29 tháng 6 2020

Đài Tiếng nói Hoa kỳ sẽ cất tiếng giống như Trump


Dưới sự kiểm soát của tổng thống, các đài phát thanh do Hoa Kỳ tài trợ có thể biến thành một cỗ máy tuyên truyền của tổng thống.

Anne AppleBaum

The Atlantic

22/06/2020

Người dịch: Người Mỹ Gốc Việt


Trong tất cả vô số các quan chức, nhà ngoại giao, nhân viên quốc hội và chính trị gia của Washington - những người dành thời gian suy nghĩ về chính sách của Hoa Kỳ-Trung Cộng, có lẽ không ai thực sự kích động Trung Cộng hơn Libby Liu. Trong 14 năm, bà Liu là chủ tịch của Đài Á Châu Tự Do, một đài truyền hình độc lập nhưng được tài trợ bởi Quốc hội đã truyền bá tin tức và thông tin bằng tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Duy Ngô Nhĩ, tiếng Tây Tạng và gần một chục ngôn ngữ khác. RFA đã công bố trước tiên những tường trình về các trại tập trung của Trung Cộng được xây dựng để giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, thành viên của nhóm thiểu số Hồi giáo bị đàn áp ở Trung Quốc; RFA cũng đã báo cáo những câu chuyện về những người bất đồng chính kiến, những phụ nữ nạn nhân buôn người, tình trạng bất ổn ở Tây Tạng và nhiều chủ đề khác mà Bắc Kinh muốn bỏ qua.

Những câu chuyện này hiển nhiên làm tức giận nhiều chính phủ trong khu vực, khi họ cố hết sức để đảm bảo không ai hay biết. Trung Cộng ngăn chặn mạng tin tức RFA trực tuyến, gây nhiễu các chương trình phát sóng, và bắt giữ các nhà báo và cộng tác viên. Chính phủ Bắc Hàn và Việt Nam cũng cố gắng gây nhiễu và chặn các chương trình phát sóng và trang web RFA. Nhưng trong kỷ nguyên kỹ thuật số, có nhiều cách đi vòng để tránh những hạn chế này. Năm 2011, bà Liu và các đồng nghiệp của bà đã tạo ra Quỹ Công nghệ Mở (OTF), một chương trình thầm lặng nhưng cực kỳ hiệu quả, đã phát minh, phân phối và liên tục cập nhật công nghệ cho phép hàng triệu người đọc và nghe những nguồn thông tin mà chính phủ của họ tìm cách chặn, không chỉ ở Trung Quốc nhưng trên toàn thế giới. Hai phần ba thiết bị di động trên toàn thế giới sử dụng một số công nghệ tài trợ bởi OTF; hàng tỷ người có thể chia sẻ ý tưởng trong không gian an toàn tránh khỏi sự giám sát của chính phủ.

Lúc đầu, OTF chỉ là một chương trình thuộc Đài Á Châu Tự Do. Năm ngoái, với sự chấp thuận của Quốc hội và Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng, nó đã được tách ra thành một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, với sự tài trợ của chính phủ và với tham vọng làm việc với khu vực tư nhân. Bà Liu nói với tôi rằng các dịch vụ thông tin của RFA, cộng với các công cụ chống kiểm duyệt của bà, là “đầu nhọn của cây gậy. Chúng tôi tấn công Đảng Cộng sản Trung Cộng, nơi đau đớn nhất, ngay trong đất nước của họ.” Đại sứ quán Trung Cộng tại Washington được cho là đã gọi bà Liu - một người Mỹ gốc Hoa - là một kẻ phản bội huyết thống, và không có gì lạ: Rất ít người đã giúp rất nhiều công dân Trung Quốc đến thế nhìn thấy những lời dối trá của chính phủ.

Thông tin sai lệch của Trung Cộng đột nhiên là một chủ đề thời thượng ở Washington. Chỉ trong tháng này, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng Trung Cộng đang sử dụng “thông tin sai lệch và các cuộc tấn công mạng độc hại” để tạo ra mối bất hòa giữa Hoa Kỳ và Châu Âu. Trump - người có chiến lược tranh cử liên quan đến việc đổ lỗi cho Trung Cộng về đại dịch coronavirus - đã nói một cách đáng ngại rằng thông tin sai lệch của Trung Cộng “xuất phát từ  giới chóp bu.” Bà Liu, người đã làm việc về các vấn đề này trong gần hai thập niên, biết nhiều về việc truyền tin sai lệch và các chiến dịch mạng độc hại của Trung Cộng hơn hầu hết mọi người. Bà là một nguồn tài nguyên tuyệt vời cho bất kỳ chính quyền Hoa Kỳ nào; đây đáng lẽ là khoảnh khắc để bà bước ra dưới ánh mặt trời. Thay vào đó, vào thứ Tư tuần trước, bà đã bị sa thải. Chuyện đó cũng xảy đến cho các đồng nghiệp cao cấp của bà tại Đài Á châu Tự do (RFA), Đài Âu châu Tự do (RFE) / Đài Giải phóng (RL), Văn phòng Phát sóng Cuba (Radio Martí) và Mạng Phát sóng Trung Đông - những tổ chức đã cấu thành Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Hoa Kỳ (tên tắt USAGM).

Các nhà ngoại giao thường bực bội và lớn tiếng trước những ý tưởng quyến rũ của những nhà độc tài. Lực lượng quân sự không thể đánh bại ý thức hệ, nhưng các xã hội dân chủ thực sự không có nhiều công cụ mà họ có thể sử dụng để đẩy lùi một cách hiệu quả. Các cuộc biểu tình có thể bị bỏ qua. Phần lớn thời gian, các đối tượng của nhà độc tài không thể nghe thấy bạn. Ngay cả khi bạn có điều gì đó thuyết phục để nói, làm thế nào để bạn tiếp cận với người Trung Quốc, người Cuba hay người Nga? Làm thế nào để bạn có thể xuyên qua màn sương mù tuyên truyền của họ? Làm thế nào để bạn tránh dịch sai, hiểu lầm, hay phạm lỗi?

Trong thời Chiến tranh Lạnh, các nền dân chủ phương Tây đã tìm ra một cách: Họ bắt đầu sử dụng việc phát sóng quốc tế để thể hiện các giá trị của nền dân chủ. Điều đó có nghĩa là họ sẽ làm báo cáo thực sự và báo chí thực sự, chứ không như những lời tuyên truyền. Họ sẽ thực hiện các cuộc phỏng vấn thực sự, chứ không như những bài ca tụng nhà lãnh đạo. Trên hết, họ sẽ là người thay thế cho một nền báo chí tự do ở các quốc gia thiếu nó. Bởi vì các nhà báo của Đài phát thanh Châu Âu Tự do và Đài phát thanh Giải phóng (RFE/RL - cái thứ nhất phát sóng vào Đông Âu, cái thứ nhì vào Liên Xô cũ) đã mô tả chính xác cuộc sống hàng ngày ở Châu Âu cộng sản, bằng ngôn ngữ địa phương, sử dụng các nhà báo bản địa, hàng triệu người theo dõi họ.

Cuối cùng, một số nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng cho Đài tiếng nói Hoa Kỳ. VOA là một mạng lưới có trụ sở tại Hoa Kỳ ban đầu được tạo ra vào năm 1942 để cổ võ cho quân đội. Dẫu từ lâu được coi là một cánh tay của chính phủ Hoa Kỳ, nó ít thành công trong hoạt động truyền thông so với RFE/RL và Bộ phận thông tin Quốc tế BBC, vốn duy trì được danh tiếng về sự công bằng không đảng phái. Để cạnh tranh tốt hơn, vào những năm 1970, nó đã được trao nhiều độc lập hơn. Nhưng ngay từ đầu nó đã luôn được dự định, như tuyên bố sứ mệnh của nó vẫn nói rõ ràng, “để đại diện cho nước Mỹ, chứ không phải riêng bất kỳ một thành phần nào của xã hội Mỹ. VOA không bao giờ được dự trù là công cụ của một đảng chính trị, mà là để quảng bá nước Mỹ từ góc độ rộng lớn, phi đảng phái. Các chương trình thành công nhất của nó cho đến nay không có chính trị nào cả: chương trình “Giờ nhạc Jazz” của VOA có lúc có đến 30 triệu người nghe và cả một cộng đồng hâm mộ ở Liên Xô.

So với chi phí cho một kho vũ khí hạt nhân, những chiến thuật này là những thứ rẻ mạt - và có lẽ chúng đã làm suy yếu hệ tư tưởng cộng sản nhiều hơn so với tất cả quân đội Hoa Kỳ cộng lại. Theo thời gian, các đài truyền hình được Mỹ hậu thuẫn ở châu Âu và Nga đã xây dựng niềm tin giúp phá vỡ phép thuật của chủ nghĩa cộng sản và hạ bệ chế độ.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều người đã quên mất những công cụ này. Nhưng trong những thập niên 1990, 2000 và 2010, VOA và RFE/RL vẫn hoạt động; Đài Á Châu Tự Do, cùng với các đài chị em phát sóng vào Cuba và Trung Đông, đã được thêm vào nhóm. Họ tiếp tục làm cùng một công việc, sử dụng các nguyên tắc giống nhau, chỉ ở nhiều quốc gia hơn trước. Với ngân sách khá nhỏ, đôi khi trong điều kiện khó khăn, họ vẫn tiếp tục hoạt động với tư cách là những “người gánh thay,” ở những quốc gia không có báo chí, nơi báo chí nguy hiểm và chính phủ không minh bạch, đưa ra hàng trăm báo cáo bằng hàng chục ngôn ngữ. Thông qua họ, và nhờ họ, người dân một số nơi trên thế giới hiểu biết hơn về nước Mỹ, và đôi khi về cả  đất nước của họ nữa.

Tất cả các tổ chức này được tập hợp dưới Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Hoa Kỳ đã có những thăng trầm. Họ đã có những nhà lãnh đạo tốt hơn và tồi tệ hơn; đã có những tranh luận về việc nên có bao nhiêu chương trình “theo ý thích công chúng" và bao nhiêu tin tức “nghiêm túc" được lan truyền trên các kênh ngôn ngữ bản địa này. Đã có những giai đoạn có sự xuống tinh thần, có vấn đề nhân sự, hay vấn đề quản lý. Năm ngoái, Radio Martí - Đài Phát sóng vào Cuba, đã cho ra một số tài liệu bài Do Thái thuộc loại thuyết âm mưu về George Soros - một vụ khiến tám người đã bị sa thải. Các đời Nhà Trắng kế tiếp nhau đã cố gắng định hình các đài truyền hình theo nhiều cách khác nhau, và đôi khi cũng bị khó chịu bởi sản phẩm của mạng này hay mạng khác. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, không có chính quyền Hoa Kỳ nào thực sự cố tâm tiêu diệt các đài truyền hình quốc tế của Mỹ hay xóa bỏ sự độc lập của chúng. Nhưng bây giờ, cuối cùng, một việc như vậy đang xảy ra.

Tác giả của hành động này là Michael Pack: đồng nghiệp của Steve Bannon, nhà sản xuất một bộ phim tài liệu về Clarence Thomas, và một người rất thờ ơ với chủ đề phát sóng quốc tế mà một số người từng gặp ông nói với tôi rằng họ nghĩ ông không thực sự muốn công việc (Họ yêu cầu được giấu tên bởi vì họ vẫn làm việc với ông ta.) Chính quyền Trump đã đề cử ông ta làm Giám đốc điều hành của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu từ hai năm trước, nhưng việc đề cử của ông đã thất bại tại Thượng viện, chủ yếu vì các thượng nghị sĩ Cộng hòa không nhiệt tình; Một nhân viên quốc hội đã gặp Pack nói với tôi rằng ông ta dường như không biết gì, lại chẳng bận tâm cả việc “đọc một bài học nhập môn về cơ quan”. Khi được hỏi về những ưu tiên của ông ấy đối với các dịch vụ phát sóng phức tạp, ông ấy sẽ trả lời, theo một người đối thoại khác, với những cụm từ mơ hồ như “cho tôi chút thời gian” và “tôi cần suy nghĩ về nó.” Pack cũng đang bị điều tra hình sự vì cáo buộc chuyển tiền sai từ một tổ chức phi lợi nhuận sang công ty tư nhân của mình, một việc thường sẽ khiến Thượng viện ngừng việc xem xét. Nhưng vì những lý do vẫn chưa rõ ràng, cuối cùng Tổng thống Trump đã quan tâm đến việc đề cử của ông vào mùa xuân này, bắt đầu thực hiện các cú điện thoại và dựa vào ban lãnh đạo Thượng viện Cộng hòa thụ động để bỏ phiếu cho ông.

Pack cuối cùng đã được chuẩn thuận, trong một cuộc bỏ phiếu theo lằn ranh đảng phái, vào ngày 4 tháng Sáu. Một vài ngày sau đó, anh ta đã sắp xếp, với một cái chạm tay quái gở kiểu Orwell [tên tác giả các tiểu thuyết nổi tiếng như “Trại súc vật' và “1984” kể về các xã hội mị dân và độc tài], để lấy xuống một bức chân dung của người tiền nhiệm nổi tiếng của mình, John Lansing, người đã rời khỏi chức vụ vào mùa thu năm ngoái. Lời trích từ một bài phát biểu của Lansing đã được vẽ trên tường bên cạnh bức tranh - “Kể từ khi lập quốc, nền truyền thông và các nhà báo đã đứng canh c các quan chức tư nhân và công cộng để giữ cho họ có trách nhiệm” - cũng bị sơn phủ lên, khiến một số người tự hỏi liệu quan điểm đó cũng sẽ bị xóa. Sau đó, vào tối ngày 17 tháng 6, Pack đã sa thải những người đứng đầu của tất cả các mạng, cộng với nhiều nhân viên cấp cao, trong một loạt các email cộc lốc.

Tất cả mọi người, từ những người Cộng hòa ở Thượng viện đến nhân viên USAGM, đều ngạc nhiên. Một nhân viên vẫn đang làm việc đã mô tả cuộc thanh trừng này là “một việc chưa từng nghe tới” trong lịch sử của tổ chức này. Ngay cả trong những tình huống xấu nhất, anh ấy nói với tôi, không ai nghĩ rằng người đứng đầu của tất cả các mạng sẽ bị cách chức. Một số trong những người bị sa thải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Đảng Cộng hòa. Jamie Fly, cựu giám đốc của RFE/RL, là cựu phụ tá của Thượng nghị sĩ Marco Rubio; Alberto Fernandez, cựu giám đốc của Mạng lưới Phát sóng Trung Đông, là một cựu viên chức chuyên nghiệp Bộ Ngoại vốn từng được các nhà bình luận cánh hữu khen ngợi.

Những người khác có thể là đảng Dân chủ, nhưng không ai mang tính đảng phái. Amanda Bennett, cựu giám đốc của VOA - là cựu tổng biên tập của tờ The Philadelphia Inquirer và là một nhà báo đoạt giải Pulitzer - đã đoán được chuyện gì đang đến, nên bà đã từ chức ngay trước khi Pack bước vào. Steve Capus, cựu chủ tịch của NBC News, người đang làm cố vấn cao cấp, cũng được yêu cầu rời khỏi tòa nhà; Steven Springer, người đứng đầu bộ phận tiêu chuẩn báo chí, đã bị loại khỏi công việc của mình và được giao một vai trò cố vấn tạm thời cho dàn quản lý mới. Cả Capus và Springer đều dính tới việc xử lý các vấn đề với Radio Martí [đề cập ở trên]. Bà Liu đã tuyên bố ý định từ chức Giám đốc điều hành của [tổ chức] Quỹ Công nghệ Mở (OTF), chờ đợi người thay thế, nhưng bà cũng bị sa thải, luôn cả Chủ tịch của tổ chức này.

Một điều cũng chưa từng có là các quyết định của Pack, đóng băng tất cả các chi tiêu và thay thế tất cả các tổ chức hội đồng quản trị lưỡng đảng với sáu người, bao gồm chính ông, người dường như đã được chọn không vì lý do khả chấp nào ngoài sự thuần khiết về ý thức hệ. Trong số các ủy viên chính trị mới tạo ra này có Rachel Semmel, người đã sử dụng vị trí phát ngôn viên của Văn phòng Quản lý và Ngân sách để đưa ra những câu trả lời gay gắt cho các câu hỏi về quyết định gây tranh cãi của Trump về việc cầm giữ viện trợ quân sự cho Ukraine; bà Bethany Kozma, người đã đưa hoạt động chống phá thai của mình vô chương trình USAID; và Jonathan Alexandre, cố vấn cao cấp của Liberty Counsel, một tổ chức chuyên về tự do tôn giáo, đã từng đe dọa có hành động pháp lý chống lại một thư viện ở Jacksonville, Florida, vì đã tổ chức một sự kiện Harry Potter, với lý do việc đó cấu thành sự quảng cáo cho phù thủy.

Không ai trong số những thành viên hội đồng mới này có bất kỳ căn bản nào trong việc truyền thông quốc tế. Không ai trong số họ đã làm việc ở bất kỳ đâu trong các khu vực địa lý có liên quan nhất (Nga, Trung Cộng, Bắc Triều Tiên, Cuba, Venezuela, Trung Đông) hoặc trong thế giới của công nghệ chống kiểm duyệt. Tôi đã hỏi người phát ngôn của ban lãnh đạo Cơ quan Truyền thông Toàn cầu mới về họ - anh ấy không chịu cho ghi lại - và tất cả những gì anh ấy nói để bảo vệ họ là rằng họ là “lâm thời.” Anh từ chối cho biết liệu tổ chức này có ý định tạo ra các hội đồng lưỡng đảng trong tương lai hay không.

Làm thế nào một tổ chức cực kỳ quan trọng, được tài trợ hàng triệu đô la bởi chính phủ Hoa Kỳ, có thể bị chiếm đoạt bởi phe cực đoan và nặng ý thức hệ nhất của một đảng chính trị riêng lẻ? Ở đây câu chuyện trở nên tồi tệ hơn, vì nó dường như đã xảy ra trong một tình trạng lơ đãng của quốc hội. Một số người trong Quốc hội và quanh Washington thực ra đã nói chuyện trong một thời gian dài về việc giải tán hội đồng quản trị lưỡng đảng và trao cho USAGM một CEO thích hợp, nhưng nhiều người muốn có một số rào chắn được tạo để đảm bảo hơn nữa tính chất lưỡng đảng đã có. Nghị sĩ Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ở thời điểm đó, đã chèn phiên bản luật của ông  - không có gì ngoài một “ban cố vấn” thiếu thực quyền để giám sát Giám đốc điều hành - vào Dự luật ủy quyền Ngân sách Quốc phòng cho năm 2017. , Tôi được kể rằng khi những người khác nhận ra thì đã quá muộn để có thể phân rã toàn bộ Dự luật. Khi Tổng thống Barack Obama ký ban hành luật vào tháng 12 năm 2016, ông đã bày tỏ quan ngại về tính hợp hiến của điều khoản cụ thể này. Về lý thuyết, các quy tắc mới có thể được viết để kiềm chế ông Pack; trong thực tế, với rất nhiều thứ khác đang diễn ra, điều này sẽ khó xảy ra.

Như vậy, Hoa Kỳ đã lấy những công cụ mạnh mẽ nhất cho chính sách đối ngoại của mình - công nghệ giúp người dân ở các quốc gia đàn áp có thể truy cập internet; các chương trình video và âm thanh rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch; những nhà báo đáng tin cậy đang đưa tin thật đến mọi người trong các xã hội khép kín - và ngớ ngẩn trao cho một nhóm người không hiểu chúng, hoặc thậm chí có thể có ý định lạm dụng chúng. Phương pháp tiếp quản một tổ chức độc lập này - sa thải tất cả các lãnh đạo cấp cao của nó, loại bỏ các chuyên gia, đưa vào hệ tư tưởng nghiêng ngả - vốn nổi tiếng ở nhiều quốc gia nơi RFE/RL và RFA hoạt động bao lâu nay. Robert Menendez, một Thượng nghị sĩ Dân chủ có vai vế trong Ủy ban Đối ngoại và là người phản đối việc chuẩn thuận cho Pack, nói với tôi rằng, “thúc đẩy một mục đích ngầm có tính chính trị hoặc đảng phái thông qua cơ cấu điều hành của các nhân sự nặng tính đảng phái có nguy cơ khiến USAGM sẽ không hơn gì các phương tiện truyền thông nhà nước tại các quốc gia mà nó hoạt động.” Tôi từng theo dõi một nhóm những kẻ cực đoan đã phá hủy phương tiện truyền thông nhà nước Ba Lan vào năm 2015, và tôi rất tiếc phải nói rằng không có sự khác biệt nào cả.

Đây là một câu chuyện kỳ ​​lạ, và đây là phần kỳ lạ nhất của nó: Không ai biết chính xác tại sao điều này lại xảy ra. Ngôn ngữ Pack thì nhạt nhẽo. Ông đã đưa ra một thông cáo báo chí nói về “việc quay trở lại với một viễn tưởng mà không may một số người đã quên,” điều mà khó để biện minh cho việc sa thải quá nhiều nhân viên, đặc biệt là những người có thành tích mạnh mẽ gần đây và có quan tâm đến việc bảo vệ các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ; nó mượn lời của Hillary Clinton phàn nàn về cơ quan này bảy năm trước, vào năm 2013, như thể không có gì thay đổi kể từ đó. Một cách ma quái, nó cũng tuyên bố rằng sự xuất hiện của Pack đã được đáp ứng với một “đón nhận cực kỳ tích cực của các nhân viên và người thụ hưởng [các chương trình]", một phiên bản không thể là sự thật. Tôi đã nói chuyện với một số nhân viên hiện tại và cựu nhân viên tại cơ quan - tất cả lại muốn ẩn danh vì sợ bị trả thù - một ngườicho rằng dù không ngạc nhiên khi có một số nhân viên thích thú ban quản lý mới, kể cả một số người đang hy vọng được thăng chức, họ tin Pack không thể nhận được sự đón nhận tràn ngập dưới bất kỳ hình thức nào: dịch coronavirus có nghĩa là nhân viên không có mặt ở chỗ làm việc, và trong mọi trường hợp, tất cả đều được hướng dẫn không liên lạc trực tiếp với Pack, và địa chỉ email của ông cũng chưa được cung cấp cho họ. Một người chỉ đơn giản trả lời một truy vấn về thông cáo báo chí đó bằng một tin nhắn ngắn ngủi: “Tin tức giả.” Một người khác nói rằng nó gợi nhớ về kiểu tuyên bố được đưa ra bởi chính phủ Bắc Triều Tiên.

Mỗi người mà tôi phỏng vấn dường như cũng có một giả thuyết khác nhau về các kế hoạch thực sự của Pack. Hầu hết nghĩ rằng mục tiêu hoàn toàn là ý thức hệ. Có lẽ Trump, hoặc nhiều khả năng là ai đó xung quanh ông ấy - có thể Bannon? có thể Stephen Miller? -  muốn cùng nhau bỏ rơi quan niệm “báo chí khách quan,” và hoàn toàn khiến các nhóm truyền thông hành xử giống như những người đồng nghiệp theo chủ nghĩa dân tộc, độc đoán của họ ở Nga và Trung Cộng. Bản thân Bannon đã ngụ ý rằng anh ta sẽ tham gia. “Chúng tôi đang xử lý rất cứng rắn,” ông ấy nói với Vox. “Pack đến đó để dọn dẹp nhà cửa.” (Lưu ý việc sử dụng từ “chúng tôi”.) Có lẽ ý tưởng là buộc các nhóm truyền thông do Mỹ tài trợ  này bắt đầu thực hiện nhiều “thông điệp" và ít báo chí hơn, để nói về sự vĩ đại của nước Mỹ và sự tồi tệ của Trung Cộng thay vì trình bày các bài báo tinh tế về Chính trị Hoa Kỳ và thế giới. Nó không phải là một công thức cho sự thành công, nhưng cho một tập thể ủng hộ nó đang hiện diện tại Washington, tại Quỹ Di sản, [một Viện nghiên cứu có tính bảo thủ] và các nơi khác. Tất nhiên, ý định có thể còn cực đoan hơn: làm lại các mạng dọc theo mô hình kiểu mạng tin Breitbart, một nhóm hữu khuynh bảo thủ, thúc đẩy tư tưởng bài ngoại “America First”. Có lẽ họ muốn Radio Martí sản xuất tài liệu chống Do Thái về George Soros. Điều đó sẽ giảm thiểu lượng khán thính giả nước ngoài khá nhanh, nhưng có lẽ Nhà Trắng không quan tâm.

Hoặc có thể ý tưởng là giúp Trump về chính trị trong nước. Điều này sẽ là bất hợp pháp: Một đạo luật của Quốc hội được thông qua vào năm 1948 rõ ràng cấm các dịch vụ thông tin nước ngoài do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ để thực hiện các chương trình nhắm vào đối tượng trong nước. Nhưng tính nghiêm ngặt của đạo luật đã được nới lỏng hồi 2013 và rất khó để thực thi: Trong thời đại kỹ thuật số, không thể ngăn độc giả trong nước đọc tài liệu do VOA đưa ra trên mạng trực tuyến. Khi ông ngày càng ít say mê Fox News, Trump có thể muốn một cái gì đó mà ông có thể kiểm soát hoàn toàn. Nếu Pack có thể sản xuất cái gì hơi tựa “Trump TV,” thì Tổng thống cuối cùng sẽ có một phương tiện truyền thông nhà nước thực sự theo lệnh của mình và không còn cần phải dựa vào Rupert Murdoch [, ông trùm truyền thông, chủ của Fox News và nhiều mạng khác].

Vì đây là thời đại của Trump, một số người cũng nghĩ rằng nhiều nhóm lợi ích tài chính khác nhau có dính dáng. Một số nhóm ở Washington từ lâu đã để mắt đến Quỹ Công nghệ Mở, vận động hành lang mạnh mẽ để nó tài trợ cho các công cụ mà Liu đã nói là không hiệu quả hoặc không phù hợp. Một số người nghĩ rằng Royce, người đã cố gắng loại bỏ hội đồng quản trị lưỡng đảng, đã làm việc đó cho một nhà tài trợ có mưu đồ về tài chính trên các mạng truyền thông này.

Một số có giả thuyết đen tối hơn, có vẻ thuyết âm mưu hơn. Cuộc đảo chính của Pack đang gây tổn hại rất đáng kể nỗ lực chung nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch của Trung Cộng và Nga của chính phủ Hoa Kỳ, đến nỗi một số người tự hỏi liệu đó có phải là vấn đề không. “Có lẽ họ không muốn chống lại thông tin sai lệch của Nga,” một nhân viên của phỏng đoán. Có lẽ các chương trình được ông Jamie Fly thực hiện ở Nga hơi bị quá tốt. Có lẽ công nghệ của bà Liu đã giúp quá nhiều người xem được các chương trình. Chúng ta biết Trump nói chuyện với Putin thường xuyên hơn chúng ta nghe nhắc tới - có lẽ chủ đề này đã được đề cập? Trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình, Trump đã sử dụng tự do các khẩu hiệu do Nga tạo ra và các câu chuyện sai lệch, vì vậy có lẽ ông không bị phiền lòng bởi chúng. Chúng ta cũng biết, nhờ cuốn sách của John Bolton, rằng mối quan hệ của tổng thống với ông Tập Cận Bình ít đối nghịch hơn so với Trump giả vờ. Rốt cuộc, bất cứ ai sa thải Libby Liu, có thể trong thâm tâm chỉ vì lợi ích của Trung Cộng.

Dù lý do thực sự là gì, thiệt hại có thể sâu, rộng và lâu dài. Trong một thế giới nơi sóng vô tuyến tràn ngập thông tin sai lệch của các nền độc tài, hiệu quả của các thông điệp của Hoa Kỳ phụ thuộc vào độ tin cậy và sự độc lập của những người trao thông điệp, theo nhận thức của độc giả. Bất cứ điều gì giống với “Trump TV” hay thậm chí chỉ là tuyên truyền kiểu cũ sẽ thiếu cả hai điều đó. Các đài truyền hình quốc tế của Mỹ là một phần quan trọng của khuôn mặt chúng tôi trình bày với thế giới. Nhờ sơ suất của quốc hội, ác ý của tổng thống và sự thờ ơ nói chung, khuôn mặt đó đã vừa trở nên xấu hơn./.


Nguyên bản tiếng Anh:

The Voice Of America will sound like Trump


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét