02 tháng 2 2021

Chính quyền Biden tuyên bố việc giành chính quyền của quân đội Myanmar là một 'cuộc đảo chính'

Một thành viên quân cảnh đứng gác trước một ngôi đền Hindu ở khu trung tâm thành phố Yangon, Myanmar, vào ngày 2 tháng 2 năm 2021, sau khi quân đội bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi. (Reuters)

Tuyên bố chính thức này kích hoạt việc tái xét sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với quốc gia Á châu và các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo quân sự của nó.

Abigail Williams, NBC News

02/02/2021

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt

WASHINGTON - Chính quyền Biden tuyên bố rằng việc quân đội Myanmar tước quyền chính phủ, bao gồm cả việc bắt giữ nhà lãnh đạo dân sự của đất nước, Aung San Suu Kyi, là một "cuộc đảo chính" (nguyên văn: “coup d'etat"), theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết hôm thứ Ba.

"Chúng tôi đã đánh giá rằng bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng cầm quyền Miến Điện và Win Myint, người đứng đầu chính phủ được bầu hợp lệ, đã bị phế truất trong một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1 tháng 2", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết trong một cuộc gọi với các phóng viên. Quan chức này gọi quốc gia Miến Điện này bằng tên cũ là Burma (tên hiện nay là Myanmar). "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi giới lãnh đạo quân đội Miến Điện thả họ."

Tuyên bố chính thức kích hoạt việc tái xét viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ cho Miến Điện.

Myanmar dự kiến ​​sẽ nhận được khoản hỗ trợ chừng 100 triệu Mỹ kim trong năm nay, phần lớn là viện trợ nhân đạo và trợ giúp kinh tế trực tiếp, và rất ít trong số đó dự kiến ​​sẽ bị hạn chế bởi đợt tái xét mới.

Hồi tháng 8 năm 2017, Hoa Kỳ chính thức tuyên bố các cuộc tấn công quân sự nhằm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar là hành vi thanh lọc sắc tộc, dẫn đến việc cắt trợ giúp cho chính phủ này. Hỗ trợ nhân đạo ở Myanmar, bao gồm cả người Rohingya và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác, sẽ tiếp tục.

Quan chức này cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục các chương trình vì điều đó mang lại lợi ích trực tiếp cho cho người dân Miến Điện, bao gồm hỗ trợ nhân đạo cho người Rohingya và các nhóm dân cư khác đang cần trợ giúp.” Các quan chức này không đưa ra mốc thời gian khi nào việc xem xét sẽ hoàn thành.

Việc xác định đây là đảo chính cũng sẽ kích hoạt việc tái xét các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Myanmar. Bốn nhà lãnh đạo quân sự cấp cao nhất đã phải chịu các lệnh trừng phạt, bao gồm lệnh cấm đến Mỹ.

Vị quan chức cho biết, “Kể từ cuộc khủng hoảng Rohingya và nói thẳng ra là kể từ khi các vụ vi phạm nhân quyền trước đó, sự hợp tác của chúng tôi với quân đội Miến Điện hầu như không tồn tại.”

Theo quan chức này, các quan chức chính phủ Hoa Kỳ đã không liên lạc với Suu Kyi hoặc các nhà lãnh đạo dân sự khác kể từ khi họ bị quản thúc tại gia.

Chính quyền Obama đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar vào năm 2016 sau khi chính phủ thực hiện một loạt các cải cách dân chủ bắt đầu từ năm 2011 và đỉnh điểm là cuộc bầu cử năm 2015 của bà Suu Kyi làm lãnh đạo dân sự cùng với quân đội.

Khi được hỏi liệu việc quân đội tiếp quản chính phủ có nghĩa là chính sách của chính quyền Obama đã thất bại hay không, quan chức này cho biết, “Miến Điện ngày nay rất khác so với 10 năm trước. Có một xã hội dân sự cởi mở hơn, nhiều cơ hội hơn cho những người trẻ tuổi ở Miến Điện. Đó là cách chúng tôi đánh giá chính sách của chúng tôi đã hoạt động như thế nào ở Miến Điện cho đến nay”./.


Nguyên bản tiếng Anh:

Biden administration declares Myanmar military takeover a 'coup d'etat'


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét