05 tháng 8 2020

Thoả thuận giữa Facebook và Donald Trump?


Mark Zuckerberg đã tạo ra một liên minh không dễ chịu với chính quyền Trump. Anh ta có thể đã đến quá gần.


Ben Smith
, Washington Post

30/06/2020

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt


Ngày 20 tháng 11 năm ngoái, NBC News đã đưa tin rằng Mark Zuckerberg, Donald Trump và Peter Thiel - một thành viên hội đồng quản trị của Facebook - đã ăn tối cùng nhau tại Nhà Trắng vào tháng trước. “Không ai rõ tại sao cuộc họp đã không được công khai và Trump, Zuckerberg và Thiel đã thảo luận chuyện gì,”  bài báo cho biết.

Chỉ có vậy. Không có gì khác hơn được đề cập kể từ đó. Chẳng biết thêm về ngày giờ, ai sắp xếp thực đơn, địa điểm, chỗ ngồi, danh sách khách mời. Chẳng ai biết liệu có thỏa thuận gì đã được thực hiện giữa hai người trong số những đàn ông quyền lực nhất thế giới. Vòng xoáy thông tin tiếp tục xoay, và bữa ăn tối trở thành một trong những bí ẩn của các quyền lực Mỹ chưa được làm rõ.

Nhưng tôi có dò la được một số chi tiết trong tuần qua từ các quan chức Nhà Trắng cùng với các nhân viên cấp cao hiện tại và trước đây của Facebook và những người mà họ nói chuyện. Hầu hết cho biết họ sẽ chỉ nói chuyện với điều kiện giấu tên, vì công ty không muốn gây chú ý đến mối quan hệ của Zuckerberg với tổng thống.

Các câu chuyện của họ đã vẽ một bức tranh về một cuộc tụ tập bất thường - một cái gì đó ở giữa một bữa quốc tiệc quan trọng giữa các nhà lãnh đạo của các quyền lực không dễ liên minh và buổi dạ tiệc diễn tập vụng về trước một cuộc hôn nhân đang khiến cả hai họ bối rối.

Con rể của Trump, Jared Kushner, đã tổ chức vội bữa dạ tiệc vào ngày 22 tháng 10   khi chợt hay Zuckerberg, người sáng lập Facebook và vợ, bà Priscilla Chan, sẽ tới Washington để điều trần về tiền tệ ảo tại Quốc hội, theo một người biết việc tổ chức cho biết. Người này nói buổi dạ tiệc diễn ra trong Phòng Xanh ở tầng trệt của Nhà Trắng. Danh sách khách dự bao gồm ông Thiel, một người ủng hộ Trump và chồng ông ấy, ông Matt Danzeisen; bà Melania Trump;  Kushner; và Ivanka Trump. Tổng thống - theo một người đã chuyện trò với Zuckerberg - đã nói nhiều nhất trong buổi đó. Bầu không khí vui vẻ, theo lời một người biết chuyện khác. Trump thích các tỷ phú và thích những người có ích cho ông, và Zuckerberg đang có cả hai điểm này.

Nhưng bao trùm bữa tiệc riêng này là một câu hỏi: Có phải Trump và  Zuckerberg đã đạt được một số thỏa hiệp? Zuckerberg cần, và dường như đang nhận được, sự tránh khỏi những dòng tweet giận dữ từ tổng thống và các mối đe dọa nghiêm trọng bởi các vụ kiện và quy định mà các công ty công nghệ lớn khác phải đối mặt. Trump cần quyền truy cập vào hệ thống quảng cáo Facebook và sức mạnh lan truyền của nó.

Cả hai người đàn ông đang có được những gì họ muốn, và thật đáng hỏi liệu đây chỉ là sự liên kết lợi ích hay một cái gì đó nữa.

“Tôi tin rằng họ có một thỏa thuận,” ông Roger McNamee - một nhà đầu tư ban đầu của Facebook và hiện là một nhà phê bình gay gắt - đã cho biết và ông nói thêm rằng “đó có lẽ là hiểu ngầm hơn là cụ thể.”

Roger McNamee, một nhà đầu tư mạo hiểm từng là nhà đầu tư ban đầu của Facebook và hiện là một nhà phê bình gay gắt.

Ông nói: "Thỏa thuận của Mark với Trump là rất tiện lợi. Về cơ bản, Facebook được tự tung tự tác và khỏi bị ràng buộc bởi các quy chế. Trump cần sự thiên vị của Facebook để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này.”

Ông Jesse Lehrich, người đồng sáng lập nhóm Công nghệ Có trách nhiệm, một nhóm phi lợi nhuận đã thúc đẩy Facebook thắt chặt kiểm soát mạng xã hội của mình, cho rằng hai người có một hiệp ước ngầm không lấn sân. “Ông Trump có thể tỏ vẻ nổi giận với các đại công ty trong nhóm Đại Công nghệ và Mark có thể cứ tuyên bố anh ta rất ghê tởm các bài đăng của Trump, nhưng vào cuối ngày, sự nguyên trạng sẽ phục vụ lợi ích của cả hai.

Các nhân viên Facebook và viên chức chính quyền chế giễu quan niệm rằng có một loại hiệp ước bí mật. Và thật khó để tưởng tượng rằng bất kỳ ai - chắc chắn không phải Zuckerberg - sẽ đủ ngu ngốc để thực hiện một thỏa thuận bí mật với một tổng thống nổi tiếng về chuyện không giữ bí mật cũng chả giữ giao kèo.

Ông Trump và Zuckerberg từng gặp nhau một lần trước bữa dạ tiệc, tại cuộc gặp gỡ ở Phòng Bầu dục vào tháng 9 năm ngoái. Sau đó, tổng thống đã khoe khoang lượng người theo dõi khổng lồ của mình trên mạng Facebook. Nhưng tháng 10 là một tháng chính trị nóng bỏng tại Facebook:  Zuckerberg đang trong một cuộc chiến công khai với một ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người đang đe dọa sẽ xé nhỏ Facebook và là người mà anh ta gọi là “mối đe dọa đến sự tồn tại” của công ty. Vào buổi sáng trước dạ tiệc, một quan chức hàng đầu của Anh quốc đã yêu cầu câu trả lời về lý do tại sao Facebook dung thứ cho quảng cáo chính trị sai lệch.

Theo một giám đốc điều hành của Facebook cho biết, Zuckerberg dường như coi Trump là một người bạn ngang hàng. Ngược lại, tại một trong các cuộc họp vào thứ Hai thường lệ hồi tháng Ba, anh nói với các trợ lý hàng đầu rằng Kushner thường xuyên gọi điện cho anh để được giúp đỡ về ứng phó của chính quyền trước dịch coronavirus mà ông ta không thể đáp ứng kịp, hai người biết về cuộc họp cho hay. (“Mark không nghĩ mình là một người ngang hàng với tổng thống này hay bất kỳ tổng thống nào”, phát ngôn viên của Facebook, Tucker Bound nói, và ông nói thêm rằng chính Zuckerberg đã khơi mào các cuộc trò chuyện với ông Kushner về ứng phó của chính phủ với coronavirus.)

Zuckerberg đã chơi những ván bài chính trị cao giá và khó đoán trong những năm dưới thời Trump cũng như bất kỳ nhà điều hành công ty nào khác. Một tuần trước bữa dạ tiệc tháng 10 năm ngoái, anh đã nói rõ rằng lợi ích của mình và của tổng thống là đồng hướng:  Zuckerberg sẽ từ chối một phong trào đang phát triển nhằm hạn chế những tuyên bố sai lệch hoặc mang tính kích động của tổng thống Mỹ.

“Tôi không nghĩ rằng việc một công ty tư nhân kiểm duyệt các chính trị gia hay tin tức trong một nền dân chủ là đúng đắn,” Mark nói trong một lần nói chuyện tại Đại học Georgetown vào ngày 17 tháng 10. “Chúng tôi không làm điều này để giúp các chính trị gia, nhưng vì chúng tôi nghĩ rằng mọi người nên có thể tự mình nhìn thấy những gì các chính trị gia đang nói.”

Về phần mình, ông Trump đã mềm mỏng hơn với Facebook so với Amazon, Google, Twitter hay Netflix tại thời điểm mà các cơ chế pháp lý của ông thường nhắm vào những kẻ thù chính trị mà ông chỉ tên trong các tweet.

Ông Trump tại phòng Bầu dục. Ông đã mềm mỏng một cách đáng chú ý với Facebook so với Amazon, Google, Twitter hay Netflix. (Ảnh: Doug Mills)

Tuy nhiên, Facebook, giống như những người khổng lồ công nghệ khác, thấy mình bị ràng buộc chính trị: Đảng Dân chủ ghét và không tin tưởng họ vì họ truyền bá thông tin sai lệch cánh hữu và giúp bầu Donald Trump; Đảng Cộng hòa ghét và không tin tưởng họ vì họ đã được điều hành bởi những người tự do ở California và xóa một số bài phát biểu của phe cánh hữu. Nhưng Facebook đã tránh được cái bẫy đó một cách khéo léo trong ba năm rưỡi qua, bằng cách di chuyển nhanh hơn và nghiêm túc hơn so với các đối thủ cạnh tranh để làm dịu những người bảo thủ.

Facebook luôn chăm chú lắng nghe hơn từ phía cánh hữu của Washington so với phần lớn của Thung lũng Silicon, bởi sự chỉ đạo của Joel Kaplan, bạn của Zuckerberg và là cựu quan chức chính quyền của Tổng thống Bush, hiện là phó chủ tịch chính sách công toàn cầu của Facebook. Nhưng nó đã bắt đầu tập trung vào việc tranh thủ các phương tiện truyền thông bảo thủ vào mùa xuân 2016, khi Gizmodo cáo buộc rằng việc kiểm duyệt nội dung trên chức năng yểu mệnh Các đề tài Đang nổi của Facebook đã “chèn ép những tin tức bảo thủ.” Một bộ máy cánh hữu, vốn đã thường chỉ trích sự thiên vị của các phương tiện truyền thông trong nhiều thập niên qua, đã xoay ống ngắm về tên khổng lồ công nghệ này. Và Zuckerberg đã cho họ câu trả lời mà họ luôn hy vọng - Zuck loại bỏ luôn chức năng Các đề tài Đang nổi, chào đón các nhà phê bình đó tới các cuộc họp và gửi tín hiệu rằng anh chia sẻ mối quan tâm của họ.

Năm nay, ông Trump tiếp tục lấn ép các chuẩn mực về sự thật và văn minh, và các trang mạng xã hội bắt đầu xem xét lại vấn đề tin giả và quấy rối đang lan rộng hơn. Điều đó đặt Trump vào một sự chạm trán không thể tránh khỏi - giữa sự hoan nghênh của những người ủng hộ Trump - với những người gác cổng mới của các mạng xã hội. Sự phụ thuộc của Trump vào Facebook như một phương tiện quảng cáo - ông đã chi 44 triệu đô la cho mạng này vào năm 2016 và dự kiến ​​sẽ vượt xa trong năm nay - có nghĩa là ông cần đến Facebook nhiều cũng như nó cần đến ông. Và, như Mike Isaac, Sheera Frenkel và Cecilia Kang đã tường trình  vào tháng Năm, Zuckerberg ngày càng trở thành hiện thân của công ty mình.

Vì vậy, mối quan hệ nồng ấm của Zuckerberg với tổng thống và gia đình ông là một chiến thắng cho nhóm chính sách nội bộ của công ty do ông Kaplan đứng đầu. Nhưng công ty - theo những người liên quan đến chiến lược chính trị cho biết - đã có một cuộc tranh luận nội bộ về việc cân bằng giữa sự kiểm soát hiện tại của đảng Cộng hòa với các cơ quan quản lý với một thực tế về lâu dài, đảng Dân chủ rất có thể sẽ đạt được những cách giám sát mới hoặc cố gắng xé nhỏ công ty bằng cách buộc bán Instagram hoặc WhatsApp. Sự cân bằng, trong những năm Trump, đã chuyển theo hướng hữu khuynh. Sheryl Sandberg, một người Dân chủ có ảnh hưởng và là một phó chủ tịch của Zuckerberg, đã thấy mối liên hệ của bà với đảng Dân chủ trở nên căng thẳng khi công ty luôn thách thức họ và đồng thời quyền lực của bà trong công ty cũng suy giảm.

Sheryl Sandberg, Giám đốc Vận hành Facebook, đã thấy quan hệ của bà với phía Dân chủ đang lụi tàn và quyền lực của bà tại công ty cũng suy giảm. (Ảnh: Dominic Lipinsku/AP)

Chính phủ Trump cũng đã đáp ứng lại. Bộ Tư pháp hiện đang tiến hành điều tra chống độc quyền với những gã khổng lồ công nghệ. Nhưng trong khi Google và Amazon phải đối mặt với các “cuộc điều tra kỹ lưỡng,” thì cuộc điều tra trên Facebook là “hoàn toàn không thật”, theo lời một người đã được thông báo về cuộc điều tra. Và Facebook đã hành động như một công ty không phải lo lắng ở Washington. Nó đã tiếp tục mua lại các công ty, như ông Isaac đã báo cáo vào tuần trước và chuyển sang cho phép người dùng gửi tin nhắn giữa Messenger, WhatsApp và Instagram - một sự hợp nhất của các dịch vụ có thể làm tăng thêm mối lo ngại độc quyền. (Quan điểm của Facebook là nó vẫn có ít ưu thế ở bất kỳ thị trường nào so với các công ty công nghệ lớn khác như Google hay Amazon.)

Mùa hè năm 2020 là một trong những thời điểm mà quan hệ với Washington của công ty bắt đầu rối loạn. Những giao hảo chính trị được xem là khéo léo trong thời Trump bây giờ trông đầy lộ liễu và rủi ro. Các đảng viên Dân chủ hàng đầu, bao gồm Joseph R. Biden Jr. và Nancy Pelosi - những người đã vô cùng tức giận khi một đoạn video bị bóp méo của bà được lan truyền như vi khuẩn - đã chỉ ra Facebook là một nhân vật tồi tệ. Hiện tại, ông Trump đang được người trong cuộc ở Washington xem là có khả năng thất cử trong tháng 11, dù rằng ông Biden có ít mối đe dọa với Facebook hơn Thượng nghị sĩ Warren sẽ có.

Trong khi các vị điều hành Facebook khẳng định rằng quan điểm về tự do ngôn luận của Zuckerberg là vấn đề nguyên tắc và chiến lược dài hạn, chứ không vì quyền lợi chính trị, thì nhóm chính trị của công ty cũng nhận ra rằng họ không có vị trí trong chính quyền Dân chủ. Và trong những ngày gần đây, Facebook đã rất háo hức thể hiện sự độc lập khỏi Nhà Trắng. Công ty đã không ngần ngại thực thi chính sách hiện có đối với các bài đăng của ông Trump, và đã nhanh chóng chỉ ra cho giới truyền thông, như đã làm vào thứ Năm tuần trước, khi một quảng cáo của Trump sử dụng một biểu tượng liên quan đến Đức Quốc xã.

Tuy nhiên, ông Zuckerberg đã không nhúc nhích, vì ông nhấn mạnh rằng ông Trump có thể nói những gì ông muốn trên nền tảng này và hầu hết những gì ông muốn trong quảng cáo - bao gồm cả những tuyên bố sai, miễn là chúng không gây hiểu lầm về một số chủ đề hạn hẹp và cụ thể như điều tra dân số. Nhưng theo tường trình, ông đã nói với ông Trump rằng ông phản đối trên tư cách cá nhân ông trước lời cảnh báo của ông Trump, rằng “khi cướp bóc bắt đầu, nổ súng bắt đầu.” Và ông và bà Chan đã viết cho các nhà khoa học được tài trợ bởi tổ chức phi lợi nhuận của họ rằng họ đã bị “chấn động sâu sắc và ghê tởm bởi lời tuyên bố gây chia rẽ và kích động của Tổng thống Trump.”

Những cử chỉ đó có thể đã xoa dịu lực lượng nhân viên của Facebook, nhưng lại không bị lưu ý lắm ở Washington.

Nu Wexler, một người Dân chủ làm việc trong lĩnh vực truyền thông chính sách cho Facebook ở Washington, nói rằng, “Tất cả các công ty lớn đã nghiêng sang phía hữu sau khi Trump giành chiến thắng và có lẽ Facebook đã nghiêng xa hơn so với các công ty khác. Tuy nhiên, chính trị của công nghệ đang thay đổi, và các công ty cũng nên lo lắng về đảng Dân chủ. Những ngày chỉ lo gìn giữ cho tổng thống  hạnh phúc đã qua đi.” ./.


Nguyên bản tiếng Anh: 

What’s Facebook’s Deal With Donald Trump?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét