01 tháng 9 2020

Facebook và Twitter nói rằng Người Nga lại nhắm mục tiêu vào người Mỹ bằng tin giả

Facebook và Twitter cho biết hôm thứ Ba rằng họ đã triệt hạ một chiến dịch tin giả của Nga (Ảnh: Jim Wilson / The New York Times)


Sheera Frenkel
Julian E. Barnes

New York Times

01/09/2020

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt


Các công ty cho biết F.B.I. đã cảnh báo cho họ rằng cái gọi là trang trại gây rối (troll farm) ở St.Petersburg đã thiết lập một mạng lưới tài khoản giả mạo và một trang web.

Hôm thứ Ba, Facebook và Twitter cho biết nhóm người Nga từng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đang sử dụng một mạng lưới tài khoản giả mạo và một trang web được thiết lập để trông giống như một trang tin tức cánh tả.

Chiến dịch tin giả của nhóm có tên Cơ quan Nghiên cứu Internet (I.R.A) được hậu thuẫn bởi điện Kremlin là bằng chứng công khai đầu tiên cho thấy cơ quan này đang cố gắng lặp lại những nỗ lực từ 4 năm trước và đẩy cử tri khỏi ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Joseph R. Biden Jr., để giúp Tổng thống Trump.

Các cơ quan tình báo đã cảnh báo trong nhiều tháng rằng Nga và các quốc gia khác đang tích cực cố gắng phá hoại cuộc bầu cử tháng 11, và rằng các cơ quan tình báo Nga đang đưa ra các thuyết âm mưu được thiết kế hòng chia rẽ người Mỹ bằng cách “rửa thông tin" dưới các trang web và mạng xã hội bên lề.

Hiện Facebook và Twitter đang đưa ra bằng chứng về sự can thiệp này, ngay cả khi Nhà Trắng trong những tuần gần đây đã tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn luồng thông tin về các mối đe dọa từ nước ngoài đối với cuộc bầu cử vào tháng 11 và hạ thấp sự can thiệp của Nga. Mới hôm Chủ nhật, các viên chức tình báo cao cấp trong chính phủ Trump còn cố gắng gợi ý rằng Trung Quốc là một rủi ro tàn khốc hơn Nga.

Facebook và Twitter, vốn đã chậm phản ứng với các chiến dịch cung cấp tin giả trên diện rộng trên các dịch vụ của họ vào năm 2016 và tiếp tục đối mặt với những lời chỉ trích - thậm chí từ chính nhân viên của họ - rằng họ chưa làm đủ để đối mặt với vấn đề này. Hai công ty cho biết họ đã bị FBI cảnh báo về nỗ lực của Nga.

Một ví dụ về một bài đăng trên Facebook của trang tin tức giả mạo Peace Data. Nhóm I.R.A của Nga đã thuê người Mỹ viết cho trang này. (Ảnh: Facebook)


Một số quan chức Mỹ lo lắng về nỗ lực rộng rãi của tình báo Nga nhằm sử dụng các trang web bên lề, truyền bá các thuyết âm mưu và gieo rắc sự chia rẽ ở Mỹ. Và một số hoạt động mà Facebook và Twitter đã xác định hôm thứ Ba chỉ là loại rửa thông tin.

Mạng và trang web giả mạo không tiếp cận được lượng người xem lớn như những nỗ lực của nhóm này từng có vào năm 2016, nhưng giờ họ có một mánh khoé mới: Người Nga thuê người Mỹ thực sự để viết cho trang web. Trang web, được gọi là Dữ liệu Hòa bình (Peace Data), cũng sử dụng các nhân vật có hình ảnh tạo ra bởi máy tính để cho vẻ giống một mạng tin tức hợp lệ.

Nhóm I.R.A. đã hoạt động rất tích cực trong mùa bầu cử tổng thống năm 2016 và một báo cáo gần đây của Ủy ban Tình báo Thượng viện lưỡng đảng đã nêu chi tiết về sự can thiệp của Nga trong việc ủng hộ cuộc bầu cử của ông Trump.

Theo hai viên chức tình báo Mỹ giấu tên, nhóm này là một phần ít quan trọng hơn trong hoạt động của Nga trong năm nay. Các hoạt động được phát hiện gần đây của nhóm trên Twitter và Facebook gần như công khai, được thiết kế để bị phát hiện, các quan chức cho biết.

Nhưng trang Dữ liệu Hòa bình dường như là một ví dụ đáng lo ngại hơn về “rửa thông tin”, một nỗ lực bí mật và có khả năng nguy hiểm hơn của Moscow. Các cơ quan tình báo Nga đã sử dụng các đồng minh và đặc vụ để đưa các bài báo, bao gồm cả tin giả, vào các trang web bên lề khác nhau.

Ông Ben Nimmo, chủ công ty Graphika, đã làm việc với Facebook để đưa ra một báo cáo về trang web giả mạo, cho biết: "Người Nga đang cố gắng che giấu nhiều hơn; họ dùng nhiều lớp vỏ bọc hơn. Nhưng họ vẫn bị bắt."

Nhóm I.R.A. quảng cáo tuyển dụng các nhà văn trên một trang cần việc làm trực tuyến, theo một nhà báo tự do người Mỹ đã từng viết cho Peace Data.

Nhà báo này yêu cầu giấu tên vì không muốn nghề nghiệp của mình bị ảnh hưởng bởi sự hợp tác vô tình của anh trong một chiến dịch ở Nga. Anh ta cho biết anh đã trả lời quảng cáo tuyển dụng với một số đường dẫn cho các công việc anh làm gần đây, và ngay lập tức nhận được email phản hồi yêu cầu anh gửi các bài báo mới về bất kỳ chủ đề nào mà anh ấy chọn.

Trong các bài viết trước đó của mình, anh ta thường xuyên thách thức liệu Biden có đại diện cho các giá trị tiến bộ của Đảng Dân chủ và liệu ông có xứng đáng với lá phiếu của những người Mỹ cánh tả hay không.

Anh cho biết các bài báo anh viết cho trang web hầu như không được chỉnh sửa. Anh nói thêm rằng anh rất vui khi nhận được thù lao cho công việc của mình, mặc dù các ông chủ mới chỉ trả anh 75 đô la cho mỗi câu chuyện. Anh ta cho biết rằng tiền thù lao được trả thông qua thanh toán điện tử.

Nhóm I.R.A. dường như đang trong giai đoạn đầu gầy dựng độc giả cho trang tin tức giả mạo trên Facebook. Theo Facebook, Nhóm này đã tạo 13 tài khoản giả và hai trang dành riêng để quảng bá Dữ liệu Hòa bình. Các trang đó có được 14.000 người theo dõi.

Người đứng đầu bộ phận bảo mật của Facebook Nathaniel Gleicher cho biết, mục tiêu dường như là hướng mọi người đến trang web Dữ liệu hòa bình, trang web tự nhận là “tổ chức tin tức toàn cầu.”

Hoạt động đầu tiên của trang web là vào tháng 10 năm 2019, khi nó bắt đầu chia sẻ các bài báo được xuất bản bởi các hãng tin khác. Vào tháng 3 năm 2020, trang web bắt đầu xuất bản các bài báo của riêng mình bằng tiếng Anh. Ba biên tập viên đã được liệt kê trên trang web. Ông Nimmo nói rằng khi các bức ảnh của họ được nghiên cứu kỹ lưỡng, rõ ràng chúng là những hình ảnh do máy tính tạo ra.

Ông Nimmo nói: “Về mặt đăng bài, họ rõ ràng tả khuynh một cách đáng kể so với chiến dịch Biden-Harris. Ông cho biết các chủ đề trải dài từ phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ đến môi trường và chủ nghĩa tư bản. Một số bài báo cho rằng ông Biden sẽ đưa Đảng Dân chủ đi quá xa về phía cánh hữu."

Ông Bill Russo, phát ngôn viên của chiến dịch Biden, cho biết hoạt động của Nga là "bằng chứng của hai sự thật bất di bất dịch: Nga đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta thay mặt cho Donald Trump và nền tảng của Facebook là một yếu tố chính cho những nỗ lực này."

Ông Russo nói: “Việc Tổng thống Trump từ chối lên tiếng chống lại sự can thiệp của Nga làm tăng mức quan trọng của việc Facebook phải làm nhiều hơn nữa để thực thi các quy tắc của họ và đảm bảo nền tảng của nền dân chủ của chúng ta không bị bào mòn”.

Facebook đã sử dụng mẹo của F.B.I. để xác định các trang và tài khoản của Dữ liệu Hòa bình trên nền tảng của chính nó, đồng thời làm việc với Twitter và các trang khác để xóa bỏ mạng lưới điều hành bởi nhóm I.R.A. Công ty cho biết họ đã liên hệ với gần 200 người bị mạng này gởi tin nhắn.

F.B.I. đã xác nhận sự can dự của nhóm và cho biết trong một tuyên bố rằng họ “đã cung cấp thông tin về vấn đề này để bảo vệ tốt hơn trước các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và các quy trình dân chủ của chúng ta.”

Hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết hoạt động gây ảnh hưởng lần đầu tiên được phát hiện bởi các cơ quan tình báo Mỹ, bao gồm cả Cơ quan An ninh Quốc gia.

Các quan chức của Cơ quan An ninh Quốc gia N.S.A. và Bộ tư lệnh An ninh mạng (Cyber ​​Command) từ chối bình luận. Nhưng trong một bài báo hồi tháng trước trên tờ Foreign Affairs, Tướng Paul M. Nakasone, người lãnh đạo cả hai tổ chức trên, cho biết rằng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, các mối đe dọa được phát hiện bởi hai cơ quan đã được chia sẻ với F.B.I.

Một phát ngôn viên Twitter cho biết hôm thứ Ba rằng họ đã đình chỉ năm tài khoản liên quan đến Dữ liệu Hòa bình vì “việc thao túng nền tảng mà chúng tôi có thể quy kết một cách đáng tin cậy cho các nhân vật dính tới nhà nước Nga.”

Twitter cho biết, các tài khoản có chất lượng thấp và tham gia vào hoạt động gửi thư rác, vì vậy chúng không thu hút được nhiều người theo dõi hoặc thu hút nhiều sự chú ý. Mặc dù vậy, Twitter cho biết họ sẽ chặn mọi nỗ lực chia sẻ các đường dẫn từ nhóm Dữ liệu Hòa bình trong tương lai.

Facebook đã thực hiện khoảng một chục hoạt động có liên quan đến I.R.A. kể từ cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Vào tháng 10 năm ngoái, Facebook thông báo rằng họ đã loại bỏ các mạng lưới ảnh hưởng do Nga hậu thuẫn nhằm vào các nước châu Phi bao gồm Mozambique, Cameroon, Sudan và Libya.

Công ty cho biết các mạng trực tuyến này có liên quan đến Yevgeny Prigozhin, nhà tài phiệt Nga đã bị Hoa Kỳ truy tố và cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Và vào tháng 4, Facebook đã loại bỏ một hoạt động do Nga hậu thuẫn ở Ghana và Nigeria nhắm vào người Mỹ với nội dung gây chia rẽ.

Tháng trước, ông William R. Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia, đã công bố những nỗ lực rộng rãi của Nga, Trung Quốc và Iran nhằm cố gắng tác động đến việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng các quan chức chính quyền cho rằng đảng Dân chủ đang bày ra lời đe dọa của Nga để làm tổn thương ông Trump.

Trong một lần xuất hiện trên kênh Fox News hôm Chủ nhật, ông John Ratcliffe, người được bổ nhiệm vào tháng 5 làm giám đốc tình báo quốc gia, khẳng định rằng Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là mối đe dọa lớn.

Trong khi những người  báo cáo tình báo thông báo tóm tắt về thông tin tình báo thừa nhận rằng Trung Quốc muốn gia tăng ảnh hưởng ở Hoa Kỳ, họ cho biết không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy Bắc Kinh đã có hành động trực tiếp để gây ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu tổng thống năm nay.

Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại về các chiến dịch tin vịt từ trong nước, và nỗ lực mới nhất của Nga đã đi khá xa để có vẻ như nó được thực hiện ở Hoa Kỳ. Ngoài việc thuê các nhà báo Mỹ và khuyến khích họ viết bằng ngôn ngữ của mình, trang web Dữ liệu Hòa bình còn kết hợp với các hoạt động xã hội, chính trị, văn hóa đại chúng để thu hút giới trẻ.

Ông Nimmo nói: “Nó cho thấy bọn họ kiên trì và có khả năng thích ứng. Nhưng nó cũng cho thấy họ đang gặp khó khăn hơn nhiều so với trước đây trong việc tìm kiếm khán giả"./.



---

Nguyên bản tiếng Anh: https://www.nytimes.com/2020/09/01/technology/facebook-russia-disinformation-election.html


---

Bài liên quan:

Văn phòng tình báo hàng đầu thông báo cho các ủy ban quốc hội rằng họ sẽ không còn tóm tắt về an ninh bầu cử nữa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét