủng tộc đang xảy ra và sự phân biệt chủng tộc ở trong nhà thờ của chính bạn ở Mỹ."

Vatican từ lâu đã lên tiếng về sự bất công chủng tộc, và các Giáo hoàng từ đời Paul VI đã lên tiếng ủng hộ phong trào dân quyền và thông điệp phản đối bất bạo động của Martin Luther King Jr. Vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử từ nam bán cầu cũng không khác trước. Ngài đã trích dẫn một đoạn dài của MLK trong bài phát biểu lịch sử của mình trước Quốc hội Hoa Kỳ năm 2015 và đã gặp gỡ với con gái của ông King, như người tiền nhiệm đã làm.

Nhưng mức độ tác động của Đức Phanxicô và Vatican sau vụ giết Floyd là khác thường và cho thấy một chiến lược thông điệp phối hợp nhằm vào một hệ thống nhà thờ Mỹ quốc mà Đức Phanxicô đã chỉ trích từ lâu về nạn bè phái chính trị và ý thức hệ của nó, theo như lời ông Alberto Melloni, một nhà sử học và thư ký của  chức Quỹ từ thiện Nghiên cứu Tôn giáo John XXIII ở Bologna, Ý. Ông Melloni nói, "Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người có cùng kiểu phản ứng."

Tuần trước, Đức Phanxicô đã tố cáo "tội lỗi của phân biệt chủng tộc" và hai lần xác định Floyd là nạn nhân của một vụ giết người "bi thảm". Trong một thông điệp được đọc bằng tiếng Ý và tiếng Anh trước công chúng của mình, Đức Phanxicô bày tỏ lo ngại về bạo lực trong các cuộc biểu tình, nói rằng đó là tự hủy hoại.  Ông cũng nói, "Chúng ta không thể nhắm mắt trước bất kỳ hình thức phân biệt chủng tộc hay bài trừ nào, trong khi giả vờ bảo vệ sự linh thiêng của mỗi cuộc sống của con người."

Đó là một nỗ lực rõ ràng để nhắn nhủ một số người Công giáo bảo thủ, coi vấn đề phá thai là tối quan trọng, trong khi các vấn đề "sự sống" khác rất thiết tha đối với Francis - phân biệt chủng tộc, nhập cư, tử hình và nghèo đói - lại có vai trò thứ yếu khi đi đến thùng phiếu.

Đức Phanxicô đã kiên quyết giữ vững sự phản đối của nhà thờ đối với việc phá thai. Và các cuộc thăm dò cho thấy một đa số người Công giáo Mỹ ủng hộ những hạn chế đáng kể trong phá thai hợp pháp. Nhưng Đức Phanxicô cũng than thở rằng nhà thờ Hoa Kỳ bị "ám ảnh" với việc phá thai, tránh thai và hôn nhân đồng tính đến độ gây  hại các giáo lý khác. Ông Trump đang tiếp cận cử tri Công giáo phần lớn trên quan điểm chống phá thai của mình.

Đức Phanxicô đã lên tiếng vào ngày 3 tháng 6 sau khi ông Trump đến chụp hình trước một nhà thờ Espicopal (Tân giáo) gần Nhà Trắng với cuốn Thánh kinh trong tay, sau khi thực thi pháp luật đẩy lùi thô bạo những người biểu tình ra khỏi một công viên gần đó. Một ngày sau đó, ông Trump đã đến thăm đền thờ Thánh John Paul II, một chuyến viếng thăm bị lên án bởi vị giám mục người Mỹ gốc Phi cao cấp nhất ở Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục Wilton Gregory của Washington, D.C., người được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào vị trí quan trọng về chính trị năm ngoái. Gregory nói rằng ông thấy "khó hiểu và đáng trách khi bất kỳ cơ sở Công giáo nào cho phép bản thân bị lạm dụng và thao túng quá mức."

Trong mạch ý tưởng đó, cuộc gọi điện thoại của Đức Giáo hoàng đến Giám mục Texas Mark Seitz của El Paso tuần trước có ý nghĩa một cách thầm kín. Seitz đã đóng một vai trò hàng đầu trong việc yêu cầu đối xử công bằng với những người di cư đang cố gắng vượt qua biên giới phía Nam Hoa Kỳ, một nguyên nhân khiến Đức Phanxicô đã bênh vực theo những cách gây căng thẳng với ông Trump. Đức Phanxicô đã gọi Seitz bất ngờ sau khi ông ấy chụp ảnh đang quỳ gối cầu nguyện trong một cuộc biểu tình Black Lives Matter. Seitz nói Đức Giáo hoàng đã cảm ơn ông mà không đề cập đến cuộc biểu tình, nhưng bối cảnh rất rõ ràng: "Những lời nói và hành động gần đây của tôi về các sự kiện đang diễn ra ở nước này" sau khi Floyd bị giết.

Đức Phanxicô không đơn độc trong việc bày tỏ quan điểm của Vatican. Dù Tòa Thánh bất đắc dĩ có thể bị xem là chọn phe trước cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, hoạt động truyền thông của nó đã làm rõ sự ủng hộ của họ đối với các cuộc biểu tình ôn hòa, lên án những bất công mà người Mỹ da đen phải gánh chịu và nhấn mạnh sự ủng hộ lâu đời thông điệp của Martin Luther King.

Tờ báo L'Osservatore Romano hôm Chủ nhật có ba câu chuyện liên quan đến Floyd trên trang nhất của nó. Câu chuyện đầu tiên là 1 triệu người dự kiến ​​sẽ biểu tình ngày hôm đó tại Washington. Câu chuyện thứ hai là về một đoạn video cho thấy hai sĩ quan cảnh sát Hoa Kỳ đang xô ngã ông Martin Gugino, 75 tuổi, một người biểu tình Công giáo da trắng ở Buffalo. Bài báo nói, "Hãy xem nó, xin vui lòng." Câu chuyện thứ ba của nó là về một lễ cầu nguyện được chủ trì bởi một chức sắc người Mỹ cao cấp nhất tại Vatican, Hồng y Kevin Farrell, người đã giải thích cách mà các lý tưởng hiến pháp của Mỹ đã đang làm thất vọng các công dân da đen của nó.

Trong một cuộc phỏng vấn, Farrell nói rằng ông đã nói chuyện với Đức Phanxicô trong quá khứ về các vấn đề chủng tộc của nước Mỹ mà ông chứng kiến tận mắt khi còn là một giám mục phụ tá ở Washington. Farrell nói rằng Francis rất thành thạo trong lịch sử của MLK và nước Mỹ. Đức Phanxicô "biết nguyên tắc là gì và ông biết cuộc đấu tranh là gì", ông Farrell nói.

Bà Natalia Imperatori-Lee, giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Manhattan, cho biết thông điệp của Vatican có ảnh hưởng đến người Công giáo Mỹ. "Chúng tôi đang bắt đầu thấy một loại rạn nứt xuất hiện", bà nói. "Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để nói liệu điều đó sẽ kéo dài hay liệu đó có phải là dấu hiệu của sự thay đổi căn bản.” Một cuộc thăm dò từ Viện nghiên cứu tôn giáo công cộng phi lợi nhuận tuần trước cho thấy tỷ lệ người Công giáo da trắng giữ quan điểm thuận lợi về ông Trump đã giảm hai chữ số kể từ năm ngoái, 37% trong tuần cuối tháng 5 so với 49% trong năm 2019. Bà Imperatori-Lee nói sự kiểm nghiệm sẽ là liệu các linh mục có còn giảng về phân biệt chủng tộc trong sáu tháng tới. Và hơn thế nữa: "Tôi đoán chúng ta sẽ biết nếu điều này có tác động khi người Công giáo đi bầu cử vào tháng 11"./.



Nguyên bản tiếng Anh: 

Pope Francis' message to U.S. Catholics after the killing of George Floyd



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét