08 tháng 8 2020

Dịch vụ Bưu điện thay đổi lãnh đạo khi Đảng Dân chủ yêu cầu điều tra việc giao thư chậm trễ


Các nhà lập pháp muốn tổng thanh tra kiểm tra các biện pháp cắt giảm chi phí và các đầu tư của cá nhân Tổng giám đốc Bưu điện Louis DeJoy.

Jacob Bogage, Washington Post

 07/08/2020


Tổng Giám đốc Bưu điện Louis DeJoy đã công bố một cuộc tái sắp xếp toàn diện đối với dịch vụ thư tín của quốc gia, thay thế hai giám đốc điều hành hàng đầu đang giám sát các hoạt động hàng ngày, theo một bản ghi nhớ tái tổ chức được công bố hôm thứ Sáu. Sự xáo trộn xảy ra khi các nghị viên Dân chủ ở Quốc hội kêu gọi điều tra DeJoy và các biện pháp cắt giảm chi phí đã làm chậm quá trình phân phát thư và làm ách tắc các phiếu bầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ gần đây.

Sơ đồ tổ chức mới cho thấy 23 giám đốc điều hành bưu điện đã bị thuyên chuyển hoặc bị thay thế. Các nhà phân tích cho rằng cấu trúc này tập trung quyền lực xung quanh DeJoy, một cựu giám đốc điều hành cung ứng và là một đồng minh chính yếu của Tổng thống Trump, và xoá nhoà nhiều thập niên kiến ​​thức về ngành bưu chính. Bên cạnh đó, có 33 viên chức trong cấu trúc tổ chức cũ hoặc giữ được vị trí của họ hoặc được phân công lại trong quá trình tái cơ cấu, với 5 nhân viên mới tham gia vào dàn lãnh đạo từ các vai trò khác.

Việc cải tổ lại có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các quan chức bưu điện và các nhà lập pháp, những người đang quan ngại về sự chậm trễ trong việc giao thư  - Dịch vụ Bưu điện cấm nhân viên làm việc ngoài giờ và thực hiện thêm các chuyến đi phụ để chuyển thư - và cảnh giác về ảnh hưởng của chính quyền Trump đối với Dịch vụ Bưu điện trong khu đại dịch coronavirus đang hoành hành và cuộc bầu cử vào tháng 11 sắp đến gần.

Nó cũng đắp thêm một lớp nữa cho các tranh chấp của DeJoy với các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ, những người đã thúc đẩy ông hủy bỏ các chỉ thị cắt giảm chi phí đã gây ra tình trạng tồn đọng kéo dài nhiều ngày và ổn định lại ngành Bưu điện trong thời gian sắp tới cuộc bầu cử. DeJoy đã đụng độ với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ, California) Và Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Charles E. Schumer (Dân Chủ, New York) trong một cuộc họp về vấn đề này hồi đầu tuần.

Dân biểu Gerald E. Connolly (Dân chủ, Virginia), Chủ tịch tiểu ban Hạ viện chịu trách nhiệm giám sát bưu chính, đã gọi việc tái tổ chức là “một sự phá hoại có chủ ý” đối với dịch vụ thư tín của quốc gia và là một “Con ngựa thành Troy”.

Ông David E. Williams, trước đây là giám đốc điều hành và phó chủ tịch điều hành, sẽ đảm nhận vai trò giám đốc vận hành về cung ứng và xử lý, một vị trí mới cho cố vấn đáng tin cậy của cựu Tổng giám đốc Bưu điện Megan Brennan và các thành viên trong ban điều hành của cơ quan.

Sơ đồ tổ chức mới cũng cho Williams chức danh “phó chủ tịch điều hành”, mặc dù vai trò đó không được đưa vào thông báo tái cấu trúc nội bộ mà The Washington Post thu được. Ông Kevin L. McAdams, phó chủ tịch điều hành phụ trách phân phối và bán lẻ của Bưu điện, đồng thời là một nhân viên bưu điện kỳ cựu trong 40 năm, không có tên trong sơ đồ.

Không rõ tác động của tất cả các thay đổi sẽ như thế nào. DeJoy đã viết trong một bản ghi nhớ nội bộ cho các nhân viên mà The Post nhận được rằng cấu trúc mới sẽ tạo ra “các ranh giới rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm”, nhưng những người khác lại hoài nghi hơn. Bưu điện Hoa kỳ đã công bố công khai  mô tả ngắn hơn về những thay đổi không bao gồm nhận định của DeJoy dành cho nhân viên bưu điện. Cơ quan này từ chối bình luận thêm về những thay đổi nhân sự.

“Một trong những điều khiến nhiều người gãi đầu là cách tái sắp xếp một số trong những người này. Chúng tôi không chắc ông ấy đã đặt đúng người đúng việc, nhưng có thể ông ấy nhìn thấy điều gì đó mà chúng tôi không thấy chăng”, một người có kiến ​​thức sâu sắc về đội ngũ lãnh đạo cho biết trong điều kiện giấu tên để đưa ra đánh giá thẳng thắn. “Tất cả chúng ta sẽ chờ xem và hy vọng ông ấy đã làm những điều đúng đắn, nhưng ai biết được? Có vẻ như hầu hết những người mà chúng tôi đã làm việc cùng nhiều năm vẫn ở đó, chỉ bị di chuyển lòng vòng.”

Theo thông báo tái sắp xếp, Bộ Bưu điện sẽ   tạm ngưng tuyển dụng và sẽ đề nghị cho nhân viên tự nguyện nghỉ hưu sớm. Nó cũng sẽ sắp xếp lại thành ba “đơn vị vận hành” - bán lẻ và phân phát, cung ứng và xử lý, thương mại và các giải pháp kinh doanh - và giảm quy mô từ bảy khu vực xuống còn bốn.

Cơ cấu mới sẽ thay thế các giám đốc bưu chính có nhiều thập niên kinh nghiệm, chuyển một số sang các vị trí mới và những người khác hoàn toàn rời khỏi vai trò lãnh đạo, bao gồm McAdams, Williams và giám đốc thương mại và giải pháp kinh doanh Jacqueline Krage Strako, người trước đây từng giữ chức danh phó chủ tịch điều hành và tổng giám đốc về tiếp thị và quan hệ khách hàng.

“Như tôi đã nói trong nhận định qua video được phát hành vào ngày đầu tiên của tôi, ‘Tôi là người quyết đoán, và… khi tôi thấy vấn đề, tôi sẽ nỗ lực giải quyết chúng.’ Ngay từ đầu, tôi đã kết luận rằng cơ cấu tổ chức của chúng ta là một vấn đề cần giải quyết.” DeJoy đã viết trong bản ghi nhớ của mình cho các nhân viên. “Tôi đã quyết định rằng chúng ta cần tái thiết kế tổ chức để tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh cốt lõi của hoạt động kinh doanh của chúng ta và để chúng ta có cơ hội thành công tốt hơn trong tương lai.”

Nhưng những thay đổi này khiến các nhà phân tích bưu chính lo lắng, họ nói rằng giọng điệu trong 8 tuần đầu tiên của DeJoy và quá trình tái cơ cấu của ông ấy đã khiến dịch vụ thư tín của quốc gia trở thành một ngành của chính phủ hoạt động vì lợi nhuận, thay vì một dịch vụ thiết yếu.

“Ông ấy luôn gọi USPS là ‘doanh nghiệp của chúng tôi.’ Nhưng ông ấy được bổ nhiệm làm tổng giám đốc bưu điện. Chứ không phải một doanh nghiệp,” ông Philip Rubio, một giáo sư lịch sử tại Đại học Tiểu bang North Carolina A&T và một cựu nhân viên bưu điện cho biết. “Ông ấy không có trách nhiệm với các cổ đông. Anh ấy phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và Quốc hội Mỹ. "

Trước đó vào thứ Sáu, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã yêu cầu một cuộc điều tra về các sáng kiến ​​cắt giảm chi phí của DeJoy, mà các nhân viên bưu điện đổ lỗi cho việc giao hàng chậm trễ.

Một lá thư được ký bởi Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân chủ, Massachusetts), Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Carolyn B. Maloney (Dân chủ, New York) và bảy thành viên Đảng Dân chủ khác, bao gồm cả Connolly, thúc giục Tổng thanh tra Bưu điện Tammy L. Whitcomb kiểm tra cách thức của DeJoy đã thực hiện các chính sách cấm nhân viên bưu điện làm thêm giờ hoặc làm thêm các chuyến đi để chuyển thư đúng giờ, và sự chậm trễ đó ảnh hưởng cụ thể đến việc bầu cử bằng thư như thế nào.

Bức thư nêu rõ, “Trước những lo ngại liên tục về tác động tiêu cực của các chính sách của Chính quyền Trump đối với chất lượng và hiệu quả của Dịch vụ Bưu điện, chúng tôi yêu cầu ông tiến hành kiểm tra tất cả các thay đổi hoạt động do ông DeJoy và các quan chức khác của Chính quyền Trump đưa ra vào năm 2020.”

Nó cũng yêu cầu ông Whitcomb xem xét tài chính của DeJoy và vợ ông, bà Aldona Wos, ứng cử viên chức vụ đại sứ tại Canada. Theo một bản công khai tài chính mà Wos đã nộp cho Văn phòng Đạo đức Chính phủ khi bà được đề cử, tài sản của cặp đôi này bao gồm tài sản từ 30,1 triệu USD đến 75,3 triệu USD. Nhà thầu xử lý thư của Dịch vụ Bưu điện XPO Logistics - đã mua lại công ty New Breed Logistics của DeJoy vào năm 2014 - đại diện cho phần lớn các khoản nắm giữ đó. Tổng cổ phần của họ trong các đối thủ cạnh tranh là UPS và công ty vận tải đường bộ J.B. Hunt là khoảng 265.000 USD.

DeJoy có 30 ngày kể từ khi tiếp quản cơ quan để công khai bất kỳ tài sản nào có xung đột lợi ích, theo Dịch vụ Bưu điện cho biết. DeJoy trong một tuyên bố cho biết ông ấy đã “làm những gì cần thiết để đảm bảo rằng tôi đang và sẽ tuân thủ các nghĩa vụ đó”.

“Chúng tôi hoan nghênh Tổng thanh tra xem xét các bước chúng tôi đang thực hiện để làm cho Dịch vụ Bưu điện hiệu quả hơn,” phát ngôn viên của Bưu điện David Partenheimer nói. "Bà ấy sẽ thấy rằng phần lớn những gì chúng tôi đang làm được thiết kế để giải quyết các khuyến nghị mà văn phòng của bà đã đưa ra trong những năm gần đây."

Agapi Doulaveris, người phát ngôn của Văn phòng Tổng Thanh tra, cho biết bộ đã nhận được bức thư, nhưng không thể bình luận về công việc đang diễn ra.

“Tôi hoàn toàn hy vọng tổng thanh tra sẽ xem xét lý do tại sao thư từ bị chậm trễ, bởi vì điều đó là quá đáng,” giáo sư Rubio nói. “Đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch và khi nước Mỹ sắp bầu cử, đây là thời điểm tồi tệ nhất để thay đổi chính sách.”

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Charles E. Schumer (Dân chủ, New York) trả lời những chỉ trích của Đảng Cộng hòa về nỗ lực mở rộng bầu cử qua thư và các cuộc đàm phán cứu trợ coronavirus
vào ngày 7 tháng 8 (The Washington Post)

Ông DeJoy đã gặp Pelosi, Schumer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hôm thứ Tư để thảo luận về các thủ tục xử lý thư mới và tình hình tài chính khó khăn của Dịch vụ Bưu điện. Cơ quan này dự kiến ​​sẽ hết tiền từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2021, mặc dù nó vừa tiếp cận khoản vay trị giá 10 tỷ đô la vừa được Bộ Ngân khố chuẩn chi vào tuần trước trong một gói cứu trợ coronavirus sớm.

Trong cuộc họp hàng quý của hội đồng quản trị của Bộ Bưu điện vào thứ Sáu, DeJoy cho biết ông đã thương lượng các điều khoản cho vay với Mnuchin. Khi tiếp cận khoản vay, Dịch vụ Bưu điện, với các hạn chế về bảo mật, sẽ giao nộp các hợp đồng độc quyền cho 10 thỏa thuận dịch vụ lớn nhất của mình với các công ty giao chuyển hàng tư nhân. Các doanh nghiệp đó sử dụng dịch vụ bưu điện để thực hiện việc giao chuyển của họ trên “chặng cuối” từ các trung tâm phân phối đến nhà của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp.

Mnuchin đã từng tìm cách kiểm soát hoạt động sâu rộng của Dịch vụ Bưu điện trong các điều khoản cho vay trước đó, bao gồm các điều khoản cho phép chính quyền Trump phê duyệt các quyết định về nhân sự bưu chính cấp cao, hợp đồng dịch vụ với các chủ hàng bên thứ ba, chiến lược đàm phán thương lượng tập thể và giá gói hàng cao.

Vào tháng 4, ngay sau khi Quốc hội chấp thuận khoản vay, Trump đã gọi Bưu điện là "một trò đùa" và nói rằng ông sẽ không phê duyệt bất kỳ khoản tài trợ khẩn cấp nào trừ khi Dịch vụ Bưu điện tăng gấp bốn lần giá chuyển phát các gói hàng, một động thái mà các nhà phân tích cho biết sẽ nhanh chóng phá sản cơ quan bằng cách đuổi khách hàng đi qua các đối thủ cạnh tranh trong khu vực tư nhân.

Tại cuộc họp Ban Quản trị hôm thứ Sáu, ông DeJoy nói rằng mặc dù ông ấy có “mối quan hệ tốt” với Trump - ông ấy đã quyên góp hơn 2 triệu đô la cho chiến dịch Trump hoặc các hoạt động của Đảng Cộng hòa kể từ năm 2016 và chủ trì ủy ban tài chính cho đại hội GOP 2020 - ông không hề nhận chỉ đạo từ Trump về các vấn đề bưu điện.

Ông nói, “Mặc dù tôi chắc chắn có mối quan hệ tốt với Tổng thống Hoa Kỳ, nhưng quan điểm rằng tôi sẽ đưa ra các quyết định liên quan đến Dịch vụ Bưu điện theo chỉ đạo của Tổng thống, hoặc bất kỳ ai khác trong chính quyền, là hoàn toàn không có cơ sở. Tôi phục vụ theo ý của các vị  Quản trị Bưu điện, một nhóm lưỡng đảng theo luật và nhóm đó sẽ đánh giá hiệu suất của tôi theo cách thức phi đảng phái.”

Tài trợ coronavirus cho Dịch vụ Bưu chính - và yêu cầu của Schumer và Pelosi buộc DeJoy thu hồi các chính sách cắt giảm chi phí - nổi lên như một điểm mấu chốt giữa Đảng Dân chủ và Nhà Trắng trong các cuộc đàm phán về gói cứu trợ "Giai đoạn IV". Hạ viện đã thông qua một gói với 25 tỷ đô la cho Dịch vụ Bưu điện mà không cần phải hoàn trả để thay thế khoản vay  Ngân khố. Chính quyền Trump đã phản đối bất kỳ viện trợ trực tiếp nào cho Dịch vụ Bưu điện./.



Nguyên bản tiếng Anh: https://www.washingtonpost.com/business/2020/08/07/postal-service-investigation-dejoy/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét