13 tháng 8 2020

Đứa Con Ngoan

Bóng bẩy, nhẹ giọng và ôn hòa, Jared Kushner đã trở thành kẻ mở đường nguy hiểm nhất cho nhạc phụ.


Franklin Foer
,  The Atlantic

13/08/2020


Jared Kushner, người đàn ông quyền lực thứ hai trong Nhà Trắng, khôn ngoan hơn nhiều so với người đàn ông quyền lực nhất, nhạc phụ của anh ta, tổng thống. Donald Trump sở hữu một thiên tài về đâm ba sườn đối phương, nhưng ông lại ít  có biểu hiện gì khác hơn về trí thông minh. Ông ta rõ ràng không thể hiện năng lực, hoặc khuynh hướng học hỏi. Con rể của ông, ngược lại, dường như có đủ sự nhạy bén trong phân tích để hiểu rằng đất nước đã phải khuỵu xuống bởi đại dịch coronavirus. Kushner có thể không phải là công chức sáng giá nhất trong lịch sử Hoa Kỳ - anh ấy là sinh viên tốt nghiệp Harvard, cũng là biểu tượng hàng đầu về nạn tham nhũng trong tuyển sinh đại học và là một doanh nhân có thành tích thất bại đáng kể - nhưng anh ấy đã cho thấy sự hiệu quả trong thời gian của mình tại Nhà trắng. Anh ta cũng là một sự bí ẩn khó chịu bởi vì anh ta cho thấy một bản sao của năng lực và, thỉnh thoảng, một sự quan tâm dường như chân thật trong việc quản lý.

Giống như nhiều người Mỹ khác, tôi đã theo dõi Kushner được bốn năm và tôi đã tự hỏi bản thân mình câu hỏi này: Tại sao anh ấy lại kích động những cơn bốc đồng tồi tệ nhất của bố vợ mình? Tôi tin rằng câu trả lời nằm trong cốt lõi của tiểu sử của anh ấy. Tôi đã dành hàng tháng trời để nghiên cứu lịch sử cá nhân của Kushner. Câu chuyện này được xây dựng dựa trên hơn hai chục cuộc phỏng vấn, với các quan chức hiện tại và cựu quan chức Nhà Trắng đã làm việc thân mật với Kushner, cũng như các cố vấn bên ngoài mà anh đã tìm tới, các cộng sự kinh doanh và bạn bè cũ của gia đình. (Bản thân Kushner từ chối bình luận.)

Trong cuộc hôn nhân của Jared Kushner và Ivanka Trump, Kushner được tranh cãi là người đứng về phía người cha độc đoán nhiều hơn. Ngay từ khi còn nhỏ, Jared đã học cách tích lũy ảnh hưởng bằng cách trung thành phục vụ lợi ích của những người đàn ông mạnh mẽ, hay thay đổi. Anh ấy đã trở nên thành thạo trong việc quản lý các hành vi bộc phát của họ, hay đúng hơn, anh ấy đã học cách để tránh trở thành mục tiêu của họ. Đối với tất cả sức mạnh mà Kushner đã tích lũy được, việc đi lên của anh ta đòi hỏi sự khuất phục của bản thân và tuân theo nguyên tắc.

Sự pha trộn nguy hiểm của những tham vọng bốc đồng và sự tự hạ mình sát đất này giờ đã gây khổ cho quốc gia. Những nhược điểm của Kushner đã làm trầm trọng thêm phản ứng tai hại của chính quyền đối với cuộc khủng hoảng lớn nhất của nó.

Các đồng nghiệp tại Nhà Trắng nói rằng Kushner thực sự tin rằng anh ta có đủ năng lực để giải quyết mọi vấn đề được giao. Giàu có, chải chuốt và ăn nói nhẹ nhàng, sự tự tin của anh ấy không có gì là bí ẩn đối với bất kỳ ai quen thuộc với một số đặc quyền của tầng lớp Ivy League hoặc với những người giàu có cha truyền con nối, những người biết rằng họ có đủ vốn để bảo vệ mình khỏi những thăng trầm vật chất trong cuộc sống. Với chức danh “cố vấn cấp cao” mơ hồ nhưng đầy năng lực, Kushner đã đặt ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ của Trump, để giải quyết các vấn đề đau đầu của các chính quyền trước đây thuộc cả hai bên: cải cách về di dân, giam giữ hàng loạt, xung đột Israel-Palestine. Nhưng có lẽ không có gì phức tạp hoặc gây ra mối đe dọa tức thời như trách nhiệm được thêm vào ngăn hồ sơ đã căng tràn của anh ấy vào mùa xuân này. (ND: Ivy League là một tập hợp các Đại học tư lâu đời nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Yale, Princeton,.. Ý ở đây nói đến một tầng lớp có học vị từ các trường danh tiếng, có thế lực trong xã hội Mỹ)

Khi Kushner đến chỗ làm việc vào ngày 11 tháng 3, anh đã được Mike Pence triệu tập. Phó tổng thống đã được Trump chỉ định để chủ trì phản ứng của chính phủ đối với virus. Với nền kinh tế đang trên đà sụp đổ, những nỗ lực của ông khó có thể được coi là một chiến thắng. Bây giờ Pence đã quăng vấn đề này lên bàn của Kushner. Khi nắm bắt được tầm quan trọng của thử thách trước mắt, Kushner được cho là đã cảm thấy lo lắng bất thường; anh tự hỏi bản thân liệu anh có hoàn thành nhiệm vụ không. Nhưng đó là điều mà tổng thống muốn, và anh quyết tâm không để Trump thất vọng.

Sáng hôm sau, Kushner nhắn tin cho một người bạn cũ, Adam Boehler, người đứng đầu Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế. Hai thập niên trước, họ ở cùng phòng trong ký túc xá Đại học New York (NYU) khi thực tập tại các ngân hàng đầu tư. Trước khi gia nhập chính phủ, Boehler đã bán một công ty chăm sóc y tế mà anh ấy thành lập. Giống như Kushner, anh ấy tự hào về việc thúc đẩy các cấp phó quan liêu của mình năng nổ hơn với sự hoạt bát của thương trường.

Boehler nhận được tin nhắn của Kushner vào bữa sáng. Đến chiều hôm đó, họ đã triệu tập một nhóm quan chức đến văn phòng Cánh Tây và bắt đầu thực hiện một kế hoạch mà họ đã vội vàng phác thảo. Các trợ lý được phân vào ba đội khác nhau tập trung vào giải quyết những thiếu hụt quan trọng: Một đội sẽ tăng cường xét nghiệm, một đội sẽ lo mua máy thở và đội nữa lo thiết bị bảo vệ cá nhân. Các đội đã được hướng dẫn để đến với FEMA và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh  (HHS) và hoạt động như những nhà tư vấn quản lý, tiêm vào những suy nghĩ không chính thống và áp đặt một sự thiên vị cho hành động. Trong những ngày sau đó, Kushner và Boehler đã bổ sung cho nhóm những tình nguyện viên được tuyển dụng từ khu vực tư nhân - từ các công ty tư vấn, cổ phần tư nhân và ngành chăm sóc y tế. Theo báo New York Times, các quan chức cạnh tranh gọi những tân binh này là “Slim-Suit Crowd" (“Đám mặc đồ vest bó sát.”)

Jared Kushner bắt đầu một cuộc họp báo về thử nghiệm coronavirus trong Vườn Hồng của Nhà Trắng vào ngày 11 tháng 5. (Drew Angerer / Getty)

Dưới áp lực phải đảo ngược nhận thức về một Nhà Trắng đang thất bại, nhóm của Kushner đã ứng biến một cách điên cuồng. Một ngày sau khi họ tập hợp lần đầu tiên tại Nhà Trắng, họ đã tổ chức một sự kiện Vườn hồng, nơi tổng thống tiết lộ kế hoạch cho một trang web mà Google được cho là đang xây dựng. Trang web được họ nhìn nhận như một trung tâm để xác định vị trí các trung tâm xét nghiệm không cần xuống xe sẽ sớm có mặt trên cả nước. Vào thời điểm đó, những kế hoạch như vậy hầu như chỉ là dự thảo; Google, chẳng hạn, được cho là đã bị bất ngờ trước cái thông báo đã phóng đại quá mức về kỳ vọng của trang web và sự tham gia của công ty. Nhưng nhóm Slim Suits có rất ít thời gian tự ổn định, nói chi đến việc thiết kế chính sách quốc gia tỉ mỉ.

Và thực sự, trong một khoảnh khắc thoáng qua, nhóm của Kushner đã làm tốt hơn những gì mà các nhà phê bình thừa nhận. Trong bối cảnh các thống đốc đầy xúc động đang kêu ca sự vận chuyển máy thở đến các tiểu bang của họ, Slim Suits đã nghĩ ra một công thức để dự đoán nhu cầu về thiết bị, giúp Hoa Kỳ tránh được việc phân bổ hạn chế máy móc vốn đã gây khó khăn cho các bệnh viện Ý. Họ đã nhập khẩu PPE từ nước ngoài và mở hàng chục điểm thử nghiệm không xuống xe chỉ trong vài ngày. Đến tháng 4, Kushner đã công khai chúc mừng chính quyền về “câu chuyện thành công lớn”. Anh ta tiên tri rằng vào tháng 7, đất nước có thể "thực sự vận động trở lại."

Nhưng đến tháng 7, quốc gia này rõ ràng là không vận động. Kushner đã mở rộng thử nghiệm, nhưng theo báo cáo gần đây của Vanity Fair, anh ta dường như cũng đã kìm hãm sự phát triển của cơ sở hạ tầng có thể phù hợp với quy mô của vấn đề. Nhóm Slim Suits đã hình thành một kế hoạch chi tiết phức tạp cho một chế độ kiểm tra và truy tìm tiếp xúc thấu đáo — một tập hợp các chính sách có khả năng sẽ giúp làm chậm sự lây lan của virus trên toàn quốc. Nhưng thay vì thực hiện những kế hoạch đó, Kushner dường như đã cho phép chúng héo úa. Và khi tổng thống tuyên bố virus sẽ biến mất một cách kỳ diệu, chính trị hóa việc đeo khẩu trang và tổ chức một cuộc vận động tranh cử trong nhà tại Tulsa, Oklahoma, trái ngược với khuyến nghị của chính quyền, Kushner không đưa ra lời lẽ mâu thuẫn hay cảnh báo nào.

Bất chấp những lo lắng ban đầu, Kushner đã thể hiện kỹ năng kỹ thuật để đối phó với đại dịch. Cuối cùng, điều anh ấy thiếu không phải là năng lực mà là sự dũng cảm để thách thức những hoang tưởng của bố vợ. Anh ấy dường như đã chấp nhận những ảo tưởng của Trump như của riêng mình. Trong chỗ riêng tư, Kushner đổ lỗi cho các thống đốc Dân chủ đã kích động sự cuồng loạn về virus chỉ nhằm làm tổn thương tổng thống. “Ở đây chúng tôi chỉ có thể làm đến thế. Họ sẽ tiếp tục đổ lỗi cho chúng tôi,” ông nói với một chuyên gia y tế công cộng. "Tôi đã xong."

Kushner hiện chuyển sự chú ý sang vấn đề cải tổ cảnh sát, một vấn đề được quan tâm hàng đầu sau vụ giết chết George Floyd. Đến cuối tháng 6, anh tin rằng mình đang đạt tiến bộ tốt. Anh ta đã giúp phát triển một mệnh lệnh hành pháp để khuyến khích các sở cảnh sát đào tạo các sĩ quan tốt hơn và theo dõi các hành vi sai trái. Anh tin chắc rằng mình có thể dẫn dắt quốc gia đến một  chung hợp lý có thể giúp hàn gắn những rạn nứt.

Anh cảm thấy như tinh thần của các nỗ lực của mình đã được thu phục bởi một sự kiện ở Nhà Trắng, nơi các gia đình nạn nhân bị cảnh sát bạo hành có cơ hội kể lại sự đau khổ của họ với các đại diện thực thi pháp luật hàng đầu. Luật sư về quyền dân sự Lee Merritt, người đại diện cho gia đình Ahmaud Arbery, đã tham dự sự kiện cùng với các thân chủ của mình. Ông mô tả nó giống như linh hồn của một “đám tang”. Nước mắt chảy dài; một cảnh sát trưởng vòng tay ôm một người mẹ đau buồn. Kushner coi đây là thời khắc hàn gắn mà cả nước xứng đáng có được.

Tuy nhiên, khoảnh khắc nhanh chóng tan biến. Một dự luật cải cách cảnh sát mà ông ủng hộ đã bị đảng Dân chủ bác bỏ hoàn toàn. Lệnh hành pháp mà ông đưa ra chỉ đơn thuần khuyến khích các sở cảnh sát áp dụng các cải cách được đề xuất. Và mặc dù Kushner có thể rất thích quan sát khoảnh khắc của sự hàn gắn nói trên tại Nhà Trắng, nhưng anh ta chắc chắn đã không gây được ấn tượng với tổng thống về giá trị của việc hàn gắn; Trump đã dành trọn tháng sau để hạ nhục phong trào Black Lives Matter như một "biểu tượng của sự căm thù" và bảo vệ lá cờ của Liên minh miền Nam.

Đây là bản chất trong di sản của Jared Kushner: khoảng cách giữa niềm tin kiên định vào thiện ý của bản thân và thực tế nghiệt ngã của chính quyền mà anh ấy giúp điều hành. Một lần nữa, mệnh lệnh phải trung thành phục vụ người cha thay thế của mình đã chiến thắng bất kỳ xung lực  đối ngược nào khác.

Khi còn ở tuổi vị thành niên, Jared Kushner đã  đi học tại một trường của người Do Thái ở New Jersey. Cha của Jared, ông Charlie, người đã tài trợ cho trường, đặt tên nó là Học viện Do Thái Joseph Kushner để tỏ lòng kính trọng đối với cha của mình. Jared lớn lên trong một thế giới tôn kính ông bà của mình. Bức chân dung của họ là lời nhắc nhở bao trùm về lộ trình của gia đình  trốn khỏi thảm họa. Nó bay lơ lửng trong phòng họp ở tòa tháp văn phòng của gia đình trên Đại lộ số 5. Khi Jared dọn vào Cánh Tây của Nhà Trắng, bức ảnh của họ là hiện vật duy nhất mà anh mang theo.

Ông Joseph Kushner qua đời khi Jared mới 4 tuổi, nhưng bà nội Rae là người hun đúc nên cuộc đời anh. Bà đã mang anh theo đến với các trò chơi bài và truyền đạt cho anh trí tuệ dân gian: Cho đến ngày nay, Jared đeo một chiếc vòng tay được làm bằng sợi chỉ màu đỏ, một màu mà bà của anh ta tin rằng có thể xua đuổi ma quỷ.

Năm 1941, khi Rae còn là một thiếu niên, Đức Quốc xã đã tấn công ngôi làng của cô ở miền bắc Ba Lan. Qua khung cửa sổ, cô chứng kiến ​​cảnh hành quyết mẹ ruột của mình. Thay vì chấp nhận cái chết không thể tránh khỏi, Rae và những người Do Thái còn lại trong làng đã dùng những chiếc thìa gỗ và những chiếc xẻng tự chế khác để đào một con đường ngầm dài 200 thước từ khu ổ chuột vào rừng, nơi họ gia nhập một nhóm du kích vũ trang. Khi Holocaust dần đi vào lịch sử, cuộc chạy trốn của cô đã trở thành một câu chuyện nền tảng cho gia đình Kushner, theo nghi thức. Khi gia đình Kushner tự xuất bản một cuốn sách về Rae và Joseph, họ gọi nó là Điều Kỳ diệu của Cuộc sống.

Phép màu không chỉ là sự sống sót, mà còn là sự cứu chuộc sau đó. Khi một trong hai con gái của Rae và Joseph kết hôn vào những năm 1960, lễ đính hôn đã được đăng trên tờ The New York Times và đám cưới được tổ chức tại khách sạn Biltmore ở Manhattan. Đến lúc đó, gia đình Kushner đã là một phần của một nhóm các gia đình sống sót, tập trung gần Elizabeth, New Jersey, được gọi là Những người xây dựng Tị nạn. Sống sót sau nỗi kinh hoàng của Holocaust, họ chấp nhận những rủi ro mà những người xây dựng khác sẽ không chấp hành. Trỗi dậy từ các khu ổ chuột và các trại tập trung, họ dựng lên vùng ngoại ô kéo dài xuống từ đường cao tốc New Jersey Turnpike. Riêng gia đình Kushner đã sở hữu 22.000 căn hộ.

Sự trưởng thành của một thành viên gia đình Kushner là tuần tự những sự trao quyền và uốn nắn. Charlie là một người thích ăn mặc chải chuốt, chỉ trích những đồng nghiệp không đeo cà vạt đến văn phòng. Ông ghê tởm chiếc quần jean màu xanh lam, thứ mà anh ta gọi là quần vải thô và không thích con cái mặc chúng. Charlie đã luôn để tâm chải chuốt cho các con trai của mình, và không chỉ để có cách cư xử hoàn hảo. “Ông ấy muốn trở thành cha của những bậc thầy của vũ trụ,” một người bạn của gia đình nói với tôi. Là con trai cả, Jared gánh lấy sức nặng của những kỳ vọng này.

Khi các chính trị gia đến bày tỏ sự cảm ơn với <các quyên góp của> Charlie tại nhà riêng và văn phòng của ông, ông đã tận dụng những dịp này để lập sân khấu cho cậu con trai tuổi vị thành niên của mình. Ông đã giao cho Jared giới thiệu Phó Chủ tịch Al Gore tại một buổi quyên góp. Khi Benjamin Netanyahu đến ngụ với gia đình Kushner, ông ta nghỉ trong phòng của Jared, trong khi Jared xuống tầng hầm. Nó đã trở thành một thứ truyền thuyết rằng hai người chơi ném bóng rổ với nhau trên lối xe ra vào của gia đình Kushner.

Trải nghiệm phổ biến của các hậu duệ thế hệ thứ hai và thứ ba của Holocaust là khao khát hưng phấn để nhồi nhét cuộc sống của họ với những thành tựu, để trấn an cha mẹ và ông bà rằng đau khổ của họ đã được cứu chuộc. Họ cảm thấy gánh nặng của việc cung cấp một kết thúc có hậu cho một câu chuyện kinh hoàng.

Do đó, chuyện Jared vào đại học vẫn chưa đủ. Charlie muốn anh phải vào Harvard, và cố gắng biến nó thành hiện thực. Năm 1998, khi Jared bắt đầu nộp đơn vào các trường đại học, Charlie đã cam kết đầu tư 2,5 triệu USD cho trường đại học. (Người phát ngôn của Công ty Kushner đã phủ nhận rằng việc nhập học của Jared có liên quan đến cam kết quyên góp.) Một nguồn tin thân cận với gia đình nói với nhà báo điều tra Daniel Golden rằng Thượng nghị sĩ Frank Lautenberg của New Jersey, một người nhận lâu năm nhận tiền mừng tuổi của Charlie, đã cố gắng tranh thủ Ted Kennedy để vận động hành lang cho Harvard thay cho Jared. Kennedy phủ nhận rằng ông đã từng nhấc điện thoại giúp cho Jared. Nhưng đó là một kế hoạch điển hình của Charlie Kushner, hơi táo bạo vì lợi ích của nó.

Năm 2006, toàn bộ câu chuyện được phơi bày nhờ cuốn sách Cái giá của việc Nhập học của Golden. Việc Jared nhận được một chỗ tại Harvard đã được coi là biểu tượng của sự tham nhũng của Ivy League. Trong một chi tiết phiền muộn, Golden dẫn lời các quản trị viên tại trường trung học của Jared kể lại sự tầm thường trong học tập của anh ta. Không phải lần cuối cùng, Jared phải đối mặt với sự dò xét của công chúng  việc đã có được đặc quyền mà anh ta không xứng đáng được hưởng.

Một người bạn của Jared nói với tôi rằng Kushner đã nhanh chóng nhấn chìm sự tiết lộ bẽ mặt đó — anh ấy không bao giờ phiền muộn về nó hoặc để nó làm giảm sự tự tin của mình. Anh là  kẻ thừa kế một câu chuyện củng cố một thái độ lạc quan không ngừng: Rốt cuộc, cuộc sống là một điều kỳ diệu, và bất cứ điều gì đều có thể xảy ra. Vì vậy, Jared vẫn lao mình về phía trước, tích lũy những trách nhiệm vượt quá số tuổi của mình, và đôi khi vượt quá khả năng của mình. Để đáp ứng kỳ vọng của người cha và để thoả mãn gánh nặng của quá khứ, anh bắt đầu đảm nhận vị trí xứng đáng của mình ở đỉnh cao của xã hội Mỹ.

Văn phòng Kushner’s West Wing. Kushner lớn lên trong một thế giới tôn kính ông bà của mình. Bức chân dung của họ là lời nhắc nhở bao trùm về lộ trình của gia đình  trốn khỏi thảm họa. (Christopher Lee / VII / Redux)

Trong ba năm qua, Jared Kushner đã đạt được quyền lực mà cha anh mong đợi và  hơn thế nữa. Anh đã đảm nhận quyền kiểm soát trực tiếp các nhiệm vụ quan trọng nhất và cài đặt những người đồng chí hướng vào gần như mọi vị trí quan trọng trong Nhà Trắng. Anh ta có xu hướng đưa ra lời khuyên của mình cho tổng thống một cách riêng tư, ngoài tầm nghe của các trợ lý khác.

Anh ta đã làm gì với sức mạnh đó? Báo chí đã tập trung vào các hành vi sai phạm về các khoản hoa hồng, nhưng các hành vi bỏ qua còn đáng kể hơn nhiều. Mặc dù anh ấy thích tự cho mình là một người chừng mực, một tiếng nói lý trí của bộ óc kinh doanh, nhưng thành tích về quyền lực của Kushner cho thấy điều ngược lại.

Trong các giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống, Trump có khuynh hướng theo các thông lệ của Nhà Trắng. Xung quanh ông là những cựu tướng lĩnh luôn trung thành với quốc gia (John Kelly) và các viên chức Cộng hòa có ý thức trung thành mạnh mẽ với đảng (Reince Priebus). Đây không phải là hình ảnh đại diện cho lòng dũng cảm hay quản trị hiệu quả. Nhưng chúng là nguồn gây ra xích mích.

Khi những người như Kelly và Priebus bắt đầu nhận lấy vai trò siêu ngã bị lụi tàn, Kushner đã để cho cái tôi của tổng thống vẫy vùng hoang dại. Hơn ai hết, Kushner dường như đã tạo ra bầu không khí dễ dãi trong đó Trump đã biến nhiệm kỳ tổng thống thành phương tiện cho những mối hận thù và những lý thuyết quái gở của mình. Ở đỉnh cao quyền lực của Kushner, tổng thống đã đặt ra kế hoạch thanh trừng chính phủ của tổng thanh tra điều tra việc lạm dụng quyền lực, loại bỏ một công tố viên đang xem xét hành vi sai trái của các đồng minh của ông và kêu gọi các nhà lãnh đạo nước ngoài điều tra kẻ thù chính trị của ông. Ông đã thúc giục điều trị bệnh bằng các  thuốc men chưa được kiểm chứng và đe dọa triển khai quân đội liên bang để trấn áp những người biểu tình.

Kushner thích tự nhận mình là cố vấn, nhưng đó là một sai lầm về phân loại học. Anh ấy là người trong nhà. Xa hơn chuyện làm một phụ tá quỵ luỵ  như bao kẻ khác, Kushner tiếp cận công việc của mình với sự hung dữ của bộ tộc và khao khát sâu sắc để giành được sự khen ngợi của tộc trưởng.  Trong chiến dịch vận động, câu khẩu hiệu của anh là "Một ứng cử viên hạnh phúc là một ứng cử viên chiến thắng"; anh coi công việc của mình là làm vừa lòng bố vợ. Anh đóng vai trò tương tự khi vào Nhà Trắng. Kushner biết cách điều hướng các trận lôi đình của tổng thống, mặc dù anh ta không thể tránh hoàn toàn chuyện xây xước vì chúng; anh ta biết khi nào sự tự bảo toàn đòi hỏi sự đầu hàng; anh ấy là một học sinh về cách tránh không thúc ép quá mức.

Chiến lược sinh tồn của anh ấy có thể được nhìn thấy trên khuôn mặt của anh ấy. Gần như mọi phụ tá hàng đầu khác của Trump đều bị bắt gặp đang nhăn mặt với ông chủ của họ. Ngay cả khi nói chuyện riêng, Kushner cũng không bao giờ để lại bất kỳ sự khó chịu nào như vậy. Mỗi lần tôi phỏng vấn một trong những người bạn hoặc đồng nghiệp của ông ấy, tôi hỏi họ đã bao giờ nghe ông ấy bày tỏ sự tức giận hoặc thậm chí bực tức với tổng thống chưa. Không ai chứng kiến ​​anh ta thể hiện sự bực dọc nào ngoài cái nhún vai và câu nói, “Ồ, bạn biết Donald mà…”

Trong một Nhà Trắng, nơi mọi thứ cuối cùng bị rò rỉ, không có câu chuyện nào được biết đến về việc Kushner đã chê bai tổng thống. Để tạo ra khoảng cách như vậy sẽ là bất lợi cho anh ta. Ngay trọng tâm của nhân dạng, Kushner là một người Con Ngoan. Anh ấy đang điều hành đất nước với tinh thần hiếu thảo đối với một người cha khó tính. Đó là một vai diễn mà anh ấy thể hiện rất tốt, bởi vì anh ấy đã dành cả đời để luyện tập cho nó.

Có một ví dụ quan trọng về việc Jared Kushner vạch ra con đường của riêng mình, đó là khoảnh khắc khi anh ta dự định bẻ cong Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa theo mong muốn của riêng mình.  Anh đã cống hiến hết mình cho việc thông qua Đạo luật Bước Đầu tiên, một dự luật cải cách hệ thống tư pháp-hình sự liên bang. Anh muốn dự luật ra đời bất chấp sự miễn cưỡng của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell và sự phản đối của các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện, những người nói rằng nó quá khoan dung đối với tội phạm bạo lực. Đó là một quá trình đòi hỏi ông phải xoa dịu những lo lắng của Trump, người mà hơn một năm sau khi dự luật được thông qua, vẫn còn càu nhàu về việc đã tham gia dự án đam mê của con rể mình.

Kushner sử dụng vốn chính trị của mình vì anh coi luật pháp là một sự tri ân đối với cha mình và tất cả những gì ông ấy đã phải chịu đựng. Những rắc rối của Charlie Kushner bắt đầu khi công việc kinh doanh của gia đình mà Rae và Joseph gây dựng lâm vào cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn. Từ mối thù hận đó, các thành viên của gia đình Charlie đã hợp tác với một cuộc điều tra liên bang về các khoản quyên góp cho chiến dịch của ông ta. Tức giận với sự phản bội của họ, Charlie đã ấp ủ một kế hoạch trừng phạt người chị ruột của mình. Ông Charlie thuê một cô gái điếm để quyến rũ chồng bà, ông Billy, tại một quán ăn mà ông ấy thường lui tới. Charlie đã bố trí một camera ẩn được trồng trong phòng trọ nơi cô đã dụ Billy. Ngay trước bữa tiệc đính hôn của con trai mình, người chị gái của ông đã nhận được video về sự không chung thủy của chồng mình qua thư.

Cơn thịnh nộ của Charlie đã tàn phá ông ta. Người chị đã mang cuốn băng video đến văn phòng công tố Hoa Kỳ. Một công tố viên ngoan cường tên là Chris Christie đã buộc tội Charlie giả mạo nhân chứng, cản trở công lý và quảng cáo mại dâm giữa các tiểu bang. (Buổi sáng Jared biết tin cha mình bị bắt, anh ấy đang thực tập tại văn phòng luật sư quận Manhattan, Robert Morgenthau. Anh ấy đã có ý định tự mình trở thành một công tố viên, nhưng việc bắt giữ Charlie đã làm anh ấy suy sụp trong sự nghiệp đó.) Charlie nhận tội (trốn thuế, giả mạo nhân chứng, và quyên góp tranh cử bất hợp pháp) và tự nộp mình trong 14 tháng tù tại Trại tù Liên bang ở Montgomery, Alabama.

Jared có mọi lý do để giận cha mình. Theo cuốn sách được tường thuật tỉ mỉ của Andrea Bernstein, American Oligarchs (Những tên đầu sỏ chính trị ở Hoa Kỳ), Charlie đã không thuê một cô gái điếm ngẫu nhiên. Họ cho rằng ông ta đã thường xuyên lui tới chính cô ấy, sử dụng bí danh là John Hess. (Luật sư của Charlie vào thời điểm đó đã phủ nhận các cáo buộc.) Nhưng thay vì đổ lỗi cho cha anh vì đã phản bội mẹ anh, gài bẫy dượng anh và khiến cả gia đình xấu hổ, Jared lại ôm ông chặt hơn. Anh chống lại sự không trung thành của các thành viên trong gia đình, những người đã lẻo mép với công tố liên bang, đồng bộ hóa quan điểm của anh với cha mình. Hầu hết các ngày cuối tuần, anh đều ngoan ngoãn lên máy bay đến Alabama. Trong thời điểm khủng hoảng, đứa Con Ngoan đã đảm nhận vai trò được chỉ định của mình một cách mãnh liệt.

Nếu Jared đã thật sự thích thú việc phác thảo cho sự nghiệp của riêng mình, thì bây giờ anh thấy cuộc sống chuyên nghiệp của mình gắn liền với cha mình. Sau khi Charlie mãn hạn tù vào năm 2006, hai cha con quyết định bỏ lại New Jersey đằng sau để chinh phục Manhattan trên một quy mô có thể làm lu mờ tiêu đề trên báo lá cải xưa kia. Những người cho vay đã cảnh giác với hồ sơ tội phạm của Charlie, vì vậy Jared là người chính thức mua tòa nhà 41 tầng tại 666 Đại lộ số 5 với giá 1,8 tỷ đô la. Và mặc dù chính Jared là người đứng ra sở hữu tờ The New York Observer, nhưng theo lời một cựu biên tập viên, chính Charlie đã từng lặng lẽ  lực tờ báo giấy tung đòn đến một đối thủ kinh doanh. (Những nỗ lực của tôi để liên hệ với Charlie để xin bình luận đã không thành công.)

Đây không phải là một chấp nhận miễn cưỡng, mà là một sự hợp tác tâm đầu ý hợp. Cha con Charlie và Jared hôn nhau mỗi khi gặp gỡ; họ cùng lên kế hoạch cho các sự kiện từ thiện cho một tổ chức hỗ trợ những người đàn ông trẻ tuổi bị vướng vào hệ thống tư pháp. Ngay cả bây giờ, với Jared trong Nhà Trắng, họ nói chuyện gần như mỗi ngày.

Charlie Kushner có một tính cách xoay chuyển giữa các thái cực. Theo những người từng làm việc với ông ấy, nếu Charlie thích bạn, ông sẽ tắm bạn bằng sự quyến rũ của những lời nói nhẹ nhàng và sự hào phóng vượt trội. Nhưng ông cũng có thể là một núi lửa giận dữ, xé nát những nhân viên có công việc mà ông coi là dưới trung bình. Mặc dù Charlie chưa bao giờ hướng sự tức giận của mình đến người con trai, nhưng có thể rất kinh hãi khi chứng kiến ​​cảnh ông gây ra nó với người khác. Jared trở nên thành thạo trong việc điều hướng tâm trạng hung dữ của Charlie. Tại toà soạn Observer, anh thường tránh những cuộc trò chuyện không thoải mái với cha mình, nhường chúng cho một người dưới quyền. Anh ấy đã học cách xoa dịu Charlie, giúp ông ấy giảm bớt cơn giận dữ.

Jared không thừa hưởng tính nóng nảy của cha mình. Nhưng anh ta sẽ bước ra khỏi tính cách điềm đạm này để bảo vệ danh tiếng của cha mình và để được ông chấp thuận. Lúc đầu, Jared dường như miễn cưỡng chấp nhận sự hiện diện của kẻ thù cũ của gia đình anh, Chris Christie, trong quỹ đạo chiến dịch tranh cử của Trump. Thực sự, anh đang chờ đợi một thời cơ để tiêu diệt ông ấy. Anh ta không chỉ phản đối việc Trump chọn thống đốc New Jersey làm phó tổng thống của mình — theo một trong những người bạn của Kushner, anh ta đã yêu cầu để nghe lén khi chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort thông báo với Christie rằng ông ta không phải là người được lựa chọn, và sau đó khoe khoang về cái thú vị được chứng kiến ​​chuyện đó. Christie được giao vai trò điều hành nhóm chuyển tiếp, nhưng ngay sau cuộc bầu cử, Trump đã sa thải ông ta khỏi công việc. Steve Bannon nói với Christie vào thời điểm đó: “Thằng nhãi đó đang bổ cái rìu vào đầu bạn.” Christie quy trách nhiệm hoàn toàn cho sự ra đi của ông ta cho sự thù hằn của Kushner.

Trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình, Kushner đã nhận được lời khuyên và tình bạn của những người đàn ông lớn tuổi, những bậc-thầy-của-vũ-trụ như Rupert Murdoch, Ron Perelman và Henry Kissinger. Với khuôn mặt nhẵn nhụi và phong cách uy nghiêm, anh ấy thể hiện xuất sắc vai một chàng trai có thành tích cao và đầy trí tuệ. Đây là vai diễn đã định hình anh ấy, dường như mang lại cho anh sự thoải mái lớn nhất. Tuy nhiên, vẫn có một người đàn ông lớn tuổi chào đón anh với vẻ hoài nghi.

Kushner và Tổng thống Donald Trump trong Phòng Bầu dục vào tháng 1 năm 2017 (Al Drago / The New York Times / Redux)

Trên con đường trở thành người được yêu thích của Donald Trump, Kushner phải chịu đựng sự trêu chọc tàn bạo của cha vợ. Tổng thống thích nói đùa về việc ông coi Kushner là người phối ngẫu không xứng với con gái mình. Anh ấy sẽ kể về việc anh ấy ước Ivanka cưới được tiền vệ Tom Brady như thế nào. (“Tôi thương Jared, nhưng anh ấy không thể ném một đường xoắn ốc dài 70 yard lăn sang bên trái của mình.”) Thường có ngụ ý rằng Jared bằng cách nào đó không đủ nam tính. Đóng giả Jared, ông ấy thích ngắt giọng bằng giọng rên rỉ the thé. Ông hay bắt chước cách Jared yêu cầu anh ta gọi một nhà tài trợ. “Ồ, ông Trump, ông có thể vui lòng gọi cho ông ấy không, ông Trump? Ông ấy sẽ cho ông nhiều tiền lắm đó, thưa ông Trump.” Sau khi người dẫn chương trình truyền hình Joe Scarborough nghe thấy sự bắt chước của Trump, anh ấy đã liên hệ khoảnh khắc đó với Kushner. Thay vì phản ứng với sự tức giận, Kushner chỉ nói với Scarborough rằng anh ta không bao giờ gọi bố vợ là “Mr. Trump."

Cả một đời với Charlie Kushner đã chuẩn bị cho Jared những khó khăn khi phải đối mặt với một người đàn ông khó tính. Thành công trong sự hiện diện của họ đòi hỏi một đầu óc hiện thực. Đây không phải là những người đàn ông có thể cải tạo hoặc dễ dàng bị đẩy khỏi niềm tin sâu sắc. Sự tức giận của họ là một việc nên đi đường vong; tốt nhất, nó có thể được quản lý và giảm thiểu.

Với nhân vật người cha là Donald Trump, Kushner khuyên hãy làm hài lòng. Những người quan sát thân cận bên trong chính quyền nói rằng Kushner tin rằng ông hiểu rõ điều gì khiến Trump khó chịu, và cũng hiểu rõ về cách điều chỉnh lời khuyên của mình để không bao giờ  vào điều đó. Nếu Trump có một định kiến, Jared đôi khi sẽ cung cấp cho ông bằng chứng đối kháng. Ví dụ, Kushner đã thành công trong việc chuyển hướng Trump khỏi nỗi ám ảnh về việc dỡ bỏ việc kiểm dịch coronavirus trước Lễ Phục sinh. Nhưng nếu định kiến vẫn còn, thì không sao, ông ấy là tổng thống mà. Nếu tổng thống tin rằng hydroxychloroquine là thần dược, thì Jared là ai mà dám không đồng ý? Anh ta sẽ nhanh chóng chôn vùi bất cứ suy nghĩ bất đồng nào mà anh ta có thể có. Và anh ấy sẽ không bao giờ bỏ đi.

Đối với tất cả quyền lực mà Jared đã tạo ra cho chính mình, có một sự bất lực đối với mối quan hệ của anh ấy với Trump. Ngoài việc thúc đẩy cải cách tư pháp-hình sự, mà ông biện minh cho tổng thống là phù hợp với việc Trump tranh đấu cho  “những người bị lãng quên”, ông dường như đã chấp nhận phần lớn quan điểm phục tùng. Khao khát quyền lực bao nhiêu, dường như anh ta cũng thèm muốn là sự chấp thuận bấy nhiêu.

Mặc dù Kushner không phải Tom Brady, Trump luôn thích thú với việc con rể của mình trông giống như một sinh viên tốt nghiệp Harvard. Ông thích cách Kushner tóm tắt cho ông về các vấn đề, điều này khiến ông cảm thấy rằng ông đang lắng nghe cả hai phía của một cuộc tranh luận, chứ không phải giọng nói nghiêng ngả của một kẻ nói xấu. (Kushner tin rằng khi Trump nghi ngờ thông tin đang được giấu kín với anh ta, tổng thống sau đó sẽ tự mình tìm kiếm thông tin đó.) Và trong Nhà Trắng nơi mọi phụ tá đều có khả năng là kẻ rò rỉ thông tin, Trump tin rằng ông có thể tin tưởng vào sự sáng suốt của Kushner.

Tuy nhiên, Trump là một người ban phát lời khen lại hay trở tính, đến mức Kushner rõ ràng thích thú với nó khi nó đến. Vào tháng 6, một tuần sau khi lực lượng liên bang giải tỏa những người biểu tình ở Quảng trường Lafayette, một nhóm nhỏ các quan chức thực thi pháp luật đã tập trung tại Nhà Trắng. Khi tổng thống giới thiệu các vị khách của mình, ông yêu cầu Kushner nói vài lời. Những nhận xét ngắn gọn của ông đã thuần hóa những lời ồn ào của tổng thống thành khẩu hiệu thuần tính, có điều hơi sáo rỗng, "Thực thi pháp luật có thể là người đi đầu trong việc xích lại gần nhau."

Câu khẩu hiệu đó hầu như không được nhắc nữa, nhưng Kushner đã thành công trong việc khuấy động điều gì đó ở Trump. Khi tổng thống cảm ơn con rể về bài thuyết trình của mình, ông đã bất ngờ phá vỡ tính cách. Giọng ông dịu dàng lại và ông thủ thỉ, "Ngôi sao của tôi." Trong một khoảnh khắc, Kushner cố gắng bóp nghẹt niềm tự hào dâng trào, nhưng anh không thể kìm nén một nụ cười rộng mở của niềm vui hiếu thảo.

Trump và Kushner trong Phòng Đông của Nhà Trắng. Tổng thống là một người ban phát lời khen nhưng hay trở tính, và Kushner rõ ràng thích thú với điều đó khi nó đến. (Mandel Ngân / AFP / Getty)

Có một tác phẩm kinh điển về xã hội học hồi giữa thế kỷ của Edward C. Banfield, Cơ sở Đạo đức của một Xã hội Lạc hậu, giúp giải thích Jared Kushner. Vào những năm 1950, Banfield hòa mình vào cuộc sống của một thị trấn đá trắng biệt lập ở miền nam nước Ý. Anh muốn hiểu tại sao nó vẫn chìm trong nghèo đói như vậy.

Banfield đưa ra giả thuyết rằng một trong những nguồn sức mạnh có vẻ như của thị trấn thực sự là căn bệnh cơ bản của nó: lòng tận tụy với gia đình. Dân làng đã cố gắng tối đa hóa lợi thế cho thị tộc của họ. Chủ nghĩa gia đình trị là quy tắc đạo đức, và nó tạo ra bầu không khí thiếu tin tưởng, đố kỵ và vô luật pháp.  Định kiến phiến diện chỉ biết quan tâm đến gia đình ở các đối tượng  mà ông nghiên cứu khiến họ thiếu khả năng định hình chuyện công ích. Banfield đã đặt ra một thuật ngữ để suy diễn rộng ra những gì ông quan sát được: chủ nghĩa gia đình vô đạo đức.

Bốn năm qua là một nền giáo dục về tham nhũng. Cả gia đình Kushner và Trump đều cố gắng biến Nhà Trắng thành một phương tiện để tự làm giàu. (Ngay cả Trump cũng khó chịu với Jared sau khi em gái của anh thuyết phục các nhà đầu tư ở Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh mối quan hệ của cô với Nhà Trắng và tuyên bố rằng chuyện đó “có ý nghĩa rất lớn đối với tôi và toàn bộ gia đình tôi.”) Tuy nhiên, hối lộ và tư lợi không phải là các phạm trù tham nhũng duy nhất. Không kém phần nghiêm trọng khi tổng thống lạm dụng bộ máy nhà nước vì mục đích tư lợi. Trump đã khai thác sức mạnh của mình một cách thất thường để trừng phạt kẻ thù của mình và ngăn chặn hình phạt của những người bạn bị kết án. Ông đã loại bỏ những trở ngại thể chế được thiết kế để ngăn ông áp đặt những ảo tưởng của mình lên người dân Mỹ. Ông đã cố gắng biến chính sách đối ngoại thành công cụ tái tranh cử của mình.

Banfield cho rằng chủ nghĩa gia đình vô đạo đức ngăn cản việc ra quyết định đúng đắn; nó là kẻ thù của hiệu quả và tiến bộ. Đại dịch đã minh họa điều này bằng đồ họa. Đất nước này đã có thành tích tồi tệ so với các quốc gia mà nó từng được coi là đồng bạn. Nó đã trở thành phiên bản quốc gia của ngôi làng còi cọc mà Banfield nghiên cứu, được cai trị bởi một người cha và quyền lực của ông ta, không thể cai trị vì lợi ích chung, bởi vì họ không thể nhìn thấy gì hơn lợi ích của gia tộc.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu chủ nghĩa gia đình trị có phải là sự hủy diệt vận may chính trị của Trump hay không. Từ văn phòng của mình ở Cánh Tây, Kushner đã giám sát chiến dịch tái tranh cử của Trump. Anh ấy rất vui khi xem qua các slide PowerPoint mô tả bộ máy mà anh ấy đã chế tạo. Đó là một bài thuyết trình chứa đầy mô tả về cách chiến dịch năm 2020 sẽ triển khai nhắm mục tiêu theo địa lý và dữ liệu cho thấy, cùng với những thứ khác, cách Trump có thể tăng gấp đôi tỷ lệ của mình trong số phiếu bầu của Người da đen.

Kushner có thể tự hào về kế hoạch mà anh ấy nghĩ ra, nhưng các số liệu thăm dò hiện tại cho thấy anh ta không nên. Anh ta đã chứng tỏ rất ít khả năng để chống lại người cha thay thế của mình - người ít nhất đã làm thất vọng kế hoạch của Kushner trong việc củng cố tỷ lệ lá phiếu của Người da đen cho người đương nhiệm. Và mặc dù Trump có thể tận hưởng khả năng thoải mái để làm bất cứ điều gì ông ấy muốn, nhưng ông ấy đã giao tương lai chính trị của mình cho một thanh niên quá tự tin, người tin rằng anh có tất cả các câu trả lời. Trong chính trị, cũng như trong việc cầm quyền, Trump bị mắc kẹt bởi mối quan hệ họ hàng, buộc phải sống với một thực tế được dự đoán bởi phương châm về các nguy hiểm khi trộn lẫn giữa công việc và gia đình. Và nếu tổng thống thua vào tháng 11, ông ấy sẽ không phải tự trách mình./.



Nguyên bản tiếng Anh: https://www.theatlantic.com/politics/archive/2020/08/how-jared-kushner-became-trumps-most-dangerous-enabler/615169/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét