09 tháng 1 2021

Truyền thông Trung Quốc gọi vụ bạo loạn tại Quốc hội là "Kiệt tác thế giới"

Các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ chạy tìm chỗ ẩn nấp khi những người biểu tình cố gắng xông vào Hạ viện trong phiên họp chung của Quốc hội ở Washington vào ngày 6 tháng 1. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Các hướng dẫn được gửi tới các phóng viên nhấn mạnh việc tấn công nền dân chủ và khuyến khích kiểm duyệt.

Tracy Wen Liu, Foreign Policy

08/01/2021

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt

Cụm từ "cảnh đẹp để chiêm ngưỡng" bắt đầu thành phổ biến trên mạng xã hội Weibo (tương đương với Twitter của Trung Quốc) vào ngày 7 tháng 1 - là cụm từ  được Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi sử dụng trước tiên để mô tả các cuộc biểu tình ôn hòa ở Hồng Kông vào tháng 6 năm 2019.

Phương tiện truyền thông Trung Quốc trực thuộc nhà nước là tờ Hoàn Cầu Thời báo đã đăng các bức ảnh đối chiếu so sánh những người biểu tình Hồng Kông chiếm đóng Hội đồng Lập pháp của thành phố vào tháng 7 năm 2019 — một tháng sau phát biểu của Pelosi — với những người ủng hộ Trump xâm nhập Điện Capitol của Hoa Kỳ ở Washington.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cũng sử dụng cụm từ này khi đăng ảnh những kẻ bạo loạn xông vào Điện Capitol, mô tả những khoảnh khắc bi thảm đó là một “kiệt tác thế giới.” Những bài đăng trên Weibo này đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận và được chia sẻ lại hàng nghìn lần.

Ảnh chụp trang Weibo của Đoàn TNCS Trung cộng (Dịch bởi Google)

Trong năm qua, khi COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị của Trung Quốc, cả một thế hệ đã học cách căm thù người nước ngoài và các quốc gia khác. Nên hiểu rằng chính phủ luôn góp phần của mình để nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc. Nhưng giờ đây, một dòng nội dung liên tục 24/7 hỗ trợ nó và tất cả những tiếng nói chống đối đã bị tiêu diệt. Khi các phương tiện truyền thông nước ngoài viết về các vấn đề ở Trung Quốc, họ bị coi là thế lực thù địch của ngoại bang, và khi nền dân chủ của Mỹ sụp đổ, cư dân mạng Trung Quốc ăn mừng.

Các phóng viên được yêu cầu viết bài để đưa tin cho sự mừng vui này.

Một phóng viên của truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chia sẻ với tôi những hướng dẫn mà cô ấy nhận được về cách báo cáo cuộc bạo động ở Điện Capitol.

Cô được yêu cầu tập trung vào việc danh tiếng toàn cầu của Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại và xấu đi như thế nào trong bài báo của mình, đề cập đến việc các nhà lãnh đạo thế giới bị sốc trước cuộc nổi dậy này và lo ngại về liên minh của họ với Hoa Kỳ. Cô cũng được yêu cầu viết về cách dân chủ có thể bị chiếm đoạt bởi một nhóm người vô học và cách dân chủ chỉ có thể được thực hiện khi dân số có trình độ học vấn cao — và trình độ giáo dục hiện tại của Trung Quốc không phù hợp với dân chủ.

Vào sáng ngày 7 tháng 1, một phóng viên từ Hãng tin Phượng hoàng nói với tôi rằng một bài báo do nhóm của cô ấy xuất bản về cách các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter, Facebook và YouTube đều đặt các hạn chế đối với tài khoản của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra một loạt các thảo luận trực tuyến về việc các nước phương Tây như Hoa Kỳ “thậm chí không có quyền tự do ngôn luận.”

Các cuộc thảo luận này do Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn đầu và được thúc đẩy bởi một số blogger thân Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ lâu, một số lượng lớn cư dân mạng Trung Quốc đã có ấn tượng — bắt nguồn từ các phương tiện truyền thông cánh hữu ở những nơi khác — rằng không có tự do ngôn luận thực sự ở các nước phương Tây. Họ cáo buộc thế giới phương Tây giữ tiêu chuẩn kép khi chỉ trích chính phủ Trung Quốc chặn nội dung trang web, giám sát truy cập internet, cấm những người bất đồng chính kiến ​​và xóa bỏ các tài khoản mạng xã hội.

Nữ phóng viên bày tỏ lo ngại về cách mọi người diễn giải bài báo của cô ấy và điều đó sẽ khiến việc bắt đầu bất kỳ cuộc thảo luận nào về tự do ngôn luận và nhân quyền ở Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn thế nào. Gần đây, cô đã phỏng vấn một vài nạn nhân của #MeToo (phong trào tố cáo lạm dụng tình dục) và cảm thấy đau buồn khi thấy các nhà nữ quyền chiến đấu trong một môi trường mà sự kiểm soát của chính phủ đối với internet, phương tiện truyền thông và các blogger cá nhân đã trở nên khắt khe hơn trong thập niên vừa qua — và nơi mà chế độ nam quyền đang trỗi dậy. Cô nói rằng bạo động tại Điện Capitol đã hỗ trợ chính phủ Trung Quốc khi cho nó một lý do khác để biện luận rằng kiểm soát ngôn luận là cần thiết.

Bắc Kinh không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để tôn vinh nền cai trị của mình khi các nền dân chủ tự do bị thách thức. Hành vi bạo lực, xấu xa và tội ác của những kẻ bạo loạn đã cung cấp cho Bắc Kinh một câu chuyện hoàn hảo để tuyên bố rằng kiểm duyệt là một mô hình quản trị ưu việt. Đó là câu chuyện mà Trung Quốc rất muốn thúc đẩy khi họ vừa bắt giữ 53 chính trị gia và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông vào hôm thứ Tư. Và trong khi nhiều cư dân mạng Trung Quốc đang tán dương cái gọi là sự thất bại của nền dân chủ Hoa Kỳ, một số người cũng đang suy ngẫm về lý do tại sao Hoa Kỳ, được biết đến như là "ngọn hải đăng của dân chủ", thay vào đó lại dẫn đường cho các nước khác đi vào bóng tối./.


Nguyên bản tiếng Anh:

Chinese Media Calls Capitol Riot ‘World Masterpiece’


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét