12 tháng 12 2022

ANTHONY FAUCI: LỜI NHẮN NHỦ ĐẾN THẾ HỆ KHOA HỌC GIA KẾ TIẾP


Bác sĩ Anthony Fauci

Mặc dù tôi ngần ngại sử dụng cách diễn đạt tầm thường “Có vẻ như mới ngày hôm qua”, tôi quả thật cảm thấy như vậy khi chuẩn bị rời Viện Y tế Quốc gia ‌(NIH) sau hơn 5 thập niên. Nhìn lại sự nghiệp của mình, tôi thấy những bài học có thể hữu ích cho thế hệ các nhà khoa học và nhân viên y tế tiếp theo, những người sẽ nhận trọng trách giải quyết những thách thức ngoài mong đợi về y tế cộng đồng chắc chắn sẽ đến trong tương lai.

Ở tuổi ‌81, tôi vẫn có thể nhớ rõ lần đầu tiên tôi lái xe lên khuôn viên Viện Y tế Quốc gia ở Bethesda, M‌‌aryland, vào tháng 6 năm 1968 với tư cách là một bác sĩ mới 27 tuổi, khi vừa hoàn thành khóa đào tạo nội trú tại Thành phố New York. Động lực và niềm đam mê cháy bỏng của tôi vào thời điểm đó là trở thành bác sĩ có tay nghề cao nhất có thể‌‌, cống hiến hết mình để mang lại sự chăm sóc tốt nhất có thể cho ‌bệnh nhân. ‌Điều đó vẫn là một phần không thể thiếu trong bản sắc ‌‌của tôi, nhưng tôi đã không nhận ra ‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌‌tình huống bất ngờ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến định hướng sự nghiệp và cuộc sống của tôi như thế nào. Tôi đã sớm học cách đón nhận những điều bất ngờ.

Tôi chia sẻ câu chuyện của mình, một câu chuyện về tình yêu khoa học và khám phá, với hy vọng truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo bước vào những nghề nghiệp liên quan đến sức khỏe — và tiếp tục theo đuổi, bất chấp những thách thức và bất ngờ có thể nảy sinh.

Anthony Fauci khi còn là sinh viên y khoa năm thứ nhất năm 1962.

Ngay trong quá trình đào tạo nội trú‌‌, tôi đã bị cuốn hút bởi sự giao thoa giữa các bệnh truyền nhiễm và lĩnh vực miễn dịch học tương đối non trẻ nhưng đang phát triển. Khi tôi chăm sóc cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng thông thường cũng như bí hiểm, ‌‌rõ ràng là ‌‌các bác sĩ và giới y khoa cần nhiều công cụ hơn để chẩn đoán, ngăn ngừa và điều trị ‌bệnh. ‌

Để hợp nhất những đam mê này, tôi đã chấp nhận một học bổng tại Phân Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (N.I.A.I.D.) ‌‌tại Viện Y tế Quốc gia (N.I.H.) ‌để tìm hiểu ‌những cách thức phức tạp mà tế bào và các thành phần khác của hệ thống miễn dịch bảo vệ chúng ta chống lại các bệnh truyền nhiễm‌‌. Khi làm như vậy, tôi sẽ tuân theo truyền thống nghiên cứu từ-phòng-thí-nghiệm-đến-giường-bệnh của Viện Y tế Quốc gia bằng cách mang các phát minh trong phòng thí nghiệm áp dụng vào việc chăm sóc bệnh nhân và ngược lại, đưa những nhận thức từ phòng khám trở lại phòng thí nghiệm để cải thiện ‌khoa học.

‌Mặc dù không được đào tạo trước về nghiên cứu khoa học cơ bản, ‌tôi bất ngờ bị thu hút bởi tiềm năng ‌‌của nó trong việc tạo ra những khám phá không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân của tôi mà còn cho vô số người khác mà tôi có thể chưa bao giờ gặp, và chưa hề chăm sóc họ với tư cách là bác sĩ. ‌‌Tình yêu mới mẻ của tôi dành cho công việc này đã đặt ra một xung đột lớn ‌đối với những kế hoạch hành nghề y khoa đã được lên kế hoạch kỹ càng của tôi. Cuối cùng, tôi đã chọn đi theo cả hai con đường: trở thành nhà khoa học nghiên cứu và bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại Viện Y tế Quốc gia, nơi tôi đã làm việc kể từ đó.

Bác sĩ Anthony Fauci thuyết trình về AIDS năm 1985. (Ảnh: Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia) 

‌‌Có rất nhiều khám phá có thể xảy ra bên trong phòng thí nghiệm và trong phòng khám — ngay cả khi bạn ít mong đợi nhất. Khi mới vào nghề, tôi đã có thể phát triển các liệu pháp hiệu quả cao cho một nhóm bệnh gây tử vong về mạch máu gọi là hội chứng viêm mạch. Những bệnh nhân lẽ ra đã chết ‌‌đã thuyên giảm dần trong thời gian dài nhờ các phác đồ điều trị‌‌ mà tôi đã phát triển. ‌‌Tương lai gần của tôi dường như được vạch ra rõ ràng: Tôi sẽ dành cả đời mình để giải quyết các tình trạng liên quan đến hoạt động bất thường của hệ thống miễn dịch.

‌‌Thế rồi, vào mùa hè năm 1981, ‌các bác sĩ và các nhà nghiên cứu biết đến một căn bệnh bí ẩn lây lan chủ yếu ở ‌những nam thanh niên có quan hệ tình dục đồng giới. Tôi bị cuốn hút bởi chứng rối loạn bất thường này, sau này được gọi là H.I.V./AIDS. ‌Dấu hiệu ‌là sự phá hủy hoặc suy yếu của chính các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch mà cơ thể cần để chống lại căn bệnh. Tôi đã cảm thấy đồng cảm sâu sắc với những người đồng tính nam chủ yếu là trẻ tuổi vốn đã bị kỳ thị nay còn bị kỳ thị gấp đôi khi căn bệnh ‌‌‌đã‌ tàn phá cơ thể họ, ‌cướp đi cuộc sống và ước mơ của họ. ‌

Bác sĩ Fauci và nhóm điều trị với một bệnh nhân AIDS tại Viện Y tế Quốc gia năm 1987. (Ảnh: Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia)

Trước sự hoang mang của bạn bè và những người hướng dẫn vì lo sợ rằng tôi sẽ đánh mất cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, và trái với lời khuyên của họ, tôi quyết định thay đổi hoàn toàn hướng nghiên cứu của mình. Từ lúc đó, tôi đã dồn hết tâm sức của mình để nghiên cứu về bệnh AIDS, ‌‌‌‌bằng việc chăm sóc những chàng trai trẻ này tại bệnh viện thuộc Viện Y tế Quốc gia, đồng thời tìm tòi và khám phá những bí ẩn của căn bệnh mới này trong phòng thí nghiệm của tôi — điều mà ‌‌tôi đã làm hơn 40 năm nay.

Tôi chưa bao giờ mong muốn một vị trí quan trọng trong chính quyền, nhưng tôi rất bằng lòng với chỗ đứng của mình trong tư cách là một bác sĩ thực hành và nhà nghiên cứu lâm sàng. ‌Nhưng tôi thất vọng với sự thiếu quan tâm và nguồn lực hơi thiếu thốn dành cho nghiên cứu về H.I.V./AIDS vào đầu những năm 1980. ‌Thế rồi, một cơ hội bất ngờ lại ‌nảy sinh khi tôi được đề nghị lãnh đạo Phân Viện N.I.A.I.D., và tôi đã nhận lời, với điều kiện tôi có thể tiếp tục chăm sóc bệnh nhân cũng như lãnh đạo phòng thí nghiệm nghiên cứu của mình. Quyết định này đã thay đổi sự nghiệp của tôi và mở ra những cơ hội ảnh hưởng tích cực đến y học và sức khỏe đại chúng theo những cách mà tôi không thể tưởng tượng được.

‌Bắt đầu với Tổng thống Ronald Reagan, tôi đã có cơ hội cố vấn trực tiếp cho bảy tổng thống trong 38 năm làm giám đốc Phân Viện N.I.A.I.D. Các cuộc thảo luận của chúng tôi bao gồm cách ứng phó với H.I.V./AIDS, cũng như các mối đe dọa khác như cúm gia cầm, cuộc tấn công anthrax, đại dịch cúm năm 2009, Ebola, Zika‌‌ và C‌ovid-19. Tôi ‌‌luôn nói sự thật không rào đón với các tổng thống và các quan chức chính phủ cấp cao khác, ngay cả khi những sự thật đó có thể gây khó chịu hoặc bất tiện về mặt chính trị, bởi vì những điều phi thường có thể xảy ra khi khoa học và chính trị cùng bắt tay làm việc.

Bác sĩ Fauci trình bày thông tin về H.I.V./AIDS cho Tổng thống Bill Clinton và Phó Tổng thống Al Gore tại Nhà Trắng năm 1996.

Vào giữa những năm 1990, thuốc kháng vi-rút cứu trị H.I.V. đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả, phần lớn thông qua các nghiên cứu được hỗ trợ bởi Phân Viện N.I.A.I.D. Chúng được cung cấp ở Hoa Kỳ vào năm 1996. Vào đầu thế kỷ 21, những người tiếp cận với các loại thuốc này có thể mong đợi một tuổi thọ gần như bình thường. Nhưng những người ‌sống ở vùng cận Sahara của châu Phi và các khu vực thu nhập thấp và trung bình‌ khác vẫn hầu như không  thể tìm được thuốc.

Được thúc đẩy bởi lòng trắc ẩn sâu xa và mong muốn về sự công bằng trong y tế toàn cầu, Tổng thống George W. Bush đã chỉ đạo tôi, cùng với các nhân viên của ông, phát triển một chương trình có thể cung cấp các loại thuốc này và dịch vụ chăm sóc khác cho người dân ở các quốc gia nghèo với tỷ lệ lây nhiễm H.I.V. cao. Đó là đặc ân và vinh dự trong cuộc đời tôi khi được trở thành kiến trúc sư của chương trình sẽ trở thành Kế hoạch Khẩn cấp về Hỗ trợ AIDS của Tổng thống (PEPFAR), chương trình ‌‌đã cứu sống 20 triệu người trên toàn cầu. Kế hoạch PEPFAR là một ví dụ về những gì có thể đạt được khi các nhà hoạch định chính sách mong muốn đạt được các mục tiêu táo bạo, được củng cố bởi khoa học.

**

Nếu một thành tích xưa trong sự nghiệp tại Viện Y tế Quốc gia của tôi là về điều trị H.I.V./AIDS, thành tích gần kề nhất là việc điều trị Covid-19. ‌‌Đại dịch này không hoàn toàn bất ngờ, vì các bệnh truyền nhiễm mới đã luôn thách thức loài người trong suốt lịch sử, nhưng một số bệnh có thể làm thay đổi các nền văn minh‌‌, và Covid-19 là đại dịch bệnh hô hấp tàn khốc nhất đối với loài người kể từ đại dịch cúm‌‌ năm 1918. Và có nhiều điều cần học hỏi từ ‌‌trải nghiệm với Covid-19 vẫn đang diễn tiến này.

Hoa Kỳ được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu y sinh cơ bản và lâm sàng. Những thành công lớn trên đại dịch C‌‌ovid-19 đã được thúc đẩy bởi những tiến bộ khoa học, đặc biệt là vắc xin cứu trị đã được phát triển, được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng và được cung cấp cho công chúng trong vòng một năm - một kỳ tích chưa từng có.

Các bài học khác rất đau đớn, chẳng hạn như sự thất bại của một số phản ứng y tế công cộng trong nước và toàn cầu. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng cuộc chiến chống lại Covid-19 của chúng ta đã bị cản trở bởi sự chia rẽ chính trị sâu sắc trong xã hội của chúng ta. Theo một cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây, các quyết định về các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang và tiêm vắc xin an toàn và hiệu quả cao đã bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch và hệ tư tưởng chính trị.

Trách nhiệm tập thể của chúng ta là đảm bảo rằng các quyết định về chính sách y tế công cộng phải dựa trên dữ liệu tốt nhất hiện có. Các nhà khoa học và nhân viên y tế có thể thực hiện phần việc của họ bằng cách lên tiếng, trên các mạng truyền thông cũ và mới, để chia sẻ và giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản những phát hiện khoa học mới nhất cũng như những gì còn trong giai đoạn tìm tòi.

Giờ đây, khi nghĩ về chàng trai 27 tuổi đặt chân khuôn viên Viện Y tế Quốc gia vào năm 1968, tôi thấy mình nhỏ bé trước đặc ân và vinh dự to lớn mà tôi đã có được khi phục vụ công chúng Mỹ và toàn cầu. ‌

Tôi đã trải qua niềm hân hoan vô hạn và được thụ hưởng vô vàn nhờ sự ‌‌đào tạo và dạy dỗ của hàng trăm bác sĩ và khoa học‌ gia tài giỏi và tận tâm cũng như các nhân viên hỗ trợ làm việc trong phòng thí nghiệm của tôi, ở phòng khám Viện Y tế Quốc gia và trong các phòng nghiên cứu N.I.A.I.D. và từ các cộng tác viên nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Nhìn về phía trước, tôi tin tưởng rằng các thế hệ tiếp theo của các bác sĩ, các khoa học gia trẻ và các nhân viên y tế công cộng sẽ trải nghiệm sự phấn khích và cảm giác mãn nguyện giống như tôi khi họ đáp ứng nhu cầu to lớn về chuyên môn của họ để duy trì, phục hồi và bảo vệ sức khỏe của mọi người trên khắp thế giới và đối mặt với những thách thức bất ngờ liên tục mà họ chắc chắn sẽ phải đối mặt trong nghề nghiệp đó./.

Nguyên bản: https://www.nytimes.com/2022/12/10/opinion/anthony-fauci-retirement.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét